Tăng lương, người thêm nhiều, người được ít nhưng hợp lý!
(Dân trí) - Các chuyên gia về việc làm, tiền lương cho rằng, khi tăng lương cơ sở, người có hệ số lương cao được thêm nhiều tiền hơn người có hệ số lương thấp. Điều này là hợp lý và công bằng.
Một trong những vấn đề được quan tâm, thảo luận nhiều nhất khi đề cập tới vấn đề tăng lương đó chính là mức tăng lương giữa các nhóm. Khi áp dụng tăng lương cơ sở vùng ở mức 1,8 triệu đồng thay vì 1,49 triệu đồng thì mức lương đó được áp dụng đồng loạt cho cả nhóm cán bộ, công chức, viên chức có tiền lương cao cũng như nhóm có tiền lương thấp ở tất cả các hệ số.
Liên quan đến việc tăng lương cơ sở, một số chuyên gia tiền lương, đại biểu Quốc hội cho rằng đây là điểm bất cập và không nên tăng lương "cào bằng" kiểu này trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nguồn lực chưa đủ.
Nguyên nhân là bởi một bộ phận công chức, viên chức hiện nay lương hưu rất thấp, hay những công chức, viên chức trẻ, mức lương hàng tháng cũng không đủ sống. Trong khi đó, một bộ phận khác dù đã về hưu, nhu cầu chi dùng không còn lớn lại có mức lương rất cao.
"Lương tăng thêm "trồi sụt" là... công bằng"
Phân tích những quan điểm, ý kiến này, TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội xác nhận, khi điều chỉnh lương cơ sở, những người có hệ số lương cao hơn nhận được khoản tiền tăng thêm nhiều hơn, người có hệ số lương thấp hơn thì được thêm ít hơn. Nhưng theo ông Lợi, điều này là hợp lý.
"Nguyên tắc của tăng lương là điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc dựa trên mức độ cống hiến, tính chất công việc, chất lượng lao động. Không thể tăng bằng nhau hết cả vì như vậy sẽ không thể hiện được tính cạnh tranh trong cách tính tiền lương, cạnh tranh trên thị trường lao động", ông Lợi nói.
"Tiền lương phải được trả theo công sức, chất lượng lao động. Những người có trình độ, năng lực, làm việc lâu năm, có đóng góp tốt hơn, cống hiến nhiều hơn, giữ chức vụ cao hơn đương nhiên tiền lương phải cao hơn, mức tăng phải nhiều hơn", ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, về lâu dài, để tạo sự công bằng hơn nữa trong thực hiện chính sách tiền lương thì cần giải pháp có tính chất căn cơ là cải cách tiền lương. Căn cốt nhất là thực hiện tinh giảm biên chế, tạo nguồn lực để cải cách tiền lương.
"Phải đưa tiền lương về đúng giá trị thực, phản ánh được đúng giá trị sức lao động, đảm bảo tiền lương phải đủ sống. Xa hơn, tiền lương phải là động lực đầu tư cho người lao động. Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người và đầu tư cho con người chính là sự đầu tư cho sự phát triển.
Cải cách tiền lương, tính lương theo đúng thang bảng lương, chức vụ công tác mới đưa tiền lương về đúng giá trị thực trên thị trường lao động. Tiền lương thấp chưa đủ sống thì nói gì tới việc đầu tư cho phát triển hay nói tới công bằng", ông Lợi nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lợi, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cả nước phải thực hiện một loạt chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện các chương trình đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông trọng điểm... thì việc cải cách tiền lương, hay tăng lương đúng nhu cầu thực tế lúc này là vấn đề rất khó.
Quốc hội đã nhận thấy sự cần thiết của việc phải tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, để đảm bảo việc kiểm soát lạm phát, chống trượt giá, Quốc hội, Chính phủ đã chọn lùi thời điểm tăng lương và cải cách tiền lương để tránh "lợi bất cập hại". Đây cũng là quyết định chỉ đạo, điều hành hợp lý.
"Chính phủ và Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở dù chưa tăng sớm như mong đợi của công chức viên chức nhưng đó là sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống. Chính phủ đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy rất mong công chức, viên chức sẻ chia thấu hiểu", ông Lợi nhấn mạnh.
Hỗ trợ thêm cho nhóm công chức lương thấp
Đồng quan điểm với ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng lương cơ sở như vậy là hợp lý và công bằng.
"Chúng ta chưa thực hiện được cải cách tiền lương. Hiện nay, lương cơ sở đang được giữ trên nền lương cũ nên tăng lương phải tăng đồng đều cho tất cả các đối tượng. Như vậy là công bằng", ông Huân cho biết.
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc tăng lương cơ sở đồng đều như vậy là "cào bằng", là một bất cập của cách tính lương, nguyên lãnh đạo Bộ Lao động bác bỏ. Ông phân tích, những người làm chuyên môn, kĩ thuật cao, giữ vị trí quan trọng, có đóng góp lớn, qua nhiều năm làm việc nên có hệ số lương cao thì khi điều chỉnh lương cơ sở, mức tiền nhận thêm sẽ nhiều hơn, cao hơn.
"Đã tăng thì phải tăng công bằng. Bây giờ tăng cho nhóm có tiền lương cao mà không tăng nhóm có tiền lương thấp hoặc ngược lại thì mới khó bởi không có sự công bằng", ông Huân chỉ rõ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, ngoài việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, Nhà nước nên có thêm khoản nào đó để hỗ trợ nhóm cán bộ, công chức, người lao động có tiền lương thấp, nếu họ thực sự gặp khó khăn.
"Anh ở vị trí thấp có thể do trình độ thấp hoặc mới vào làm nên hệ số lương không thể cao ngay được. Những đối tượng này nếu thật sự khó khăn, lương không đủ sống thì có thể hỗ trợ thêm một khoản nào đó để họ yên tâm cống hiến trong công tác và đảm bảo để hậu phương gia đình vẫn vững chắc", ông Huân nhận định.