Phó Thủ tướng: "Bảo vệ trẻ em phải làm bằng trách nhiệm và lương tâm"
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần phải làm hết trách nhiệm và lương tâm để trẻ em được phát triển toàn diện.
Quyết liệt kéo giảm tình trạng trẻ em bị bạo lực
Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đưa ra tại Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ VII năm 2023 ngày 8/8, với sự tham gia của 188 gương mặt trẻ em tiêu biểu cả nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng nhận định trẻ em có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, trẻ em đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa ở Diễn đàn, trường lớp và ngoài xã hội. Do vậy, việc chăm lo, phát triển trẻ em cần được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp lắng nghe, xem xét và đáp ứng các ý kiến, nguyện vọng phù hợp của trẻ em, hỗ trợ trẻ em nhân rộng các sáng kiến, giải pháp bảo vệ trẻ em của chính các em nhỏ.
Đồng thời, làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật và lương tâm để hoàn thiện, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em ở các cấp, bảo đảm môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư ngân sách, nhân lực để kiểm soát và quyết liệt kéo giảm tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, bị xâm hại trên môi trường mạng, bị tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước…
"Tôi mong muốn các em nhỏ dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần này sẽ trở thành hạt nhân, luôn ghi nhớ 5 điều Bác Hồ dạy, là con ngoan, trò giỏi. Các em luôn biết nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng, trở thành công dân tốt, thực hiện tốt vai trò của mình", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, với trách nhiệm được Chính phủ giao, Bộ sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến, thông điệp, khuyến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia và Diễn đàn trẻ em các địa phương để cùng với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết.
Những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các em tại diễn đàn này được xem xét, tiếp thu, cập nhật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án liên quan tới trẻ em.
"Tôi mong muốn được lắng nghe các cháu chủ động nêu vấn đề, ý kiến, nguyện vọng, đóng góp các giải pháp, sáng kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Trẻ em sẽ cùng tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho chính bản thân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi mở.
Kiến nghị đưa nội dung an toàn môi trường mạng vào sách giáo khoa
Tại diễn đàn, các đại biểu trẻ em đã đọc và trao thông điệp Diễn đàn trẻ em quốc gia đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các em bày tỏ mong muốn được lãnh đạo các cấp lắng nghe, hiểu rõ các vấn đề của trẻ em và tác động tới trẻ em khi ra các quyết định.
Đồng thời, các em mong chờ sẽ có nhiều hơn chính sách và các hoạt động nâng cao nhận thức cho cha mẹ và trẻ em để phòng ngừa, ngăn chặn tảo hôn; tổ chức nhiều hơn hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Trong thông điệp, các em nhỏ cũng bày tỏ mong muốn các thầy, cô giáo nâng cao nhận thức của học sinh và gia đình về tầm quan trọng của việc học, động viên, hỗ trợ các em nhỏ có ý định bỏ học và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong học tập.
Các em mong muốn nhà trường xây dựng, nâng cao chất lượng phòng tham vấn học đường và hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Thành lập câu lạc bộ trẻ em nòng cốt trong trường học để kịp thời phát hiện và hỗ trợ giữa các học sinh khó khăn. Đưa nội dung an toàn trên môi trường mạng, bảo vệ trẻ em, giáo dục giới tính trong trường học vào sách giáo khoa.
Thông điệp Diễn đàn trẻ em quốc gia cũng đề nghị phát triển mạnh hơn các sản phẩm truyền thông thân thiện, hữu ích với trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, cần xây dựng tính năng kiểm duyệt và sàng lọc thông tin trên mạng; xử lý nghiêm những người lừa đảo và xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Sau diễn đàn, các em sẽ chia sẻ kết quả, nội dung này đến bạn bè ở địa phương; vận động và cùng nhiều trẻ em khác góp sức cùng các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện tốt quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em…