PhotoStory

Tranh luận việc tăng lương cơ sở, người thêm nhiều, người được ít

Thực hiện: Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Chi tiết bảng lương công chức thế nào từ 1/7/2023, lương cơ sở chênh lệch thế nào giữa các nhóm, người thêm nhiều, người được tăng ít... là những thông tin an sinh nhiều người quan tâm trên Dân trí tuần qua.

Tranh luận việc tăng lương cơ sở, người thêm nhiều, người được ít - 1

Tăng lương cơ sở, thu nhập của công chức thay đổi thế nào?

Ngày 11/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với nội dung cụ thể về điều chỉnh tiền lương. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, cả nước thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với hiện hành. Hiện tại, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.

Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tiền lương công chức, viên chức được tính bằng công thức: Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương.

Ví dụ, với công chức loại A1 có hệ số lương khởi điểm là 2,34. Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng thì tiền lương nhận được là 3,486 triệu đồng/tháng. Còn nếu tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 thì tiền lương có thể lên tới 4,212 triệu đồng/tháng.

Như vậy, với việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, từ 1/7/2023, công chức loại cao nhất có mức lương 14,4 triệu đồng/tháng, thấp nhất từ 2,43 triệu đồng/tháng.

Tranh luận việc tăng lương cơ sở, người thêm nhiều, người được ít - 2

Tăng lương, nhóm thấp nhất và cao nhất chênh lệch ra sao?

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP về tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Lương cơ sở cũng là căn cứ để tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật, tính các khoản trích và các chế độ được hưởng.

Theo phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định về bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, hệ số lương cao nhất là dành cho công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), bậc 6 (hệ số lương là 8.00).

Với hệ số lương này thì tiền lương theo mức lương cơ sở hiện nay (1.490.000 đồng) sẽ là 11.920.000 đồng/tháng. Khi áp dụng mức lương 1.800.000 đồng thì tiền lương của công chức nhóm này sẽ là 14.400.000 đồng/tháng, tăng 2.480.000 đồng/tháng so với hiện tại. 

Lần lượt, các nhóm, bậc lương công chức sau đó, mức tiền nhận được thêm giảm dần, như nhóm A3.2 thêm 2,3 triệu đồng, nhóm A2.1 thêm 2,1 triệu đồng, nhóm A1.1 thêm 1,9 triệu...

Hiện nay công chức loại C, nhóm 3, bậc 1 có hệ số lương thấp nhất, 1,35. Với hệ số lương này, tiền lương của công chức nhóm này hiện tại là 2.011.500 đồng/tháng. Còn tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng áp dụng từ 1/7/2023 thì tổng lương sẽ là 2.430.000 đồng/tháng, tăng 418.500 đồng/tháng so với hiện nay.

Với công chức loại A, nhóm A3, A2, mỗi bậc lương, mức tăng tiền lương khi áp dụng lương cơ sở mới sẽ chênh nhau khoảng 200.000 đồng. Mức chênh lệch này cao hơn ở loại A1, A0, B, C do độ phân cấp hệ số lương rộng hơn. 

Có thể thấy, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng, cán bộ, công chức, viên chức càng ở thứ bậc cao thì mức tiền nhận được thêm càng nhiều. Mức tiền nhận thêm chênh lệch giữa nhóm cán bộ, công chức lương cao nhất với nhóm thấp nhất là xấp xỉ 6 lần (2,48 triệu đồng so với 418.000 đồng).

Tranh luận việc tăng lương cơ sở, người thêm nhiều, người được ít - 3

Công chức bậc cao hưởng lợi nhiều khi tăng lương

Một trong những vấn đề được quan tâm, thảo luận nhiều nhất khi đề cập tới vấn đề tăng lương đó chính là mức tăng lương giữa các nhóm. Khi áp dụng tăng lương cơ sở vùng ở mức 1,8 triệu đồng thay vì 1,49 triệu đồng thì mức lương đó được áp dụng đồng loạt cho cả nhóm cán bộ, công chức, viên chức có tiền lương cao cũng như nhóm có tiền lương thấp ở tất cả các hệ số.

Liên quan đến việc tăng lương cơ sở, một số chuyên gia tiền lương, đại biểu Quốc hội cho rằng đây là điểm bất cập và không nên tăng lương "cào bằng" kiểu này trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nguồn lực chưa đủ.

Nguyên nhân là bởi một bộ phận công chức, viên chức hiện nay lương hưu rất thấp, hay những công chức, viên chức trẻ, mức lương hàng tháng cũng không đủ sống. Trong khi đó, một bộ phận khác dù đã về hưu, nhu cầu chi dùng không còn lớn lại có mức lương rất cao.

