Bé 4 tuổi một mình nhận tro cốt mẹ và cái chắp tay níu chân người chiến sĩ
(Dân trí) - Bé gái 4 tuổi, là F0, đứng chắp tay trước bàn thờ mẹ trong căn phòng trọ. Đôi bàn tay bé nhỏ, đơn độc đưa ra đỡ bình tro cốt. Hình ảnh ấy níu chân Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, anh không thể quay đi...
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, trợ lý quân khí, Bí thư Đoàn cơ sở quân sự TP Thủ Đức, Bộ tư lệnh TPHCM nhận nuôi bé gái 4 tuổi mồ côi mẹ vì Covid-19 không chỉ là hành động vì nghĩa tình giữa người với người trong thử thách khốc liệt của dịch bệnh mà hơn hết, hành động ấy xuất phát từ trái tim nóng của một người cha.
Nước mắt không thể chạy ngược
Cùng đồng đội, thời gian qua Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên tham gia vào nhiều nhiệm vụ chống dịch như trực chốt, khử khuẩn khu cách ly, các hẻm nhà trọ có F0, đưa tro cốt người dân mất vì Covid-19 về với gia đình...
Từ công việc đó, anh nhìn, gặp trực tiếp không ít hoàn cảnh đau thương. Những đứa trẻ mất mẹ, mất bố hoặc mất cả gia đình chỉ trong thời gian ngắn. Không ít lần, trao tro cốt người xấu số về bên gia đình, đôi chân anh muốn quỵ xuống. Rồi anh lại nhắc mình đứng dậy, vững vàng lên...
Hơn một tháng trước, ngày 8/8, khi cùng đồng đội đến trao tro cốt người phụ nữ 44 tuổi tên N.T.N.Ng tại khu xóm trọ ở Phường Tâm Phú, TP Thủ Đức thực sự anh đã không thể quay chân bước đi...
Trước mắt anh là một bé 4 tuổi bước ra từ trong căn phòng trọ tồi tàn, đưa hai tay đón nhận bình tro cốt của mẹ. Rồi cũng chỉ đôi bàn tay bé bỏng, non nớt ấy, một mình, chắp lại, vái lạy mẹ trước chiếc bàn thờ đơn sơ được những người hàng xóm trong khu trọ giúp lập ra.
Mất mẹ, bé Phạm Thị Ngọc Châu chỉ còn một mình.
Bé cũng là F0, trước đó nhập viện điều trị cùng mẹ. Sau khi đỡ bệnh, Châu được về nhà cách ly, nào đâu hay mẹ sẽ không bao giờ trở lại, sẽ không bao giờ ôm bé nữa...
Nhìn cảnh cháu bé chắp tay trước bàn thờ mẹ, nhìn căn phòng trọ trống trơn, không có bất cứ đồ vật nào giá trị tối thiểu đối với người ở thuê, anh Kiên đã không còn giữ nổi, bắt nước mắt chảy ngược vào trong thêm được nữa.
Cả dãy trọ ai cũng khó khăn, toàn là F0. Mọi người vẫn giúp bé gái lập cho người mẹ bàn thờ tuy đơn sơ nhưng tươm tất. Anh Kiên nghĩ, hẳn người chị phải là người thế nào.
Hỏi han thêm, anh nghe hàng xóm kể, cha bé Châu đã bỏ đi khi cháu vừa chào đời. Người mẹ một mình làm tất cả mọi việc có thể như phụ hồ, làm mướn, nhặt ve chai... để nuôi con. Đời sống hai mẹ con chị Ng. khó khăn, đến một chiếc xe máy cà tàng để đi chở hàng cũng không có tiền mua nhưng hai mẹ con rất lạc quan, nhiệt tình và tự trọng. Không than thở, không xin xỏ...
Giữa đau thương của dịch bệnh, bao nhiêu bi kịch nhưng còn nỗi đau nào chua xót như cảnh đứa trẻ 4 tuổi mất mẹ, không có lấy một người thân bên cạnh. Là bố của hai con nhỏ, bé sau cũng bằng tuổi Châu, lúc đó, anh Kiên chỉ có một suy nghĩ: "Nhất định phải làm gì cho cháu! Ngay bây giờ bởi cháu không thể chờ, dù chỉ một ngày!".
Anh Kiên xin ý kiến từ Ban chỉ huy, đưa bé Châu vào khu cách ly của phường và đưa tro cốt của người mẹ trở về đơn vị. Anh cũng quyết định nhận làm cha đỡ đầu của bé Châu, ít nhất phải lo cho con đến năm 18 tuổi.
Cha nuôi đi tìm người thân cho con
Hai cha con thường liên lạc qua điện thoại. Anh Kiên cũng thường tranh thủ qua khu cách ly thăm con, dù lúc đó chỉ đứng nhìn từ xa. Đến ngày bản thân được test âm tính, bé Châu cũng được khẳng định hoàn toàn khỏi bệnh, anh Kiên mới được bế bồng cô con gái nuôi. Anh càng cảm nhận rõ sự hụt hẫng, trống trải của đứa trẻ chưa từng biết tình cha, giờ lại mất mẹ.
