Sản phụ bị ruồng bỏ trong căn nhà hoang và bàn tay chìa ra nơi lầm lỡ
(Dân trí) - "Em như chim bồ câu trắng bay giữa trời/Em mong sao không có nước mắt rơi chia lìa" - tiếng hát của các em nhỏ tại Mái ấm Chúc Từ vang khắp chùa khiến những ai đi ngang cũng thấy xót xa.
Những phận đời bị chối bỏ
Cứ đúng 6h, Mái ấm Chúc Từ (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM) lại sáng đèn.
Trong mái ấm, mấy chục đứa trẻ ngồi san sát nhau, tiếng khóc váng nhà. Sư cô Chúc Từ giữ giọng điềm đạm "giảng hòa", vãn hồi "dàn đồng ca" mỗi sáng.
Lặng nhìn các con bập bẹ những câu hát đầu đời, sư cô Chúc Từ bỗng thấy yên lòng. Sư cô cho hay, mái ấm Chúc Từ hiện có 2 cơ sở, đang nuôi dưỡng 50 em nhỏ và 15 thai phụ chuẩn bị sinh nở. Dù mới thành lập 5 năm nhưng trung tâm luôn là địa chỉ tin cậy của những người phụ nữ "đáng thương".
Sư cô cho biết, hầu hết trẻ nhỏ ở đây không được gia đình chấp nhận, không ít em được sinh ra từ mẹ tâm thần, bị cưỡng hiếp. Các bé có xu hướng kém phát triển hơn những đứa trẻ khác.
"Trong đó, có em đã lên 3 tuổi nhưng không nói được, chỉ bập bẹ vài tiếng và cũng không biểu hiện cảm xúc", sư cô kể.
May mắn, sau một thời gian, do được ở gần các bạn khác, các trường hợp này giờ đây đã có thể phát triển như bình thường. Ở với sư cô từ nhỏ, các bé rất ngoan vì mái ấm coi trọng sự giáo dục dành cho trẻ.
"Dù xuất phát điểm của các con gần như nhau, là vì không được gia đình chấp nhận nên mới sống trong cảnh xa bố mẹ từ khi vừa chào đời, dường như bọn trẻ đều tự ý được hoàn cảnh của mình, cùng nương tựa nhau vươn lên", sư cô chia sẻ.
Sản phụ cô độc trong căn nhà bỏ hoang
Nhớ về ngày đầu thành lập mái ấm, có những nỗi niềm khiến sư cô Chúc Từ không thể quên.
Đêm giữa tháng 2/2018 là khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với sư cô. Qua người bạn, sư cô biết đến câu chuyện của một phụ nữ mang thai cô độc, bị gia đình ruồng bỏ, không biết sống chết. Đến thăm căn nhà tại huyện Bình Chánh, sư cô chứng kiến cảnh người phụ nữ bụng mang dạ chửa đang phải trải qua. Sản phụ bị động thai.
Chìm trong bóng tối ở căn nhà bỏ hoang không điện, nước, gương mặt của thai phụ hốc hác, khiến sư cô không kìm lòng nổi. "Thôi, bây giờ theo sư vào trung tâm khám thai. Con không thể sống thế này được", sư cô Chúc Từ nói.
Từ trường hợp đó, thêm nhiều thai phụ bị gia đình ruồng bỏ, không dám khóc với ai tìm đến sư cô, mỗi ngày một nhiều. Trước cảnh này, sư cô Chúc Từ mới cùng các phật tử đưa các thai phụ vào ở ngay trong chùa Bồ Đề (quận 4, TPHCM).
Tới khi số lượng ngày càng tăng, sư cô phải thuê hết nơi này đến nơi khác để cho các thai phụ ở dưỡng thai. Chi phí lo cho việc này đến từ gia đình của sư và nhiều phật tử, mạnh thường quân khác.
Khoảng thời gian đầu, hoạt động của mái ấm vô cùng khó khăn vì không có nhiều kinh phí. Mỗi tháng, các mẹ bầu cần đến hơn 20 triệu đồng để sinh hoạt. Đôi lúc cả mái ấm phải ăn cháo thay cơm.
Từ một người tu hành, sư cô Chúc Từ đành học cách trở thành mẹ, thành bà ngoại nuôi, học các kiến thức về sinh đẻ để hỗ trợ được thêm nhiều trường hợp. Rồi khi thai phụ sinh con nhưng không nuôi được, sư cô Chúc Từ cũng đồng ý nhận giữ, chăm sóc đứa trẻ được để lại.
Suốt 5 năm, từ một người tu hành tập làm "mẹ", sư cô Chúc Từ không ít lần trải qua những kỷ niệm khó quên, như khoảnh khắc tận tay đón em bé sinh non chỉ nặng 1,9 kg, nhìn người mẹ thoi thóp khi vừa qua cơn "thập tử nhất sinh".
Vị sư cô luôn tâm niệm dùng đạo lý nhà Phật để hóa giải sự hận thù, tuyệt vọng trong lòng những người mẹ này ở phút quẫn bách.
"Chỉ khi hiểu, các con mới có thể buông bỏ được khổ đau, tự tha thứ cho chính mình và những người xung quanh. Từ đó, mới có thể tập trung cho quãng đường sắp tới tươi đẹp hơn", sư cô Chúc Từ nói.
Từ đó, sư cô cũng cảm thấy nhẹ lòng vì đã cảm hóa được nhiều mẹ bầu, giúp nhiều sinh linh được ra đời, sống bình thường như những đứa trẻ khác.
"Mái ấm luôn sẵn sàng che chở cho những hoàn cảnh không may mắn. Những mẹ bầu nếu không thể đem con về với gia đình thì hãy gửi lại mái ấm. Sau đó, họ sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời, cũng như gặp lại đứa con do chính mình sinh ra", sư cô chia sẻ.