1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tuyển thủ bóng đá nữ có hở hang, lẳng lơ đâu, sao vẫn bị quấy rối?

Hoài Nam

(Dân trí) - Hành vi, thái độ cợt nhả, quấy rối nhắm vào các nhà vô địch bóng đá nữ là một minh chứng cho thấy việc phụ nữ là ai, ăn mặc thế nào, đang mang trọng trách gì, ở đâu cũng vẫn phân biệt, định kiến.

Sự việc các nhà vô địch bóng đá nữ SEA Games liên tục bị sàm sỡ, quấy rối bằng những lời bình phẩm, tình dục hóa và qua cả việc cắt ghép ảnh trên mạng được nhiều người quan tâm những ngày qua. 

Nhiều người buông những bình phẩm mang tính quấy rối, sàm sỡ kiểu "muốn hôn lên logo chiếc áo", "sẵn sàng ngủ với em một đêm", "mẩy nhỉ", "giá như Thanh Nhã cởi áo ra ăn mừng bàn thắng"... Họ mô tả về thân thể, số đo của cô gái bằng những lời lẽ thô tục, cợt nhả. Đáng sợ hơn, những lời bình phẩm đó lại nhận về nhiều bình luận cổ vũ, hưởng ứng. 

Phải nói tư duy, thói quen bình phẩm cợt nhả, "vật hóa" đối với nữ giới phổ biến đến mức được nhiều người xem là chuyện bình thường. Một vấn đề lâu nay chưa được nhìn nhận nghiêm túc. 

Hành vi, thái độ cợt nhả, quấy rối các nhà vô địch nữ cho thấy, việc người phụ nữ là ai, ăn mặc thế nào, đang mang trọng trách gì, ở đâu cũng đều có thể bị quấy rối. Các nữ cầu thủ rõ ràng không ăn mặc hở hang, không có hành vi khêu gợi, lẳng lơ. Họ mặc đồ thi đấu, chạy trên sân và đang dốc sức cống hiến... 

Vậy nhưng, họ bị đùa cợt, bình phẩm, ám chỉ tình dục hóa khắp nơi trên cõi mạng. 

Điều này cho thấy những quan điểm, tư duy phán xét của nhiều người lâu nay, kiểu "ăn mặc hở hang khiêu khích thế nào, hành vi thế nào thì mới bị quấy rối", "người nghiêm túc có bị đâu" cũng chính là định kiến nặng nề với phụ nữ.

Cách nhìn đổ lỗi cho nạn nhân đã trút tội lên chính những người cần được bảo vệ và vô tình bao biện cho kẻ quấy rối. Đây cũng là lý do rất nhiều phụ nữ bị quấy rối tình dục không dám lên tiếng khi mang áp lực "phải thế nào đó mới bị vậy". 

Còn nhớ sự việc cách đây không lâu, một nữ thi sĩ lên tiếng tố cáo về việc mình bị đồng nghiệp cũ cưỡng hiếp hơn 20 năm trước. Người phụ nữ "dại dột" lên tiếng này lại liên tục bị tấn công, đổ lỗi với những phán xét, quy kết mang tính sát thương như "vì sao lại bị cưỡng hiếp?", "sao nó không hiếp người khác?", "đẹp đẽ gì mà lôi ra"... 

Tuyển thủ bóng đá nữ có hở hang, lẳng lơ đâu, sao vẫn bị quấy rối? - 1

Ngập tràn những bình phẩm, tình dục hóa cơ thể các vận động viên nữ trên mạng xã hội (Ảnh: MXH).

Chị Lê Ngọc Liên, 31 tuổi, ở phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM cho hay, chị chính là nhân chứng sống của tư duy "lỗi là của nạn nhân". 

Nhiều năm trước, chị làm việc tại một công ty tài chính ở bộ phận văn phòng, trang phục công sở, đồng phục luôn chỉn chu, mực thước. Vậy mà trong thời gian đó, không ít lần chị bị sàm sỡ, quấy rối thậm chí là tấn công tình dục từ đồng nghiệp, sếp, khách hàng. 

Chị Liên lấy hết dũng khí để lên tiếng nhưng không những không được bảo vệ mà còn trở thành người bị tấn công.

Mọi người xì xầm chị phải như thế nào đó, phải gạ gẫm, lẳng lơ, bắn tín hiệu... Những bức ảnh chị chụp đi khi đi bơi, đi tập hay những bộ quần áo bánh bèo đăng trên facebook đều được đưa ra bình phẩm, suy diễn để nói về phẩm giá, tư cách.

Sau đó, chị Liên bỏ việc với nỗi ám ảnh về chuyện tư tưởng "phải làm sao mới bị quấy rối" có ở khắp nơi. 

Nhiều năm sau, đến giờ chị đã mạnh mẽ hơn, hiểu hơn quyền về thân thể của mình. Chị hiểu rằng, người phụ nữ mặc kín đáo hay gợi cảm thì bất cứ ai cũng không được quyền xâm phạm, quấy rối. Lỗi là ở kẻ quấy rối, không nằm ở việc chị em mặc gì, thể hiện thế nào. 

"Đến các cầu thủ nữ mặc đồ đá banh, chạy hùng hục trên sân bóng cũng bị cợt nhả, quấy rối thì làm ơn hãy thôi ngay việc đổ lỗi do phụ nữ mặc hở hang, thái độ lẳng lơ mà chuốc vạ đi", chị Liên bày tỏ quan điểm. 

Tại tọa đàm "Không đổ lỗi" do Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNET) gần đây, TS Trần Kiên, Ban điều hành VNMENNET (Diễn đàn kết nối nam giới) cho hay, ở góc độ hành vi, có hai loại hình chính của việc "đổ lỗi nạn nhân". 

Một là kiểu phản ứng mang tính thụ động, thậm chí là lảng tránh của những người có trách nhiệm. Khi nạn nhân đến tố cáo, câu trả lời nhận về có thể là "đó là do lỗi của anh/của chị" và sự việc không được xử lý. Đó là thực tế nhức nhối ở Việt Nam. 

Thứ hai là kiểu đổ lỗi chủ động, khi nạn nhân lên tiếng, kênh tiếp nhận thông tin không lảng tránh nhưng lại quy kết luôn trách nhiệm cho nạn nhân, với mặc định "mình phải thế nào người ta mới đối xử như thế".

Tuyển thủ bóng đá nữ có hở hang, lẳng lơ đâu, sao vẫn bị quấy rối? - 2

Bất kể là ai, làm gì, ăn mặc thế nào... đều có thể trở thành nạn nhân bị quấy rối tình dục (Ảnh minh họa).

Theo ông Kiên, nhiều tội phạm tình dục khó bị xử lý hoặc xử lý không hiệu quả vì sự lảng tránh của những người có trách nhiệm và xã hội tạo sức ép đổ lỗi cho nạn nhân khiến cho người xử lý cũng chùn tay. Đặc biệt, người này cho rằng, ngày càng có nhiều công cụ, phương tiện như mạng xã hội khiến cho việc đổ lỗi trở nên dễ dàng và nghiêm trọng hơn. 

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An chia sẻ, ông phản đối kịch liệt việc đổ lỗi cho nạn nhân và hoàn toàn đồng tình sự việc xảy ra hoàn toàn do ý chí của hung thủ. 

Đặc biệt, có điều cũng cần phải lưu ý, không phải nữ giới mới là nạn nhân và mặc định nam giới là thủ phạm. Việc  mặc định như vậy cũng gián tiếp khiến mỗi người không công nhận hoặc xem nhẹ việc nam giới cũng có thể là nạn nhân của quấy rối/bạo lực.