Thỏa thuận "ngầm" không đóng BHXH giữa doanh nghiệp và người lao động
(Dân trí) - Thực tế vẫn có tình trạng người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để lạm dụng hưởng BHXH một lần.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2022 tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT phải tính lãi là 13.156 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu.
Mặc dù đây là tỉ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây nhưng số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi lên tới 2,786 triệu người.
Theo BHXH Việt Nam, số tiền các đơn vị chậm đóng từ 1-3 tháng là 220 tỉ đồng; số tiền các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên là 8.888 tỉ đồng; số tiền các đơn vị khó thu (đơn vị phá sản, đơn vị giải thể, đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị chủ bỏ trốn) là 4.048 tỉ đồng.
Về xử lý các vi phạm BHXH, Luật BHXH 2014 đã quy định các biện pháp tăng cường việc xử lý vi phạm pháp luật về BHXH như việc trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật thì còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước.
Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xem xét xử lý vi phạm hình sự theo quy định tại Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, tính cưỡng chế sau thanh tra, kiểm tra còn thấp. Tình trạng vi phạm pháp luật về trốn đóng BHXH, BHYT bắt buộc sau thanh tra, kiểm tra chưa được khắc phục triệt để.
Vẫn còn tình trạng sau khi thanh tra có kết luận và đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng doanh nghiệp cố tình không chấp hành, kể cả không nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.
Bộ này lấy ví dụ năm 2018, tỷ lệ chấp hành hình phạt sau thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đóng BHXH chỉ đạt dưới 30%.
Việc xử lý các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt là doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn, mất tích còn có gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra là do việc xử lý các doanh nghiệp giải thể, phá sản theo Luật doanh nghiệp, Luật phá sản còn chậm và kéo dài.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ ràng thẩm quyền cưỡng chế của các chức danh thuộc cơ quan BHXH.
Song, thực tế thực hiện gặp nhiều khó khăn do đơn vị sử dụng lao động thường mở tài khoản ở các ngân hàng khác nhau và tài khoản cung cấp cho cơ quan xử phạt thường là tài khoản không còn số dư.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật hiện hành về bí mật ngân hàng cũng hạn chế việc nắm bắt thông tin về tài khoản của đối tượng thanh tra.
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn nhận thấy, có tình trạng người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động không đóng BHXH để lạm dụng hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, hiện nay chưa có biện pháp phát hiện một cách hiệu quả, và nếu có phát hiện cũng chưa có phương án xử lý triệt để để tránh việc tái phạm.
Do đó, người sử dụng lao động và người lao động khi bị thanh tra, phát hiện thì chấp nhận hoàn trả số tiền đã hưởng, tuy nhiên sau đó vẫn tiếp tục vi phạm, do thiếu chế tài xử phạt.
Liên quan đến hàng trăm nghìn người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể, bỏ trốn đang bị "treo" quyền lợi về BHXH, nhiều chuyên gia cho rằng cần phân tách rõ các nhóm đối tượng, cần thiết sử dụng tiền lãi đầu tư Quỹ BHXH hoặc ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho người lao động.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường - Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, mục tiêu của đầu tư Quỹ BHXH nhằm điều chỉnh lương đóng để tính lương hưu cho người lao động. Bên cạnh đó, rất ít quốc gia dùng tiền đầu tư quỹ này để hỗ trợ người bị nợ bảo hiểm xã hội.
Theo ông Cường, một doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH được Nhà nước hỗ trợ chi trả thì không khác nào mở đường cho doanh nghiệp khác vi phạm.
Chính vì vậy, dự thảo Luật BHXH sửa đổi không lấy ngân sách hoặc tiền lãi đầu tư Quỹ BHXH để trả tiền nợ đọng BHXH của doanh nghiệp.
Mà dự thảo luật này đã đưa thêm nhiều đề xuất "chặn" tình trạng trên như: Người sử dụng lao động phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên tổng số tiền trốn đóng; ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên...