Tạo cơ chế cho phụ nữ làm việc tốt mà vẫn có thể chăm lo gia đình

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Phụ nữ vừa phải làm việc, vừa chăm lo gia đình nên gặp nhiều khó khăn hơn nam giới. Bình đẳng tại nơi làm việc là tạo điều kiện cho người phụ nữ cân bằng công việc và trách nhiệm gia đình.

Làm việc không có thời gian về nhà

Từ cuối năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM thành lập tổ nghiên cứu thực trạng gia đình hạnh phúc của người lao động toàn Sở. Tổ nghiên cứu thực hiện nhiều cuộc họp để lấy ý kiến từng đơn vị cấp phòng, thống kê số liệu cụ thể để đánh giá xã hội học…

Kết quả nghiên cứu cho thấy, qua khảo sát hơn 3.000 gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở thì có đến 9% gia đình trả lời không hạnh phúc.

Tạo cơ chế cho phụ nữ làm việc tốt mà vẫn có thể chăm lo gia đình - 1

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, tặng quà các đại biểu nữ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 2024 (Ảnh: CTV).

Nguyên nhân chính làm cho người lao động không thấy hạnh phúc chủ yếu là do khó khăn về kinh tế vì thu nhập thấp, áp lực công việc nên không có thời gian chăm lo cho gia đình.

Hai yếu tố trên dẫn đến gia đình bất hòa, tình trạng ly hôn, ly thân chiếm đến 9,8% tổng số gia đình.

Đặc biệt, đặc thù công việc của 35 trung tâm thuộc Sở làm việc 24/24 để chăm sóc các hoàn cảnh đặc biệt, ít khi được về nhà. Từ nhân viên đến lãnh đạo đều phải chia ca kíp để trực đêm. Thời gian eo hẹp nên ảnh hưởng lớn đến việc chăm lo cho gia đình, đặc biệt là với lao động nữ.

Tạo cơ chế cho phụ nữ làm việc tốt mà vẫn có thể chăm lo gia đình - 2

Đặc thù công việc của nữ cán bộ ngành LĐ-TB&XH khiến họ có ít thời gian chăm sóc gia đình (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).

Bà Ngô Thị Oanh, Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phân viện TPHCM, kể từng có học viên là cán bộ của Sở LĐ-TB&XH TPHCM gọi điện chia sẻ với bà lúc nửa đêm. Lúc đó, chị buồn vì cha bệnh nặng ở quê mà chị không về chăm được vì bản thân phải thức đêm chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Nhung, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam phân viện TPHCM, cho rằng: "Ngành LĐ-TB&XH đặc thù, có nhiều người phải làm theo ca, làm thêm nhiều giờ dẫn đến áp lực vì cường độ công việc quá cao, ảnh hưởng đến thời gian chăm lo gia đình".

Đặc biệt, những lao động làm ở những vị trí thường xuyên đối diện, giải quyết những sự vụ xã hội phức tạp như chăm sóc người tâm thần, nghiện ngập… rất dễ có tâm trạng tiêu cực. Khi họ mang tâm trạng tiêu cực về nhà sẽ ảnh hưởng đến hành vi ứng xử với người thân và dẫn đến lục đục, gia đình không hạnh phúc.

Tạo cơ chế cho phụ nữ làm việc tốt mà vẫn có thể chăm lo gia đình - 3

Nhiều lúc người thân bệnh ở quê, cán bộ LĐ-TB&XH vẫn phải trực ở cơ quan để chăm sóc người khác (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Tạo điều kiện để lao động nữ yên tâm làm việc

Theo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH TPHCM, hiện phụ nữ không chỉ tham gia tích cực vào lực lượng lao động mà còn đảm nhiệm những vị trí quản lý, lãnh đạo quan trọng trong tất cả các lĩnh vực về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.

Luật Bình đẳng giới đã quy định, bình đẳng giới là nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Do đó, việc phụ nữ không chỉ tham gia mà còn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo và quản lý là yêu cầu để xây dựng một xã hội công bằng và phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, lao động nữ vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi vừa tham gia công tác, vừa phải chăm lo gia đình, rất khó có giải pháp để người phụ nữ có thể cân bằng được giữa công việc và trách nhiệm gia đình.

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, hạnh phúc của người lao động là mục tiêu quan trọng mà lãnh đạo sở hướng đến. Do đó, Sở đã tìm nhiều giải pháp hợp lý, hợp tình và đúng quy định pháp luật để tạo điều kiện cho người lao động làm việc thuận lợi, tạo cơ chế cho lao động nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng vẫn có thời gian chăm lo cho gia đình.

Tạo cơ chế cho phụ nữ làm việc tốt mà vẫn có thể chăm lo gia đình - 4

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM (Ảnh: Trịnh Nguyễn, Đồ họa: Tùng Nguyên).

Trong đó, giải pháp quan trọng nhất mà Sở LĐ-TB&XH TPHCM thực hiện trong năm qua là thí điểm thực hiện đề án "Hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH cân bằng giữa công việc - trách nhiệm gia đình, hướng tới gia đình hạnh phúc giai đoạn đến năm 2030".

Trong đề án, Sở đặt ra 5 chỉ tiêu phải thực hiện và giao việc cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn xúc tiến thực hiện ngay sau khi đề án được phê duyệt.

Chỉ tiêu đầu tiên được đặt ra là chế độ làm việc dựa vào kết quả theo thời gian biểu linh hoạt. Đây là bước đột phá táo bạo của một đơn vị với quy mô hơn 3.300 lao động, đặc biệt lại là một cơ quan nhà nước với nhiều đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo chỉ tiêu này, người lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH có thể làm việc không trọn thời gian tại công sở, được giao việc làm tại nhà và tại cơ quan theo tỷ lệ phù hợp… Đặc biệt, kế hoạch phân bổ thời gian làm việc của từng đơn vị được thiết kế tính đến cả trường hợp cán bộ có hoàn cảnh khó khăn.

Chỉ tiêu này được đặt ra nhằm giúp người lao động, nhất là lao động nữ có điều kiện cân bằng giữa công việc với trách nhiệm gia đình, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tạo cơ chế cho phụ nữ làm việc tốt mà vẫn có thể chăm lo gia đình - 5

5 chỉ tiêu trong "đề án hạnh phúc" (Ảnh: Hoàng Lê, Đồ họa: Tùng Nguyên).

Đề án còn đặt ra chỉ tiêu xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc cho người lao động. Công sở có phòng đa chức năng tại cơ quan hỗ trợ cho cán bộ nữ, cán bộ có con nhỏ, cán bộ nữ mang thai. Sở giao các đoàn thể giám sát để kịp thời phát hiện và can thiệp khi nhân viên có dấu hiệu bị bạo lực gia đình…

Ngoài ra, đề án còn hướng đến việc giúp đỡ người lao động khó khăn nâng cao chất lượng sống như: Hỗ trợ khẩn cấp cho cán bộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; kết nối dịch vụ cho cán bộ có nhu cầu vay vốn tạo lập nhà ở...