1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thanh tra việc tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội

(Dân trí) - Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển và phản ánh trình độ phát triển của quốc gia.

Các quốc gia xây dựng hệ thống chính sách BHXH đều theo đuổi 3 nguyên tắc, đó là: Công bằng hướng tới mở rộng độ bao phủ của chính sách- mọi người lao động đều có thể tiếp cận, tham gia và hưởng lợi từ chính sách BHXH;  Tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và đảm bảo bền vững về tài chính - đảm bảo khả năng cân đối giữa mức đóng góp và mức hưởng thụ từ hệ thống; Có sự chia sẻ giữa những thành viên tham gia vào hệ thống BHXH, chia sẻ giữa các chính sách trong hệ thống.

Chính sách BHXH ở Việt Nam bắt đầu thực hiện từ năm 1962, bao gồm chủ yếu các chính sách về hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản và tai nạn lao động, đối tượng chỉ bao gồm lao động khu vực nhà nước. Ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm chi trả các chế độ BHXH. Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, với sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, chính sách BHXH cũng từng bước được sửa đổi, bổ sung, mở rộng ra các khu vực kinh tế khác.

Năm 1994,Bộ luật Lao động được ban hành đánh dấu thời điểm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu sử dụng từ 10 lao động trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc.

Thanh tra việc tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội - 1

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991) đề ra mục tiêu “thiết lập một hệ thống đồng bộ và đa dạng về bảo hiểm và trợ cấp xã hội…”. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, với quan điểm “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách” đã phát triển mục tiêu “Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội”.

Thực hiện cương lĩnh trên, Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020 đã nêu rõ: “Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”.

Hệ thống chính sách BHXH của VN cho đến nay đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, như:

Về chính sách đã bao gồm gần như đầy đủ các chính sách theo thông lệ quốc tế, bao gồm chính sách bảo hiểm hưu trí, tử tuất; bảo hiểm ốm đau, thai sản; BHYT; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN);

Về loại hình BHXH đã bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện: chính sách BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động và BHXH tự nguyện được áp dụng đối với đối tượng không có quan hệ lao động (thực hiện với hai chế độ hưu trí và tử tuất); theo đó khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức đều có thể tham gia và thụ hưởng từ chính sách BHXH;

Về phạm vi bao phủ BHXH: Tính đến hết năm 2019 là 15,77 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi); tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 13,429 triệu người (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi);số người tham gia bảo hiểm y tế là 85,945 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số).

Thanh tra việc tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội - 2

Về số thu BHXH bắt buộc năm 2019 đạt 361.549 tỷ đồng;

Về số lượng người được hưởng chính sách BHXH năm 2019 có 160.710 lượt đối tượng được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, 8.430 lượt người được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 706.842 lượt người hưởng chế độ BHXH một lần, 10.614.048 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản;

Về mô hình quản lý và thực hiện chính sách BHXH đã cơ bản phù hợp với thông lệ của các nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cũng phát sinh nhiều vấn đề: Các hành vi nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2020, tổng số đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHTN trên địa bàn cả nước là 243.602 đơn vị với tổng số tiền nợ là 16.863 tỷ đồng, trong đó, số tiền nợ không có khả năng thu hồi là 3.082 tỷ đồng của 26.792 đơn vị, doanh nghiệp phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, chủ là người nước ngoài bỏ trốn.

Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Về trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, theo rà soát của các địa phương, tính đến hết tháng 9/2019 số tiền người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng phải thu hồi là 74,569 tỷ đồng.

Một trong những biện pháp nhằm tăng cường tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, hạn chế tình trạng trục lợi BHXH, BHTN là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHTN.

Do tầm quan trọng của công tác thanh tra chính sách pháp luật về BHXH, ngày 16/4/2013 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 614/QĐ-LĐTBXH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ, trong đó thành lập Phòng thanh tra Chính sách bảo hiểm xã hội thuộc Thanh tra Bộ có chức năng thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Hàng năm, Thanh tra Bộ đã kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, BHTN và hướng dẫn các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố thực hiện công tác thanh tra chính sách bảo hiểm xã hội kịp thời, giúp người lao động được thụ hưởng các chế độ BHXH, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Kết quả chỉ tính riêng tại Thanh tra Bộ từ năm 2018 đến nay đã tiến hành thanh tra tại 375 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là đơn vị nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Qua thanh tra đã ban hành 1.265 kiến nghị, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội với tổng số tiền xử phạt là 5,14 tỷ đồng.

Năm 2020, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đối tác ba bên triển khai thực hiện Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội trên phạm vi toàn quốc với chủ đề “Tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội là thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội”với các hoạt động chính là truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật BHXH cho người sử dụng lao động, người lao động; thanh tra tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, số lượng lớn và tổng kết, đánh giá.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết định tạm hoãn thực hiện chiến dịch cho đến một thời điểm thích hợp.

Trong thời gian tới, để thực hiện được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xác định ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn phải có sự nỗ lực của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực BHXH.

Làm tốt công tác thanh tra, hướng dẫn kịp thời người dân và doanh nghiệp để tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHTN, BHYT, giúp chính sách BHXH tiếp tục khẳng định vai trò là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia là góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.