Mẹ bỉm hỉ hả thức đêm hóng clip đánh ghen "chồng và bồ trần như nhộng"
(Dân trí) - Thấy nhiều người bàn tán "Clip gì mà xem chóng mặt hơn đi tàu lượn" chị Nh. lao ngay vào cuộc tìm kiếm, bàn luận về clip vợ đánh ghen, bắt quả tang chồng và nhân tình "trần như nhộng".
Đêm 3/5, chuẩn bị đi ngủ sau một ngày chán chường, mệt mỏi, chị Nh., có hai con nhỏ ở Gò Vấp, TPHCM đọc được trạng thái từ người bạn trên mạng xã hội: "Clip gì mà xem chóng mặt hơn cả ngồi tàu lượn".
Đọc tiếp những bình luận như "cho xem với", "phê nhé", "hơn hai phút mà như cả tiếng đồng hồ"… chị Nh. biết mình vừa bỏ lỡ vụ ly kỳ nào đó.
Chị vào hỏi với cách quen thuộc: "Mình bỏ lỡ gì rồi ư? Gửi mình với!". Sau lời hồi đáp "Ibox nhé" chỉ vài giây sau, chị Nh. có trong tay clip đánh ghen vợ bắt quả tang chồng và nhân tình "trần như nhộng".
Clip kéo dài hơn hai phút này quay lại cảnh một người phụ nữ bắt quả tang chồng ngoại tình trong nhà nghỉ. Người phụ nữ liên tục "tung đòn" đánh, chửi chồng và tình địch khi cả hai người này không mảnh vải che thân. Trong clip cũng thể hiện, người đi cùng đã dùng điện thoại quay lại cảnh tượng trên.
Khi nắm được sự tình, chị Nh. lao ngay vào việc bình luận, bình phẩm quanh clip đánh ghen đang được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.
Trên đó nhan nhản những bình phẩm kéo dài vô tận về cách đánh ghen bắt quả tang tại trận như "đánh vậy mới đỉnh", "đỡ mất công lột đồ" cho đến những mô tả thô thiển về thân thể như "hàng ngon', "tối chị em đọ hàng nhà nhé"...
Những trò đánh ghen "kinh dị" đã không còn xa lạ. Từ lột đồ, cắt tóc, tạt axit tình địch giữa đường cho đến đến cả hành vi chém lìa tay vợ hay tưới xăng đốt kẻ thứ ba...
Trong những cơn cuồng ghen, nhiều người mù quáng, mất kiểm soát tung ra những đòn "tất cả cùng mất", thậm chí nhiều người biến mình thành tội phạm khi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, điều khó hiểu là không ít người ngoài cuộc lại tham gia vào những cuộc đánh ghen này bằng thái độ hỉ hả, sung sướng, khoái chí, thích thú.
Một clip đánh ghen dã man có thể liên tục được chia sẻ, bàn luận với tốc độ chóng mặt cùng những bình luận tung hô với vô vàn những lời nhục mạ, chửi bới, "đánh cho nó chết"...
Như dòng trạng thái của chị Nh. đăng tải vào lúc gần 11h đêm 3/5 sau khi xem clip đánh ghen "trần như nhộng": "Đánh thật đỉnh. Đang chán đời thì chớ, xem xong khỏe cả người".
Một dạng hạnh phúc trên sự đau khổ của người khác?
Chị Lê Ngọc Hồng Nhung, ở TP Thủ Đức, TPHCM cho biết, từ chiều tối 3/5, chị thấy rất nhiều bạn bè của mình đổ trạng thái, chia sẻ thông tin, hình ảnh về vụ đánh ghen chồng và nhân tình "trần như nhộng".
Người này tag (gắn thẻ) người kia để vào cùng "hit"... drama, bình luận xuyên đêm. Chị ngạc nhiên là trong đó có rất nhiều người được xem là dân trí thức, trình độ, vị trí xã hội.
"Tôi hay tự hỏi, khi người lớn say sưa, dành thời gian, năng lượng bình phẩm chuyện riêng tư người khác như vậy thì con cái ở đâu? Ai sẽ chơi, trò chuyện, chia sẻ, trao đổi với chúng?", chị Nhung băn khoăn.
Theo chị Nhung, dường như giờ đây chúng ta quan tâm đến bi kịch của người khác hơn là quan tâm đến vấn đề, tâm tư của những người thân ngay bên cạnh mình, của chính mình.
Ở góc độ tâm lý xã hội, bà Đỗ Minh Lan, thạc sĩ xã hội học ở TPHCM cho rằng thông qua mạng xã hội, nhiều người có không gian thể hiện "quyền lực mềm" của mình. Ở đó, ai cũng cho mình được quyền phán xét, ném đá vào người khác.
Hiển nhiên không ai có thể bênh vực nổi cho những người ngoại tình hay kẻ thứ ba. Tuy nhiên, sự hả hê với những màn tra tấn, đánh ghen kinh dị lại là một vấn đề khác, theo bà Lan, có thể xuất phát từ những bất ổn tâm lý.
Có thể những người này có những bất mãn trong đời sống không được giải quyết? Hay chính họ cũng đang đau khổ khi chồng ngoại tình nên hả hê thấy có người "thay trời hành đạo"? Thấy thỏa lòng với việc kẻ thứ 3 bị trừng trị?
Ngoài ra, bà Đỗ Minh Lan nêu quan điểm nếu hạnh phúc của người Việt trước giờ thường được đong đếm bằng vật chất, công việc ổn định, gia đình yên ổn, con cái thành đạt. Nhưng giờ đây, dường như có thêm một dạng hạnh phúc rất quái gở là hạnh phúc, thỏa mãn trên... nỗi đau, đời sống bất ổn của người khác. Có người xem đây như một "món ăn" tinh thần.
"Không ít người có tâm lý ghen tỵ, khổ sở khi nhìn ai đó giàu có, hạnh phúc và sung sướng khi nhìn thấy người khác bất hạnh. Thay vì sung sướng trước các màn đánh ghen, mỗi người hãy nhìn vào chính chất lượng hôn nhân, cuộc sống của gia đình mình", người này đặt ra góc nhìn từ hiện tượng nhiều người hỉ hả trước các màn đánh ghen kinh hoàng.