(Dân trí) - Công an xã bán chuyên trách được xem là "cánh tay nối dài" của công an chính quy trong đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Tuy nhiên mức phụ cấp của lực lượng này khó đảm bảo cuộc sống.
Công an xã bán chuyên trách được xem là "cánh tay nối dài" của công an chính quy trong đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Tuy nhiên mức phụ cấp mà lực lượng này đang hưởng rất thấp, khó đảm bảo chất lượng cuộc sống.
"Xã Diễn Hải có 25km chiều dài bám biển, tiềm ẩn tệ nạn mại dâm khi đây từng là điểm nóng mại dâm. Với 6 đơn vị cấp xóm, hiện xã bố trí 6 công an viên bán chuyên trách (gọi tắt là công an viên). Lực lượng công an viên là những người tận tụy, tâm huyết và trách nhiệm, thực sự là cánh tay nối dài của công an xã trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương", Thiếu tá Hoàng Văn Hiệp - Trưởng Công an xã Diễn Hải (Diễn Châu, Nghệ An) - đánh giá về vai trò quan trọng của lực lượng công an viên trên địa bàn.
Ông Lê Dương Tuyền, công an viên xóm 1, xã Diễn Hải có lẽ là công an viên cao tuổi nhất và là người có "thâm niên" nhất trong lực lượng công an viên. "Tôi làm công an viên từ năm 1981, hồi đó trả công bằng thóc lúa, mỗi năm được 1,2 tạ thóc, tính đến nay là 42 năm rồi", "lão" công an viên 67 tuổi chia sẻ.
Từ năm 2019, thực hiện Đề án bố trí công an chính quy đảm nhận các chức danh công an xã, nhiệm vụ của ông Tuyền và công an viên tại cơ sở được "giãn" hơn trước nhưng không vì thế mà bớt đi vất vả. Người dân nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh một công an viên tóc đã bạc gần hết vẫn cần mẫn, tận tụy và trách nhiệm với những công việc có tên và không tên ở cơ sở.
"Có những vụ việc liên quan đến mâu thuẫn gia đình, vợ chồng hay mâu thuẫn giữa xóm giềng... khi tiếp nhận thông tin, công an xã gọi điện cho công an xóm xác minh trước. Khi chúng tôi có mặt thì bác Tuyền đã xử lý đâu ra đấy. Kinh nghiệm và uy tín của những người như bác Tuyền hay của các anh, các bác công an viên đã hỗ trợ rất đắc lực cho công an xã khi xử lý các vụ việc phát sinh ở cơ sở, tránh hình thành các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự", Thiếu tá Hoàng Văn Hiệp nói.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, công an viên tại các xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang ở độ tuổi trên 50, thậm chí nhiều người đã đủ tuổi "lên lão".
60 tuổi, ông Dương Trọng Lý (công an viên xóm 1, xã Khánh Thành, Yên Thành, Nghệ An) vẫn tham gia tuần tra đêm và thực hiện các nhiệm vụ theo sự điều động của Trưởng công an xã. Địa bàn ông Lý phụ trách có hơn 400 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu, đồng bào công giáo là chủ yếu. Đây cũng là xóm có diện tích rộng và dân số đông nhất xã Khánh Thành.
"Làm anh công an viên thì trăm việc đến tay, từ nắm tình hình, kịp thời báo cáo các vụ việc phát sinh, tuyên truyền pháp luật, tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đến giải quyết các mâu thuẫn nhỏ ngay từ khi mới phát sinh. Hồi dịch Covid-19 hay các đợt cao điểm thực hiện cấp căn cước công dân, cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID, thu thập dữ liệu dân cư thì chúng tôi hầu như đi suốt, chỉ về nhà vào giờ cơm và để ngủ", ông Lý tâm sự.
