Giải quyết sao quyền lợi của hơn 200.000 lao động bị nợ BHXH?
(Dân trí) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu phương án xử lý cho hơn 200.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể khó có thể thu hồi được nợ bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2022, có 2,7 triệu người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi do doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Số tiền chậm đóng phải tính lãi của các đơn vị là 13.156 tỷ đồng.
Trong đó, có hơn 200.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, khó có thể thu hồi được nợ.
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian vừa qua, Bộ cùng các đơn vị liên quan đã bàn hướng xử lý các nhóm lao động trong doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Ông Cường cho biết, trong số hơn 200.000 người lao động bị "treo" quyền lợi khi các đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, hoặc đang làm thủ tục phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, có khoảng 20% số người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, có 40% lao động trong nhóm đó đang tiếp tục làm việc ở các đơn vị mới và 20% số người lao động đã nghỉ việc hiện không tham gia bảo hiểm xã hội…
Sau khi thống kê, các đơn vị đang có đề xuất phương án xử lý với nhóm đối tượng đó.
Ông Cường cho biết: "Trước mắt, đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ thì sẽ giải quyết chế độ. Nhóm lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội ở đơn vị mới sẽ được ghi nhận quá trình đóng bảo hiểm ở đơn vị cũ. Khi sang đơn vị mới làm việc, nếu phát sinh những chế độ quyền lợi sẽ được cộng nối thời gian để không bị vướng. Những người không đi làm ở đâu sẽ được bảo lưu thời gian đóng trên sổ…".
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến cũng có nhiều nội dung quy định nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, rất nhiều giải pháp từ hành chính, kinh tế, tư pháp đều có để ngăn chặn tình trạng trên. Ngoài ra, trong dự thảo luật cũng quy định hẳn trách nhiệm của người sử dụng lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp cứ chậm, trốn thì phải bồi thường.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ với lao động tại doanh nghiệp phá sản, đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động, hoặc không còn người đại diện pháp luật mà chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội.
Với lao động đủ tuổi nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội 20 năm trở lên mà không gồm thời gian bị nợ bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu tại thời điểm đủ điều kiện. Nếu sau đó khoản tiền bảo hiểm xã hội bị nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc bổ sung bằng nguồn tài chính khác thì được cộng thời gian này để tính lại mức hưởng lương hưu.
Lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng bảo hiểm dưới 20 năm, trong đó có 10 năm thực đóng trở lên, nếu có nguyện vọng thì đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Thời điểm hưởng được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ tiền.
Nếu sau đó khoản tiền bị nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cộng thêm thời gian bị nợ để tính lại mức hưởng của người lao động. Song số tiền lao động đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hoàn trả.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, chế độ ốm đau, thai sản, chế độ tử tuất đối với nhóm lao động trên.