Phú Yên: Ngậm “trái đắng” khi đi XKLĐ, nhiều lao động bỏ về nước

(Dân trí) - Xuất khẩu lao động là cách được nhiều người dân miền núi chọn để thoát nghèo. Tuy nhiên, câu chuyện xuất ngoại của nhiều thanh niên người dân tộc ở huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) với mức lương không đủ sống lại là bài học kinh nghiệm đối với cấp chính quyền, doanh nghiệp và người lao động.

Phú Yên: Ngậm “trái đắng” nơi “xứ người” nhiều lao động đành bỏ về nước

Sau 10 tháng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Malaysia, anh Lê Ô Y Noi, buôn Bai, xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh, Phú Yên) quyết định trở về Việt Nam để xin việc làm để trang trải cuộc sống cho gia đình.

Trước khi đi anh mong muốn sẽ thoát nghèo. Thế nhưng bây giờ cuộc sống gia đình anh càng khó khăn thêm.

Anh Lê Ô Y Noi cho biết: "Hồi trước khi ký hợp đồng, họ cam kết lương được 6 triệu đồng/tháng, rồi tăng ca nữa là hơn được 10 triệu đồng/tháng, chi phí ăn ở họ hỗ trợ nữa. Nhưng qua đó, làm gần 10 tháng mà tháng nào cũng được có 6 triệu đồng/tháng, chi phí chỗ ở, ăn uống mình tự chịu nên tháng còn được hơn 2 triệu đồng/tháng".

Phú Yên: Ngậm “trái đắng” khi đi XKLĐ, nhiều lao động bỏ về nước - 1

Anh Lê Ô Y Noi buôn Bai, xã Ea Lâm chia sẻ những khó khăn khi đi XKLĐ nơi xứ người

“Trước khi đi XKLĐ, gia đình đã phải bán một con bò để trang trải chi phí. Em mong sẽ thoát được nghèo và làm giàu sau vài năm đi lao động. Nhưng giàu thì chưa thấy mà lại nghèo thêm cho gia đình em nữa…” anh Lê Ô Y Noi nói.

Chị Mí Sun ở buôn Bưng, xã Ea Lâm cũng có chồng đi XKLĐ ở Malaysia. Để có tiền nộp chi phí, nhà Mí Sum phải vay tiền ngân hàng, cộng với tiền ở nhà 3 mẹ con vay thêm để chi tiêu. Bây giờ nợ lên đến 30 triệu đồng.

Phú Yên: Ngậm “trái đắng” khi đi XKLĐ, nhiều lao động bỏ về nước - 2

Trước khi đi XKLĐ, nhà Mí Sun ở buôn Bưng, xã Ea Lâm đã khó khăn, nay lại thêm chồng chất vì món nợ 30 triệu đồng

Ngày chồng lên đường, cả gia đình Mí Sun nuôi hy vọng kinh tế sẽ bớt khó khăn. Thế nhưng chỉ 8 tháng sau khi đi làm việc, chồng chị đã phải quay về nước vì thu nhập quá thấp.

Phú Yên: Ngậm “trái đắng” khi đi XKLĐ, nhiều lao động bỏ về nước - 3

Mí Sun và con nhỏ lo lắng vì số nợ hàng chục triệu đồng

Chị Mí Sun kể: "Thực ra em không muốn cho chồng đi làm ăn xa. Nhưng chồng em vẫn quyết tâm đi. Anh nói là đi để kiếm tiền trả nợ ở nhà và chữa bệnh cho con. Khó khăn gì cũng vượt qua hết. Nhưng đến 6 tháng sau mới thấy chồng gửi tiền về nhà. Số tiền cũng chỉ có 6 triệu đồng".

Hai tháng sau chồng về nước, chị Mí Sung hỏi chồng: "Nhà mình nợ còn nhiều sao anh về?". Người chồng bảo: "Công ty phá sản rồi! Các bạn anh về nước hết. Thế nên anh về…".

Xã Ea Lâm có 5 người đi XKLĐ ở Malaysia, nhưng về nước sớm hơn so với hợp đồng. Ngoài ra còn có 1 trường hợp ở xã Ea Bá và 1 trường hợp ở xã Ea Bia.

Tất cả các trường hợp trên đều đi XKLĐ thông qua Công ty Vinaco.

Phú Yên: Ngậm “trái đắng” khi đi XKLĐ, nhiều lao động bỏ về nước - 4

Ở buôn Bưng, xã Ea Lâm thì có tới gần 50% là hộ nghèo, nên người dân khát vọng thoát nghèo bằng cách đi XKLĐ

Được biết, mức chi phí đi XKLĐ của các thanh niên trên là khoảng 28 triệu đồng. Lĩnh vực lao động là lắp ráp linh kiện điện tử. Thời gian thực hiện hợp đồng lao động là 3 năm. Mức lương mỗi tháng (chưa tính tiền tăng ca) là 1.000 Ringgit Malaysia (MYR) tương đương gần 6 triệu đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, nguồn thu nhập này tương đối thấp, không đảm bảo các chi phí sinh hoạt. Đây là lý do chính khiến cho nhiều lao động bỏ về nước trước thời hạn.

Bà Ma Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh cho biết, năm 2018, xã Ea Lâm có 5 trường hợp về nước trước thời hạn. Các lao động này làm việc ở công ty có đơn hàng linh kiện điện tử.

"Tuy nhiên công việc không nhiều, thu nhập thấp. Có nhiều nội dung trong điều khoản chưa được thực hiện theo đúng cam kết. Ở xã có nhiều lao động khác đi XKLĐ nhưng họ vẫn ở lại làm việc nếu đúng như hợp đồng lao động" - bà Mai Thị Liên nói.

Sau khi các lao động bỏ về nước, đại diện Công ty Vinaco có đến huyện làm việc và giải thích vụ việc.

Nói về buổi làm việc này, ông Tô Văn Giang - Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sông Hinh - cho biết: “Phía công ty giải thích, bên công ty nước ngoài nhận các thanh niên ở huyện Sông Hinh, trong khoảng thời gian đó không nhận được nhiều đơn hàng. Công ty chỉ sản xuất cầm chừng, không tăng ca nên chỉ nhận được lương cứng là khoảng 6 triệu. Về phần ăn ở, lý do vì sao không có chính sách hỗ trợ thì họ cũng không nói rõ. Thấy lương ít không đảm bảo cuộc sống nên các thanh niên tự bỏ về".

Ông Giang cũng cho biết thêm: "Công ty Vinaco thông báo, theo quy định thì lao động tự bỏ về nước thì coi như phá vỡ hợp đồng, không nhận được chính sách hỗ trợ gì. Tuy nhiên thấy người đồng bào khó khăn, họ hỗ trợ mỗi người 15 triệu đồng. Từ sự việc này, dẫn đến vận động người dân địa phương tham gia XKLĐ để cải thiện đời sống kinh tế là rất khó. Qua sự việc này, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có các biện pháp nắm chắc hơn về thị trường lao động; giới thiệu lao động đi làm việc phù hợp với thực tế học vấn chuyên môn và công việc…”.

Trung Thi