1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Từ 1/7, lương hưu thay đổi thế nào?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Lao động nam đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội và lao động nữ đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội sẽ được lương hưu ở mức tối đa là 75% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Bạn đọc Thanh An (ngụ tại TPHCM) hỏi: "Tôi là nữ, đóng bảo hiểm xã hội 24 năm 8 tháng, nghỉ hưu từ 1/7/2022. Vậy, cách tính phần trăm lương cụ thể của tôi thế nào".

Giải đáp thắc mắc trên, Luật sư Nguyễn Anh Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, cách tính mức hưởng lương hưu hàng tháng theo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất năm 2016 được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%. Mức tối đa bằng 75%.

Từ 1/7, lương hưu thay đổi thế nào? - 1

Cách tính phần trăm lương hưu từ năm 2022 (Ảnh: A.X).

Do vậy, kể từ năm 2022 trở đi, số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% hay tối đa 75% sẽ không tăng nữa. Lao động nữ cần đóng tối thiểu 15 năm và lao động nam cần đóng tối thiểu 20 năm để nhận lương hưu 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Lao động nam đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội và lao động nữ đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội sẽ được lương hưu ở mức tối đa là 75% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Khoản 2 Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc về mức lương hưởng lương hưu như sau:

Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Như vậy, phần trăm lương hưu của bà An được tính như sau: Thời gian đóng BHXH là 24 năm 8 tháng, số tháng lẻ 8 được tính là một năm, tổng số năm đóng BHXH được tính lương hưu là 25 năm.

15 năm đầu được tính là 45%, từ năm 16 đến năm 25 là 10 năm, tính thêm: 10 x 2 = 20%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45% + 20% = 65%. Theo quy định, mức tối đa mà người lao động được hưởng là 75% nên phần trăm lương lưu của bà sẽ là 65%.

Với người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau 1/7/2022, thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới theo Nghị định 38 của Chính phủ, mức đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu thấp nhất cũng phải điều chỉnh, căn cứ trên sàn lương tối thiểu mới. Do đó, phần lương hưu tính theo mức lương điều  chỉnh này cũng tăng tương ứng. 

Đây được xem là quy định có lợi, để đảm bảo an sinh với người lao động.