"Tọa độ lửa" Truông Bồn - nơi 13 TNXP viết nên huyền thoại bất tử
(Dân trí) - "Tọa độ lửa" Truông Bồn "gánh" 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn tên lửa. Nơi đây, 13 thanh niên xung phong hi sinh ngay trước thời khắc Mỹ buộc phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc.
Khu di tích lịch sử Truông Bồn tọa lạc tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tuyến đường Truông Bồn có chiều dài 5km, ở độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 - đi qua địa phận xã Mỹ Sơn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là "tuyến đường độc đạo", nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Từ 1964-1968 đế quốc Mỹ đã tập trung máy bay ném bom hòng phá hủy con đường vận tải chiến lược này. Trong ảnh là toàn cảnh Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Ảnh: Quang Dũng).
Từ 1964-1968, địch đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn và Nhân Sơn, huyện Đô Lương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta. Với chiến dịch "Sấm Rền" đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ trong năm 1968, Truông Bồn trở thành "túi bom", "tọa độ lửa", có những ngày phải hứng chịu 131 lần đánh phá.
Tinh thần "Sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường dũng cảm", "Tim có thể ngừng đập - nhưng đường không thể tắc"; "Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", tiếng bom chưa dứt, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã có mặt, san lấp hố bom, thông đường cho xe ra tiền tuyến. Trong ảnh là Tiểu đội cảm tử (còn gọi Tiểu đội thép), Đại đội 317 làm nhiệm vụ ở Truông Bồn (Ảnh tư liệu: Phùng Triệu).
4h ngày 31/10/1968, khi chỉ còn ít giờ nữa đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống Truông Bồn 2 loạt với 238 quả bom. Dưới mưa bom của địch 13 chiến sĩ TNXP "Tiểu đội thép", "Tiểu đội cảm tử", "Tiểu đội cọc tiêu sống" Anh hùng thuộc Đại đội TNXP 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An đã anh dũng hi sinh. Thịt xương họ hòa tan vào lòng đất, viết nên huyền thoại bất tử trên cung đường này (Ảnh: Hoàng Lam).
13 TNXP tuổi đời còn rất trẻ, từ 17-22, chỉ ít tiếng nữa thôi, họ hoàn thành nhiệm vụ trên "tọa độ lửa" Truông Bồn, mỗi người sẽ thực hiện một kế hoạch riêng của cuộc đời mình. Trong ca trực cuối cùng trước khi lệnh ngừng bắn miền Bắc có hiệu lực, họ đã mãi mãi nằm xuống, canh giữ cho con đường không bao giờ tắc, góp phần quyết định vào chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. Truông Bồn trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.
Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).
Trên tuyến lửa này, tình yêu đã nảy nở giữa chàng trai Cao Ngọc Hòa (quê Diễn Châu) và cô gái Nguyễn Thị Tâm (quê Yên Thành, Nghệ An). Khi hết thời hạn phục vụ trong lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An, họ dự định sẽ về quê, tổ chức đám cưới. Sáng 30/11/1968, nhà trai đã mang trầu cau lên nhà gái để dạm ngõ, nhưng chỉ một ngày sau, hai họ nhận được tin dữ: Anh Hòa và chị Tâm cùng 11 đồng đội đã hi sinh. Không có đám cưới nào được tổ chức nhưng họ đã sống, chiến đấu và ngã xuống bên nhau, viết nên câu chuyện tình yêu lứa đôi hòa vào tình yêu đất nước (Ảnh: Hoàng Lam).
Đã có 1.240 cán bộ, chiến sĩ dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông Truông Bồn. Nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành "Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, ngày 19/4/2010 UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Tháng 7/2015, công trình được hoàn thành, gồm 21 hạng mục chính trên tổng diện tích 21,7ha, tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng (Ảnh: Hoàng Lam).
Khu nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống, nối liền mạch máu giao thông trên tuyến lửa Truông Bồn (Ảnh: Hoàng Lam).
Mỗi năm, Khu di tích lịch sử Truông Bồn đón tiếp khoảng 400.000 lượt khách về thăm, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Riêng tháng 10 hàng năm, dịp kỷ niệm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968), có khoảng 20.000-30.000 lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó có nhiều thế hệ TNXP đã chiến đấu và phục vụ trên tuyến đường này (Ảnh: T. Lộc).
Các công trình, hạng mục được Ban quản lý Khu di tích Truông Bồn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhằm cung cấp cho du khách cái nhìn trực quan nhất về sự khốc liệt trong cuộc chiến bảo vệ cung đường giao thông huyết mạch này, cũng như quá trình chiến đấu anh dũng của lực lượng TNXP. Trong ảnh là mô hình bãi bom tái hiện sự kiện xảy ra vào sáng 31/10/1968 khiến 13 chiến sĩ TNXP Nghệ An hi sinh (Ảnh: Quang Dũng).
13 gốc sim cổ được cán bộ Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn kỳ công đào từ trên núi về ươm, trồng trước khu mộ chung của 13 TNXP thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An.
Khắp Truông Bồn là bạt ngàn hoa mua - loài hoa vẫn nở trong bom đạn, vẫn tím màu thủy chung. Loài hoa đã được Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - nguyên Tư lệnh Quân khu 4, trong một lần trở lại Truông Bồn cảm tác những lời thơ khắc khoải: "Anh trở lại Truông Bồn/ Tìm lại kỷ niệm xưa/ Nơi gặp em ngày ấy/ Tím một trời hoa mua...". Những cánh mua tím thủy chung ấy vẫn được cán bộ Ban quản lý Khu di tích Truông Bồn hái, đặt lên ngôi mộ chung 13 liệt sĩ TNXP mỗi ngày (Ảnh: Quang Dũng).
Trên mảnh đất chỉ có màu đỏ của đất đá bị bom đạn cày xới, màu đỏ của máu bộ đội, TNXP, dân quân địa phương năm xưa nay đã hồi sinh một màu xanh cây cỏ. Gần 2.000 cây xanh từ khắp mọi miền Tổ Quốc bám rễ, sinh sôi, tỏa bóng mát khắp "tọa độ lửa". Trong đó, không thể thiếu hàng cây bồ kết - loài cây gắn với những nữ TNXP, loài cây biểu tượng cho sự gai góc nhưng bằng cách riêng, luôn lặng lẽ làm đẹp cho đời, làm đẹp cho người (Ảnh: Hoàng Lam).
Khu di tích lịch sử Truông Bồn không chỉ là một trong những "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà đã trở thành một điểm du lịch tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp về với Nghệ An (Ảnh: Quang Dũng).