Bạc Liêu: Hỗ trợ không hoàn lại cho nhiều đối tượng đi XKLĐ
(Dân trí) - Năm 2019, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí không hoàn lại cho nhiều đối tượng.
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa công bố kế hoạch đưa lao động đi XKLĐ trong năm 2019.
Theo đó, tỉnh này phấn đấu đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng.
Cụ thể, TP Bạc Liêu: 40 lao động, thị xã Giá Rai: 50, huyện Hòa Bình: 40, huyện Vĩnh Lợi: 40, huyện Đông Hải: 50, huyện Phước Long: 40 và huyện Hồng Dân: 40.
Kế hoạch của UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, tỉnh sẽ thực hiện việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, hỗ trợ không hoàn lại với mức bình quân tối đa không quá 13,930 triệu đồng/lao động, gồm các khoản: Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại (1 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi cư trú hợp pháp đến địa điểm đào tạo, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, lao động thuộc các đối tượng là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy định, có mức hỗ trợ tối đa không quá 13,930 triệu đồng/lao động.
Lao động thuộc đối tượng khác, không thuộc các đối tượng nêu trên, có mức hỗ trợ tối đa không quá 6,965 triệu đồng/lao động (50% chi phí).
Tỉnh cũng hỗ trợ vay vốn cho người lao động, với mức cho vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và đơn vị tổ chức dành cho các đối tượng: Người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội; lao động thuộc các đối tượng khác lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngoài ra, những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có tài sản vay thế chấp, có thể được UBND tỉnh xem xét cho vay 100% chi phí xuất cảnh bằng nguồn vốn ủy thác.
Để triển khai có hiệu quả mục tiêu đặt ra, theo UBND tỉnh Bạc Liêu, cần xây dựng kế hoạch đào tạo ngoại ngữ, dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, giáo dục ý thức kỷ luật lao động nhằm tạo nguồn cung ứng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường lao động.
Tạo điều kiện cho các đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp gỡ người dân để tư vấn, tuyển lao động, cũng như để đào tạo nghề sát với thực tế công việc của phía đối tác nước ngoài yêu cầu.
UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ngoài đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ, cần lựa chọn các doanh nghiệp có đủ pháp lý và năng lực hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các thị trường có thu nhập ổn định.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát theo dõi để ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Huỳnh Hải