Đắk Nông:
Tiền giảm nghèo, có mà không thể tiêu vì... tâm lý sợ sai
(Dân trí) - Tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện các tiểu dự án thuộc chương trình giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông hiện rất thấp. Có nội dung thậm chí gần hết năm vẫn chưa giải ngân đồng vốn nào.
Ngày 13/10, tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả khả quan, đáng khích lệ.
Tuy nhiên, kết quả triển khai một số tiểu dự án chưa đạt mục tiêu theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân toàn chương trình chưa cao. Tổng vốn giải ngân toàn chương trình (lũy kế vốn 2022 và 2023) mới đạt gần 150 tỷ đồng, đạt 27,27%.
Cụ thể, nguồn vốn năm 2022 giải ngân được 138 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân hơn 64% so với tổng số vốn được giao (gần 217 tỷ đồng). Nguồn vốn năm 2023 mới giải ngân được hơn 10 tỷ đồng, đạt hơn 3% trên tổng số vốn được bố trí (330 tỷ đồng).
Tại hội nghị, đại diện UBND huyện và các Phòng LĐ-TB&XH đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.
Ngoài những yếu tố khách quan như cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, văn bản hướng dẫn chậm ban hành hoặc chồng chéo, tỉnh Đắk Nông thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế mang tính chủ quan trong công tác chỉ đạo, điều hành, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, một số địa phương gặp khó trong việc triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất cho người nghèo do vướng quy hoạch bô xít và quy hoạch phát triển du lịch. Các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp không bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để triển khai đào tạo nghề.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu, có nơi vẫn còn thụ động trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ tham mưu chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chờ đợi các đơn vị khác làm rồi làm theo….
"Việc triển khai các tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững 2022-2023 nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên hiện nay một số địa phương vẫn còn máy móc, chưa linh hoạt trong quá trình thực hiện.", ông Hoàng Viết Nam nói.
Tại cuộc họp, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án. Đặc biệt, hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp, các địa phương phải linh hoạt lồng ghép các chương trình để đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với những vướng mắc trong quá trình triển khai, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các đơn vị cần phối hợp, bàn bạc để tìm cách tháo gỡ. Trong trường hợp cần xin hướng dẫn của cơ quan trung ương, các sở, ngành, địa phương chủ động tham mưu UBND tỉnh để xin ý kiến bộ, ngành liên quan.