Xã Khánh Thành có 6 xóm nhưng hiện mới chỉ bố trí được 5 công an viên. Xóm còn lại, công an viên xin nghỉ gần một năm nay nhưng thời điểm này chưa có người thay thế. Trước tình hình đó, Công an xã Khánh Thành đã phân công một cán bộ công an chính quy phụ trách địa bàn.
"4/5 công an viên tại Khánh Thành từ độ tuổi 50 trở lên, có người đã hơn 60 tuổi. Người được "nhắm" để thay thế công an viên vừa nghỉ nói trên cũng ngấp nghé 60 tuổi", Trung tá Phan Tiến Sỹ - Trưởng công an xã Khánh Thành - thông tin.
Xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa công an viên. Xã có 12 xóm, hơn 3.200 hộ dân với gần 13.000 nhân khẩu, được bố trí 12 công an viên cùng lực lượng công an chính quy đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
"Địa bàn rộng, dân số đông, bởi vậy, công an viên có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ công an xã nắm tình hình, nắm hộ, nắm khẩu... Phải ghi nhận sự tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Tuy nhiên, phần lớn công an viên đều đã có tuổi, có bác gần 60 tuổi, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ", Trung tá Nguyễn Hồng Tuấn - Trưởng công an xã Khánh Sơn - cho biết.
Già hóa đội ngũ công an viên đang là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương tỉnh Nghệ An. Theo Đại tá Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - phụ cấp thấp là nguyên nhân chính khiến các địa phương khó thu hút người trẻ tuổi tham gia vào lực lượng công an xã bán chuyên trách.
Tại Nghệ An, phụ cấp đối với công an viên là 0,8 lần lương cơ sở đối với xóm có dưới 350 hộ dân, 0,9 lần đối với xóm hơn 350 hộ dân, tức là chỉ ở mức 1,2-1,3 triệu đồng/người/tháng. Từ tháng 7 trở đi, lương cơ bản tăng lên 1,8 triệu đồng, phụ cấp của lực lượng này cũng chỉ ở mức hơn 1,4-1,6 triệu đồng/người.
Với khoản phụ cấp mang tính động viên này, công an viên khó có thể đảm bảo cho cuộc sống. Trong khi đó, đây là lực lượng "nắm hộ, nắm khẩu", phải thường xuyên có mặt tại địa bàn, không dễ dàng tìm kiếm được công việc phù hợp, thu nhập ổn định.
Để đảm bảo một phần thu nhập cho lực lượng này yên tâm gắn bó với nhiệm vụ, ngày 7/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An thông qua nghị quyết nâng mức phụ cấp hàng tháng cho các chức danh không chuyên trách cấp xã và lực lượng hoạt động trực tiếp ở khối, xóm, bản, trong đó có công an viên.
Theo đó, phụ cấp hàng tháng đối với công an viên sẽ từ 0,95 lần đến 1,1 lần mức lương cơ sở, tùy thuộc vào quy mô số hộ dân và tính chất đặc thù của từng khu vực. Với nghị quyết mới thông qua này, mức phụ cấp hàng tháng của công an viên cao nhất có thể đạt gần 2 triệu đồng. Đây không chỉ là nguồn động viên, hỗ trợ lực lượng công an viên mà còn là sự ghi nhận của các cấp chính quyền địa phương đối với lực lượng "nắm hộ, nắm khẩu".
Trước đó, chiều 28/11, Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng này được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng, gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Theo Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở phù hợp điều kiện thực tế hiện nay và yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, phát huy hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
"Không chỉ tạo dựng hành lang pháp lý huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự với những quy định cụ thể về tiêu chuẩn tuyển chọn, độ tuổi, chế độ chính sách... sẽ đảm bảo thu nhập tương xứng với vai trò, nhiệm vụ của lực lượng công an viên - 1 trong 3 lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh ở cơ sở, đặc biệt là an ninh nông thôn", Đại tá Trần Ngọc Tuấn cho hay.
Ảnh: Hoàng Lam, CANA