Tràn lan đồ chơi bạo lực dịp Tết Trung thu
Tết Trung thu đang đến gần. Lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao, nhiều đầu nậu đã ồ ạt nhập đồ chơi trong đó có khá nhiều đồ chơi bạo lực, không rõ nguồn gốc…
…Những món đồ chơi này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý, nhân cách của trẻ.
Đồ chơi bạo lực bày bán công khai
Ngày 17/8, tại Tổ 25, phường Đông Phong, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Lai Châu kiểm tra phương tiện BKS 34C 263.78 do ông Nguyễn Viết Phượng, trú tại tỉnh Hải Dương, điều khiển kiêm chủ hàng.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trên thùng xe có 304 bộ đồ chơi trẻ em có hình dạng súng và kiếm bằng nhựa. Chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, trên sản phẩm không có nhãn để căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất.
Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Viết Phượng tổng số tiền xử phạt 16.940.000 đồng, trong đó phạt hành chính là 6.000.000 đồng và tịch thu hàng hóa trị giá 10.940.000 đồng.
Cũng trong ngày 17/8, Đội Quản lý thị trường số 11 thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, phối hợp với Công an quận Hà Đông kiểm tra cửa hàng kinh doanh Ninh Hòa, có địa chỉ tại: Tổ 17 Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội, do bà Nguyễn Thị Hòa làm chủ hộ kinh doanh.
Tại đây, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện trên 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình súng là loại đồ chơi kích động, bạo lực, không có bất kể hóa đơn chứng từ nào, để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số sản phẩm đồ chơi trên.
Trước đó, vào ngày 10/8/2022, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ 19A1 ngách 74 ngõ Thịnh Hào 1, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội, cũng phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh có 20 thùng hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc gồm: 400 chiếc đồ chơi trẻ em bằng nhựa, hình dạng kiếm, không có nhãn hàng hóa và 2.400 chiếc đồ chơi trẻ em bằng nhựa, dạng hình gậy, có phát sáng khi lắp pin, hàng hóa chưa có pin, không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của trẻ
Theo quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành thì mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên những lô đồ chơi được cơ quan chức năng phát hiện đều không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được chứng nhận chất lượng và không có hóa đơn chứng từ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), những loại đồ chơi này thường được làm từ nhựa tái chế. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không được làm sạch nên trong quá trình nhựa hóa, các hóa chất đọng lại sẽ khuếch tán ra ngoài.
Đặc biệt đối với đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, đây là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Sở dĩ, chất phthalate được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành của nó rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Trẻ em thường ngậm, ôm đồ chơi nên càng nguy hiểm.
Không chỉ gây ảnh hưởng về sức khỏe, theo các chuyên gia tâm lý, đồ chơi bạo lực còn gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Một món đồ chơi thông minh sẽ giúp trẻ vừa giải trí, vừa phát triển trí tuệ. Nhưng những loại đồ chơi bạo lực tác động tiêu cực đến trẻ. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ đã tiếp xúc với đồ chơi mang tính bạo lực: súng, pháo sẽ tạo nên tính hung hăng, bạo lực ở trẻ.
Thay vì mua súng đạn nhựa, đao hoặc kiếm thì cha mẹ có thể tìm mua các loại đồ chơi trí tuệ, kích thích tư duy cho trẻ.