Kon Tum:

Nữ già làng ở ngã ba biên giới giúp dân học chữ, làm kinh tế

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Bà Y Pan tham gia hoạt động cách mạng từ thưở nhỏ. Ngày đất nước hòa bình, bà trở về làng Đăk Mế - ngay ngã ba biên giới ở Kon Tum - miệt mài vận động người Brâu học chữ, chăm làm kinh tế.

"Bám rừng" nuôi bộ đội

Nữ già làng Y Pan (SN 1930) là người Brâu, một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Bà năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng bà vẫn đi khắp làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) để giúp đỡ bà con, chăm sóc cà phê, cao su, hỏi thăm việc học tập của con cháu.

Theo chân anh Nguyễn Văn Hiền - Chính trị viên phó - Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, chúng tôi đến thăm nhà già làng Y Pan. 

Nữ già làng ở ngã ba biên giới giúp dân học chữ, làm kinh tế - 1

Nữ già làng Y Pan nhớ lại những năm tháng khó khăn khi hoạt động cách mạng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Sau ly nước trà đắng, bà Y Pan tâm sự, năm 4 tuổi, bà đã mồ côi bố mẹ. Lúc này, bà được một đơn vị cách mạng nuôi dưỡng. 

Lớn lên, bà tham gia hoạt động cách mạng. Thấy bà sáng dạ nên tổ chức đã cho bà Y Pan tập kết ra Bắc để học ngành y. Thời đó, bà là người hiếm hoi trong làng được đi học để biết cái chữ.

Đến năm 1974, Y Pan học xong và trở về phục vụ cuộc kháng chiến tại chiến trường Tây Nguyên. Từ những kiến thức học được, bà đã chữa trị vết thương cho hàng trăm bộ đội, người dân ở vùng biên giới Ngọc Hồi.

Nữ già làng ở ngã ba biên giới giúp dân học chữ, làm kinh tế - 2

Căn nhà nhỏ của già làng Y Pan được treo kín các bằng khen từ Trung ương đến địa phương (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thôn Đăk Mế nằm trên địa bàn chiến lược của ngã ba Đông Dương nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau mỗi trận địch càn quét. Bố mẹ của bà cũng mất trong những trận đánh bom của địch.

Trước sự tàn phá của quân địch, người Brâu đã cùng đoàn kết giúp bộ đội ra chiến trường, gùi bom đạn, lương thực xuyên qua những cánh rừng biên giới. Thanh niên khỏe mạnh đã hăng hái tham gia vào cách mạng", bà Y Pan nhớ lại.

Vận động dân xóa hủ tục, đi học cái chữ

Năm 1990, bà quay về lại thôn Đăk Mế để sinh sống. Đăk Mế ngày ấy còn nhiều thách thức bởi cái đói nghèo, mù chữ. Người dân vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu vào rừng săn bắn, hái lượm để sống qua ngày.

Từ những kiến thức trong thời gian hoạt động cách mạng, bà đã mạnh dạn thực hiện đổi mới trong tư duy phát triển kinh tế, bài trừ các tập quán, hủ tục lạc hậu.

Nữ già làng ở ngã ba biên giới giúp dân học chữ, làm kinh tế - 3

Những bộ trang phục truyền thống của người Brâu thường mặc trong dịp lễ hội được bà Y Pan cất cẩn thận (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Người Brâu ở Đăk Mế không biết cái chữ nên không thể đọc sách để học cách trồng lúa, trồng cây. Con cháu thì theo bố mẹ vào trong rừng sinh sống, không chịu đến trường. Tôi đã cùng với chính quyền địa phương lặn lội đến từng nhà vận động cho trẻ được đến trường.

Khi có lớp học, bà cũng làm phụ giảng và phiên dịch cho các giáo viên. Ban đầu, người dân cũng e ngại nhưng khi thấy tôi nhờ biết cái chữ mà trồng được cây lúa lớn, nuôi con heo béo nên mới yên tâm cho con đi học", bà Y Pan tâm sự.

Khi bà con biết cái chữ, nữ già làng đã cùng với Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng.

Đồng thời, bà cũng hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa cái đói, cái nghèo.

Khi Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum triển khai mở lớp dạy dệt thổ cẩm, bà cũng động viên phụ nữ trong làng tích cực học để giữ gìn nét văn hóa và có thêm nghề tăng thu nhập cho gia đình.

Già làng Y Pan còn tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn đối với đời sống người Brâu. Vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, đoàn kết và tích cực xây dựng kinh tế mới. Không nghe theo lời xúi giục của các đối tượng xấu.

Nữ già làng ở ngã ba biên giới giúp dân học chữ, làm kinh tế - 4

Người cháu được bà trân trọng nhất khi nối nghiệp bà trở thành bộ đội (Ảnh: Phạm Hoàng).

Bà Y Pan đã được dân làng tin tưởng bầu làm nữ già làng của thôn Đăk Mế. Vinh dự hơn khi bà được bầu là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đây là một điều rất tự hào. 

Trải qua hàng chục năm phát triển, thôn Đăk Mế giờ đây đã phát triển, hộ nghèo chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhà nào cũng có cà phê, mì hoặc cao su. Trung bình mỗi năm, các gia đình trong thôn Đăk Mế có thể thu hoạch 5-30 tấn cà phê.

Hiện nay, thôn Đăk Mế có trên 200 hộ, chủ yếu là người dân tộc Brâu với gần 450 khẩu. Từ chỗ cả làng không biết chữ đến nay đã có nhiều em đang theo học các trường đại học, cao đẳng.