Việc đầu tiên trong vai trò cha đỡ đầu của anh là hành trình tìm người thân cho con. Qua mọi kênh liên lạc, anh tìm được bà ngoại của cháu và người cô ruột ở Vũng Tàu.
Con trai mất, bà ngoại bé Châu lâu nay sống cùng người con dâu tốt bụng, một mình đi làm nuôi mẹ chồng và hai con. Đến tận nơi thăm gia đình, biết hoàn cảnh, nhìn căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, anh biết rất khó để gửi bé Châu ở đây.
Tuy vậy, anh vẫn ấp ủ ý định sẽ tìm cách hỗ trợ bà ngoại và mợ cháu lợp lại mái, sửa chữa căn nhà dột trong, thủng ngoài.
Sau khi cân nhắc và bàn bạc cùng gia đình Châu, anh đưa bé về cho người cô ở Vũng Tàu chăm sóc.
Ngoài ra, anh Kiên cũng kết nối, tìm hiểu về một số người bà con họ hàng khác của bé Châu. Anh xem xét về điều kiện, khả năng, mối quan hệ... để cân nhắc ai là người phù hợp nhất với việc chăm sóc cháu bé. Khi điều kiện đi lại được, anh sẽ đến tận nơi để xem xét, trao đổi với người thân của cháu.
Về phương án gửi cháu vào các trung tâm dành cho trẻ mồ côi, anh Kiên không nghĩ đến. Theo anh, có thể ở đó cháu được chăm sóc tốt, được ăn học đầy đủ hơn nhưng không phù hợp với bé Châu. Cháu còn quá nhỏ, cháu cần được kết nối với máu mủ, với ruột thịt... dù có thể đói ăn đói mặc hơn.
Anh cũng lên kế hoạch cho tình thế nếu cháu không thể sống với người thân, anh sẽ đón cháu về nhà mình. Nhưng anh xác định, đây là phương án cuối cùng, khi không còn cách nào khác.
"Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với một đứa trẻ, không đơn thuần chỉ là việc nuôi ăn, nuôi học. Việc biết nguồn gốc, gia đình, người thân của mình, được kết nối với máu mủ là chuyện vô cùng thiêng liêng với mỗi con người. Chờ sau này lớn lên, cháu mới đi tìm, kết nối với người thân sẽ nan giải vô cùng" - anh nêu quan điểm.
Làm cha không chỉ là nuôi, là dạy mà hơn hết là một điểm tựa
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên chia sẻ, khi sinh cháu Châu, người mẹ không có giấy tờ nên sử dụng giấy tờ của một người thân để khai sinh cho con. Vậy nên, có thể cháu Châu sẽ không nhận được những chính sách hỗ trợ dành cho trẻ mồ côi vì Covid-19 của TPHCM.
Là người cha đỡ đầu, anh Kiên cho biết, dù có thể ở xa nhưng sẽ làm hết sức trong khả năng, ít nhất lo cho con ăn học hết phổ thông. Và hơn hết, điều anh muốn làm được cho con không chỉ là chuyện ăn, chuyện học mà là tình cảm, là điểm tựa về tinh thần từ một người cha, một gia đình luôn ở sau con.
Gia đình anh, mẹ anh, vợ con anh Kiên cùng gật đầu trước quyết định "nhận con" của anh. Nhiều tháng nay, anh làm nhiệm vụ không về nhà nhưng hai con biết chuyện đều háo hức khoe được lên chức anh, chức chị.
Mẹ anh động viên bé Châu: "Nếu con không có chỗ nào để về thì hãy nhớ, còn có gia đình của con đây, còn có bà đây!".
Có thể do những thiếu thốn, tổn thương, bé Châu khá rụt rè trong giao tiếp với mọi người. Lúc nào cũng muốn ba Kiên gọi điện nhưng khi cầm máy, bé chỉ liên tục gọi "Ba ơi! Ba ơi!", không nói gì nhiều. Nhưng với anh Kiên thế là đủ. Hai tiếng "Ba ơi!" với bé Châu, một đứa trẻ chưa hề một lần gọi cha, chưa hề biết tình cha, đã đủ chứa đựng một sức mạnh.
Anh vẫn thầm nhắn nhủ với con gái: "Con hãy yên tâm, con đang có một gia đình phía sau. Không chỉ ba, gia đình ba và đồng đội của ba sẽ luôn đồng hành cùng con".
Người chiến sĩ của những sáng kiến
3 năm liền là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên còn là tấm gương về tinh thần ham học hỏi, chủ động, sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học. Hằng năm, anh luôn có nhiều sáng kiến cải tiến được Bộ Tư lệnh Thành phố và Quân khu công nhận.
Từ năm 2016 đến nay, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên có khoảng 20 sáng kiến, cải tiến dự hội thi cấp thành phố và quân khu. Một số sáng kiến nổi bật như: "Giá bắn đa năng và Ba lô thông tin" được công nhận cấp Bộ Tư lệnh Thành phố; Mô hình chống bão được đề nghị nhân rộng cấp Quân khu năm 2018; Sáng kiến "Đôi tay chiến sĩ Robot diệt Covid-19" năm 2020 đạt giải nhất cấp Thành phố và giải B cấp Quân khu 7.