Tăng lương, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng hưởng lợi
(Dân trí) - Mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện do người tham gia tự chọn nên không tăng theo lương cơ sở nhưng mức trợ cấp mai táng cho thân nhân người tham gia BHXH tự nguyện tăng cao.
Việc lương cơ sở tăng từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7 tới đây không chỉ giúp người lao động có thu nhập cao hơn mà người tham gia BHXH tự nguyện cũng được nhiều lợi ích vì một số chế độ thụ hưởng được tính căn cứ theo lương cơ sở.
Cụ thể những điểm cần lưu ý liên quan đến việc đóng/hưởng BHXH tự nguyện khi lương cơ sở tăng lên như sau:
Mức đóng bảo hiểm không đổi
Căn cứ Điều 10 và Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn trừ đi phần nhà nước hỗ trợ.
Trong đó, mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện của người lao động do người tham gia tự quyết định. Mức nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được tính theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (mức chuẩn áp dụng từ ngày 1/1/2022 là 1,5 triệu đồng/người/tháng) nên không thay đổi khi tăng lương cơ sở.
Do đó, khi tăng lương cơ sở từ 1/7 năm nay, cả 2 căn cứ để tính mức đóng BHXH tự nguyện không điều chỉnh nên mức đóng BHXH tự nguyện cũng không thay đổi.
Không tăng sàn nhưng nới trần bảo hiểm
Theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Khi tăng lương cơ sở, mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện cao nhất mà người lao động có thể lựa chọn tăng từ 29,8 triệu đồng/tháng lên 36 triệu đồng/tháng.
Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất mà người lao động có thể lựa chọn tăng từ 6.556.000 đồng/tháng lên 7.920.000 đồng/tháng.
Việc điều chỉnh này đáp ứng nguyện vọng của những người có nhu cầu đóng cao để hưởng mức lương hưu cao.
Trong khi đó, theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng từ ngày 1/1/2022 là 1,5 triệu đồng/người/tháng nên mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (chưa tính phần hỗ trợ của nhà nước).
Khi tăng lương cơ sở, mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn không thay đổi nên mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất không điều chỉnh.
Chế độ trợ cấp mai táng
3 quyền lợi chính của người tham gia BHXH tự nguyện là hưu trí, tử tuất và mai táng. Trong đó, mức hưởng lương hưu, trợ cấp tử tuất một lần và trợ cấp tử tuất hằng tháng đều căn cứ vào mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn và số năm tham gia BHXH để tính toán nên không thay đổi khi tăng lương cơ sở.
Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người lo mai táng cho người tham gia BHXH tự nguyện được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở. Do đó, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7 thì mức trợ cấp này cũng tăng lên thành 18 triệu đồng.
Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng đối với người tham gia BHXH tự nguyện bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thuộc một trong các trường hợp sau:
1) Người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên.
2) Người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ tử tuất từ đủ 60 tháng trở lên.
3) Người tham gia BHXH tự nguyện đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
4) Người đang hưởng lương hưu.
Bạn đọc có thể tham khảo quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện TẠI ĐÂY.