Trường hợp người hưởng lương hưu được ghi nhận thời gian bị trốn đóng BHXH

Hoa Lê

(Dân trí) - Người lao động trong doanh nghiệp phá sản, giải thể sẽ được xác nhận cả thời gian chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 1/7/2024.

Ghi nhận thời gian bị chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đang được lấy ý kiến dành một chương quy định về chế độ hưu trí, tử tuất với người lao động trong trường hợp doanh nghiệp không còn khả năng đóng. 

Quy định trong dự thảo nghị định có hiệu lực từ 1/7/2025.

Theo đó, dự thảo Nghị định nêu đối tượng áp dụng là người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1/7/2024.

Trường hợp người hưởng lương hưu được ghi nhận thời gian bị trốn đóng BHXH  - 1

Người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2024 sẽ được ghi nhận thời gian đóng (Ảnh: Hoa Lê).

Người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

Người sử dụng lao động đã có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản; Người sử dụng lao động đang làm thủ tục phá sản;

Người sử dụng lao động được cơ quan quản lý thuế xác định không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc được tổ công tác liên ngành giữa cơ quan bảo hiểm xã hội, các cơ quan có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở xác định đơn vị, doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

Người sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Trong trường hợp trên, người lao động được xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất bao gồm cả thời gian chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 1/7/2024.

Đáng lưu ý, thời gian chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước thời điểm trên không bao gồm thời gian người lao động nghỉ việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, trừ thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Nguồn tiền bù khoản bảo hiểm bị trốn đóng

Kinh phí đảm bảo thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà người lao động được xác nhận là số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất mà người lao động, người sử dụng lao động phải đóng cho thời gian này, không bao gồm tiền lãi quy định và số tiền 0,03%/ngày phải nộp theo quy định.

Khoản kinh phí này từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng và số tiền 0,03%/ngày thu được theo quy định.

Trường hợp người hưởng lương hưu được ghi nhận thời gian bị trốn đóng BHXH  - 2

Tăng cường công tác thanh tra với các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: Hà Hiền).

Về thủ tục, dự thảo Nghị định nêu rõ, người lao động khi đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc chết thì người lao động, thân nhân của người lao động hoặc người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.

Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ quy định xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (bao gồm thời gian chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) để giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho người lao động hoặc thân nhân người lao động theo quy định.

Người lao động đã được giải quyết hưởng chế độ hưu trí và tử tuất mà chưa được tính thời gian chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết lại chế độ hưu trí và tử tuất cho người lao động hoặc thân nhân người lao động.