Tuổi trung niên thất nghiệp, làm sao để có lương hưu?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chị Linh mất việc ở tuổi 42. Chị dự định rút bảo hiểm xã hội một lần vì sợ không tìm được việc làm khác để tham gia bảo hiểm xã hội.

Năm 2020, con chị Thu mắc bệnh hiểm nghèo, chị nghỉ việc chăm sóc con ở bệnh viện rồi quyết định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để có tiền chữa bệnh cho con.

Đến nay, chị Thu vẫn tiếc hơn 10 năm đóng BHXH phải rút một lần vì tình cảnh khó khăn. Vì nếu còn bảo lưu thời gian đóng đó, tương lai chị sẽ có tuổi già thảnh thơi hơn khi có lương hưu hằng tháng.

Giờ đây, gia đình chị đã vượt qua khó khăn thì chị rất khó xin làm công nhân trở lại vì tuổi đã cao. Thậm chí, chị có đi làm thì cũng chỉ làm thêm hơn 10 năm vì rất hiếm nơi nào tuyển dụng công nhân 40-50 tuổi. Do đó, chị quyết định không đi làm công nhân nữa mà chuyển sang bán hàng online.

Tuổi trung niên thất nghiệp, làm sao để có lương hưu? - 1

Đến nay, chị Thu vẫn tiếc hơn 10 năm đóng BHXH đã rút một lần (Ảnh: Tùng Nguyên).

Chị Linh là nhân viên văn phòng đã đóng BHXH được 12 năm thì mất việc. Ở độ tuổi 42, chị đi tìm công việc văn phòng rất khó khăn nên có ý định nghỉ việc luôn, rút BHXH một lần để lấy vốn làm ăn.

Tuy nhiên, chị Linh vẫn mơ ước: "Có cách nào giúp tôi được hưởng lương hưu không?".

Theo BHXH TPHCM, đối với người lao động đã tham gia BHXH trước thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2025) thì vẫn được hưởng chế độ BHXH một lần như quy định hiện hành (theo Luật BHXH năm 2014).

Cụ thể, sau 12 tháng nghỉ việc, người lao động dừng đóng BHXH bắt buộc và không tiếp tục tham gia BHXH thì người lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần tại cơ quan BHXH.

Về trường hợp chị Linh, theo BHXH TPHCM, khi Luật BHXH (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2025) thì điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là đủ 15 năm.

Như vậy, chị Linh chỉ thiếu 3 năm đóng BHXH nữa là đủ điều kiện về số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu với mức lương hưu hằng tháng bằng 45% bình quân tiền lương/thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH.

Theo BHXH TPHCM, sau khi nghỉ việc, nếu không tiếp tục làm việc, đóng BHXH bắt buộc thì chị Linh có thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi và thời gian đóng BHXH.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TPHCM), cho rằng: "Việc nhận BHXH một lần được coi là lợi trước mắt, hại lâu dài".

Theo bà Thảo, ngay khi hưởng BHXH một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ trở về con số 0. Đồng thời, các quyền lợi của họ sẽ bị hạn chế rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Cụ thể, nếu người lao động tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như: Lương hưu hằng tháng, bảo hiểm y tế miễn phí, chế độ tử tuất.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo khuyên người lao động nên cân nhắc việc lựa chọn hưởng chế độ BHXH một cách hiệu quả, đảm bảo quyền lợi lâu dài cho mình, đặc biệt là khi hết tuổi lao động, già yếu.

Bà cho rằng: "Nếu bạn tham gia BHXH đến khi hưởng lương hưu sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi. Trong khi đó, nếu nhận BHXH một lần thì chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất, số tiền khi nhận BHXH một lần còn ít hơn so với số tiền đã đóng BHXH".