Phân tích những quan điểm, ý kiến này, TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội xác nhận, khi điều chỉnh lương cơ sở, những người có hệ số lương cao hơn nhận được khoản tiền tăng thêm nhiều hơn, người có hệ số lương thấp hơn thì được thêm ít hơn. Nhưng theo ông Lợi, điều này là hợp lý.

"Nguyên tắc của tăng lương là điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc dựa trên mức độ cống hiến, tính chất công việc, chất lượng lao động. Không thể tăng bằng nhau hết cả vì như vậy sẽ không thể hiện được tính cạnh tranh trong cách tính tiền lương, cạnh tranh trên thị trường lao động", ông Lợi nói.

Đồng quan điểm với ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng lương cơ sở như vậy là hợp lý và công bằng.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc tăng lương cơ sở đồng đều như vậy là "cào bằng", là một bất cập của cách tính lương, nguyên lãnh đạo Bộ Lao động bác bỏ. Ông phân tích, những người làm chuyên môn, kĩ thuật cao, giữ vị trí quan trọng, có đóng góp lớn, qua nhiều năm làm việc nên có hệ số lương cao thì khi điều chỉnh lương cơ sở, mức tiền nhận thêm sẽ nhiều hơn, cao hơn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, ngoài việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, Nhà nước nên có thêm khoản nào đó để hỗ trợ nhóm cán bộ, công chức, người lao động có tiền lương thấp, nếu họ thực sự gặp khó khăn.

Tranh luận việc tăng lương cơ sở, người thêm nhiều, người được ít - 4

Công nhân mất việc cận Tết được gì?

Theo LĐLĐ TPHCM, thời gian gần đây, tình hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có hiện tượng giảm lượng đơn hàng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, một số doanh nghiệp đã thực hiện thu hẹp, ngừng sản xuất, cắt giảm lao động ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động dịp cuối năm, LĐLĐ TPHCM yêu cầu công đoàn các cấp khẩn trương xây dựng kế hoạch giám sát, nắm chắc tình hình sản xuất, phương án trả lương, trả thưởng Tết tại tất cả các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM yêu cầu các địa phương chú ý đến các doanh nghiệp có từ 50 công nhân lao động trở lên, các doanh nghiệp có nguy cơ ngừng việc, nghỉ việc, các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), kịp thời báo cáo và tham mưu các biện pháp hỗ trợ, xử lý phù hợp.

Ngoài ra, LĐLĐ TPHCM cũng tiến hành nhiều biện pháp để kết nối, thông tin danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến người lao động bị mất việc hoặc đang có nhu cầu tìm việc, hỗ trợ giới thiệu, tìm kiếm việc làm cho họ.

LĐLĐ TPHCM cũng đã có kế hoạch chi tiết về việc chăm lo cho khoảng 23.500 công nhân, lao động khó khăn trong dịp Tết 2023 với nhiều chương trình như: tặng quà, tiền, vé xe về quê. Trọng tâm là các chương trình Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên, Tết sum vầy - Xuân tri ân; Tấm vé nghĩa tình; họp mặt tặng quà đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn…

Trong đó, riêng chương trình Tết sum vầy - Xuân tri ân sẽ tặng quà cho 10.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động tại các doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết. Mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng.

Tranh luận việc tăng lương cơ sở, người thêm nhiều, người được ít - 5

3 khoản tiền được nhận khi nghỉ hưu sớm

Nếu phải nghỉ hưu sớm do cơ quan tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được đảm bảo quyền lợi với 3 khoản tiền trợ cấp.

Trợ cấp cho những năm về hưu sớm

Theo Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP) như sau:

- Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:

+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

+ Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động;

+ Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 (một phần hai) tháng tiền lương.

- Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên:

+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

+ Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 (một phần hai) tháng tiền lương.

+Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động.

Khoản tiền trợ cấp lương hưu hàng tháng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP , đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế đủ điều kiện để về hưu sớm sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi, vì vậy, tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 :

- Đối với lao động nam nghỉ hưu năm 2022:

+ Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

+ Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%.

- Đối với lao động nữ nghỉ hưu năm 2021:

+ Đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì được 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

+ Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%

Khoản tiền trợ cấp 1 lần khi về hưu nếu đủ điều kiện

Theo Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

"1. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội."

Cách tính trợ cấp nêu trên được quy định tại Điều 12 Nghị định 108/2014/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP ) quy định:

- Tiền lương tháng quy định tại Nghị định này được tính bao gồm: Tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có)

- Tiền lương tháng để tính các chế độ trợ cấp được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản

+ Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 5 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác, thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.

Những người đã được hưởng chính sách tinh giản biên chế nếu được tuyển dụng lại vào các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận (trừ phí học nghề theo quy định).

- Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh của đối tượng.

- Thời gian để tính trợ cấp là thời gian làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các hội được tính hưởng bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người), nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.

+ Nếu thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là 1/2 năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm.