(Dân trí) - Suốt 75 năm qua, ngọn lửa tri ân luôn tỏa rạng, bằng nhiều hoạt động thiết thực, qua đó giúp Người có công và thân nhân xoa dịu nỗi đau, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Suốt 75 năm qua, ngọn lửa tri ân luôn tỏa rạng, bằng nhiều hoạt động thiết thực, qua đó giúp Người có công và thân nhân xoa dịu nỗi đau, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khó có thể kiềm lòng khi chứng kiến sự xúc động của ông Phạm Bá Tiến (62 tuổi, trú tại xã Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An) - cháu nội của liệt sỹ Phạm Khánh. Cụ Phạm Khánh là liệt sỹ hi sinh lâu nhất được truy tặng Bằng Tổ Quốc ghi công, tính đến thời điểm này. 91 năm là quãng thời gian đong đầy những nỗi niềm đau đáu của đại gia đình, họ tộc cụ Khánh, là tâm sức của nhiều thế hệ cán bộ làm công tác chính sách từ cơ sở đến Trung ương. Hành trình thu thập thông tin, xác minh, thẩm định phải trải qua một quá trình rất dài, rất kỳ công, bởi cụ Phạm Khánh hi sinh đã lâu, các giấy tờ liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của cụ đều không còn lưu trữ được.
Đối với trường hợp cụ Phạm Khánh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kể, ngành đã phối hợp Cục hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an; Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh... để xác minh thông tin về quá trình hoạt động, hi sinh của cụ. Sau quá trình tìm kiếm, xác minh, các cán bộ ngành LĐ-TB&XH tìm thấy thông tin của cụ bằng tiếng Pháp, trong hồ sơ còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an. Theo thông tin trong hồ sơ lưu trữ, năm 61 tuổi, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lên cao, cụ Phạm Khánh tham gia hoạt động trong Đội Tự vệ đỏ tại Nghệ An. Cụ bị địch bắt giam, đày tại nhà lao Buôn Ma Thuột, số tù 749. Trong quá trình lưu đày tại đây, cụ bị địch tra tấn dã man và hi sinh vào ngày 27/9/1931.
Năm 2022, đúng 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, một năm kỷ niệm đặc biệt, với những hoạt động đặc biệt tri ân lớp lớp thế hệ những người có công với cách mạng, với đất nước. Lễ trao bằng Tổ Quốc ghi công được tổ chức tại thành phố Vinh, Nghệ An giữa tháng 7 đón 387 liệt sỹ và thân nhân, gia đình được ghi nhận, trao bằng, đền đáp những hi sinh và cống hiến của các thế hệ cha anh đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Nửa thế kỷ sau chiến tranh vẫn đong đầy những giọt nước mắt thương nhớ, niềm vui vỡ òa khi được giải tỏa sau bao tháng năm mong ngóng, tủi hờn. Hoạt động tri ân đầy ý nghĩa ấy khẳng định, những người công tác trong ngành LĐ-TB&XH cả nước đã luôn sát cánh, đau đáu cùng thân nhân liệt sỹ trong việc xác minh, thẩm định thông tin, để những cống hiến của người ngã xuống hay mang thương tật trên mình… không bao giờ bị lãng quên, vì lý do gì đi nữa.
Số liệu thống kê của ngành cho thấy, cả nước hiện có 9,2 triệu người có công, được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, do nhiều tồn tại khách quan, hiện còn một số lượng lớn hồ sơ xác nhận người có công tồn đọng. Giải quyết số hồ sơ tồn đọng này không chỉ là trách nhiệm mà còn là tấm lòng của những người làm chính sách đối với công lao của những người hi sinh xương máu cho nền độc lập, thống nhất của Tổ Quốc. Chỉ trong 5 năm 2017-2022, với rất nhiều nỗ lực cùng cách làm sáng tạo, thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các ban, bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết trên 7.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng. Từ kết quả này, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ Quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sỹ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Ghi nhận những nỗ lực đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Kết quả đó khẳng định trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những người đã cống hiến, đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vinh quang của Tổ Quốc. Chúng ta, những thế hệ đi sau, xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất rằng, Tổ Quốc và Nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc".
Là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và ưu tiên hàng đầu tới việc xây dựng các chính sách hướng tới người có công với cách mạng.
Cũng trong năm kỷ niệm đặc biệt vừa qua, ông Hoàng Đức Cật (trú tại huyện Lục Yên, Yên Bái) rưng rưng đón nhận kết quả giám định ADN xác định hài cốt của em trai - liệt sỹ Hoàng Chí Bền, hi sinh năm 1971, sau chưa đầy 2 năm nhập ngũ. Năm 2012, gia đình ông Cật biết hài cốt em trai ông được quy tập, an táng tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (Nghệ An) nhưng không rõ phần mộ nào. Nỗi khắc khoải chờ đợi suốt 10 năm ấy bật thành tiếng khóc khi kết quả giám định ADN giúp ông và gia đình biết chính xác em trai mình đang nằm ở đâu, giữa bạt ngàn những ngôi mộ chưa có tên trong nghĩa trang liệt sỹ. Ông Cật mong muốn hàng vạn gia đình liệt sỹ khác cũng sớm được đón nhận niềm an ủi như gia đình ông.
Niềm mong mỏi của thân nhân liệt sỹ cũng là nỗi đau đáu, trăn trở của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và những người làm công tác giám định gen để hơn 300.000 liệt sỹ chưa xác định được danh tính không ai bị lãng quên, để những người đã ngã xuống sớm được trở về với quê hương bản quán, trong vòng tay những người thân yêu của mình.
Chiến tranh đã lùi xa, hàng trăm nghìn người cha, người mẹ vẫn khắc khoải chờ mong đứa con của mình trở về, dẫu chỉ bằng nắm xương. Bao nhiêu người vợ liệt sỹ vẫn đằng đẵng chờ đợi, mong ngóng người chồng thân yêu trở về, dẫu hình hài không còn nguyên vẹn, bao nhiêu người con chưa một lần được nhìn thấy mặt cha cũng thì thầm một tiếng gọi ghim trong lồng ngực suốt hàng chục năm trời... Tất cả nỗi đau ấy, là động lực thôi thúc, để những người lính dù ở tuổi xưa nay hiếm vẫn lặn lội về chiến trường xưa, để những người lính quy tập vẫn miệt mài hành quân sang nước bạn Lào hay đất bạn Campuchia tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ.
Nghĩa tình đồng đội thôi thúc Đại tá Huỳnh Trí - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang xin nghỉ hưu sớm khi mới 52 tuổi để thực hiện tâm nguyện đau đáu cả cuộc đời mình. Người lính ấy tham gia hơn 100 trận đánh ác liệt, từng bị thương. Với ông, còn sống và được trở về là điều may mắn, còn không ít đồng chí, đồng đội khác đang phải gửi thân nơi xứ người. Ông muốn dùng sức khỏe của những năm tháng còn lại đi tìm và đưa đồng đội trở về, dẫu lường trước vô vàn khó khăn, gian khổ. Từ người trực tiếp đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, ông trở thành "cố vấn" của Đội tìm kiếm K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang). 20 năm qua, người lính này góp phần đưa hơn 3.300 hài cốt đồng đội trở về, quy tập vào các nghĩa trang liệt sỹ, để hương hồn đồng đội không còn phải hoang lạnh nơi rừng sâu, núi thẳm. Thế nhưng, Đại tá Huỳnh Trí vẫn đau đáu nỗi niềm, bởi lẽ, rất nhiều đồng đội của ông đã trở về, yên nghỉ trên đất mẹ quê hương nhưng trên tấm bia mộ là "Liệt sỹ chưa biết tên". Trả lại tên cho các anh, để các anh được trở về trong vòng tay cha mẹ, trong vòng tay ấm áp của người vợ hiền, của những đứa con không chỉ là tâm nguyện của Đại tá Huỳnh Trí, mà là nỗi trăn trở của những người làm công tác chính sách.
Bước ra khỏi chiến tranh với một phần thân thể để lại chiến trường, người lính Nguyễn Duy Nở (Thanh Hóa) trở về với cơ thể nhiễm chất độc hóa học. Vượt lên nỗi đau chiến tranh, với bản lĩnh người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh Nguyễn Duy Nở trở thành điểm sáng trên mặt trận chống đói nghèo. Hiện công ty do ông làm giám đốc đang giải quyết việc làm cho 230 lao động, trong đó có con em thương, bệnh binh và người có công. Hàng năm, ông trích lợi nhuận từ 300 đến 400 triệu đồng giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ, người tàn tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhận phụng dưỡng suốt đời 4 mẹ Việt Nam anh hùng... Hơn ai hết, ông biết cái giá của hòa bình và nỗi đau chiến tranh. Và người lính ấy, sau khi trở về đã nối dài hành trình tri ân những đồng đội ngã xuống và những thân nhân của đồng đội. Không chỉ với cựu chiến binh Nguyễn Duy Nở, công tác đền ơn, đáp nghĩa lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Đó không chỉ là bổn phận, trách nhiệm của lớp hậu thế mà là tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc nền độc lập, hòa bình hôm nay.
Từ năm 1947, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về Ngày Thương binh - Liệt sỹ, công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH và Nhân dân cả nước thực hiện có hiệu quả. Suốt 75 năm qua, ngọn lửa tri ân vẫn luôn tỏa rạng, bằng nhiều hoạt động thiết thực, qua đó giúp người có công và thân nhân được xoa dịu nỗi đau chiến tranh, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
"Đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú đạt 98,6%. Bản thân người có công với ý chí tự lực, tự cường vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ gặp mặt gia đình người có công tiêu biểu toàn quốc tối 27/7/2022.
Cùng với các chế độ, chính sách ưu đãi, người có công và thân nhân người có công được Đảng, Nhà nước chăm lo cả về sức khỏe, tinh thần và hỗ trợ nhà ở, phát triển kinh tế, giúp ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt... Cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, ngành LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương các cấp, các hoạt động tri ân ý nghĩa, thiết thực nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân. Chỉ riêng năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, rất nhiều hoạt động tri ân đã được tổ chức. Nhà nước dành 400 tỷ đồng tặng quà hơn 1,3 triệu người có công với cách mạng. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sỹ. Phong trào xây "Nhà tình nghĩa", lập "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa", phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng... đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa, bồi đắp và tỏa rạng mãi ngọn lửa tri ân.
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Đỗ Diệp