1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Gia Lai:

Gặp nữ già làng “quyền lực” của người J’rai

(Dân trí) - Theo truyền thống cổ của người J’rai, người phụ nữ không được bước lên nhà rông, tiếng nói không có trọng lượng, không được đóng góp ý kiến… Vậy mà bà H'Blăm không chỉ được tôn làm lãnh đạo làng mà còn là người dám chống lại luật tục nhiều đời.

Nhiều thế kỉ đã trôi qua, đến nay chế độ mẫu hệ vẫn còn duy trì trong cộng đồng người J’rai ở Tây Nguyên. Mọi chuyện trong gia đình từ việc lên nương rẫy, dạy dỗ con cái, phân công lao động, chi tiêu tiền bạc… đều do người phụ nữ quyết định. Tuy nhiên, những việc lớn trong làng thì ngược lại, chỉ có những người đàn ông mới có quyền tham gia và quyết định, ngay cả chuyện bước vào ngôi nhà rông người phụ nữ cũng bị cấm. Chính vì vậy, người lãnh đạo làng - già làng phải là đàn ông chứ không thể là phụ nữ.

Vì vậy, hẳn phải là một người tài giỏi, quyết đoán, có tác động lớn với mọi người… thì bà H'Blăm (67 tuổi) mới được người dân làng Krông, xã Ia Mơr, Chư Prông, Gia Lai suy tôn lên làm già làng hàng chục năm nay.

Quả thật là như vậy, khi ở tuổi 15 (năm 1960), hầu hết các sơn nữ J’rai đã bắt cho mình một người chồng ưng ý về xây dựng gia đình, còn H'Blăm thì ngược lại. Dù được nhiều chàng trai ưng cái bụng, nhưng H'Blăm lại một mực dửng dưng và chọn cho mình con đường thoát ly đi theo cách mạng. Sinh ra và lớn lên bên núi rừng nên H'Blăm sớm được bộ đội giao nhiệm vụ làm giao liên, gùi công văn đến các cơ sở và tham gia vận chuyển lương thực thực phẩm, thuốc men…

Đến năm 1961, H'Blăm được cử ra Miền Bắc học tập. Sau 2 năm, bà trở về quê hương tham gia xây dựng cơ sở: “Sau khi mình bắt đầu tham gia cách mạng, rồi ra Bắc học tập, người dân trong làng cứ tưởng mình đã chết. Nên khi thấy mình xuất hiện tại làng, thì ai cũng bất ngờ, còn nghĩ mình là con ma nữa”, già H'Blăm nhớ lại. Cũng từ đó, già H'Blăm luôn băng rừng, lội suối làm công tác chính trị, tuyên truyền, vận động bà con đi theo cách mạng. Không chỉ vậy, già còn là một trong số ít các chiến sĩ người dân tộc thiểu số cùng quân giải phóng tham gia chiến đấu tại các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Pleime (tháng 11/1965), Đăk Tô- Tân Cảnh, Chư Pao…

Gi
Già H'Blăm giản dị ngồi kể chuyện vđời mình

Sau 25 năm phục vụ trong quân đội, già H'Blăm trở về quê hương với quân hàm thượng úy. Đó cũng là lúc toàn bộ tuổi xuân của già đã cống hiến cho sự nghiệp cứu nước của dân tộc. Những người cùng lứa với bà ai cũng “con đàn, cháu đống”, còn bà thì chỉ thui thủi một mình, không nhà cửa, đất đai. Thấy vậy, đồng đội cũ và dân làng đã chung tay dựng cho bà một ngôi nhà sàn khang trang ở làng Krông.

Rồi già được bầu vào làm Chi ủy viên của chi bộ xã. Có công việc ổn định, có lương hưu nhưng lúc nào già cũng luôn trăn trở trước cái nghèo của dân làng. Hầu hết người dân trong xã ngoài làm ruộng lấy lúa ăn thì chỉ biết thêm một nghề nữa là tìm vỏ bom, đạn để bán phế liệu lấy tiền. Không đành lòng nhìn thấy dân làng mình nghèo đói, già đã quyết tâm làm kinh tế. Không nhiều vốn, già liền mua bò về nuôi cho sinh sản, phát rẫy trồng mì. Chỉ vài năm sau, đàn bò của già đã lên hơn chục con và già trở thành người giàu gần nhất xã.

Nhìn vào kinh tế nhà già H'Blăm, nhiều người dân trong xã luôn muốn bắt chước học tập, nhưng khổ nỗi họ chẳng biết bắt đầu từ đâu. Thấy người dân làng mình và các làng bên cạnh muốn thoát khỏi cái đói, cái nghèo, già H'Blăm đã cho họ mượn bò về nuôi cho đến khi đẻ. Già sẽ lấy lại bò mẹ để người khác mượn, còn bò con thì cho gia đình đó nuôi lấy vốn làm ăn. Không chỉ vậy, già còn chỉ dạy cho bà con biết cách trồng cây gì để phù hợp với mảnh đất nhà mình đang sản xuất, nhiều gia đình thiếu vốn làm ăn, tiền đi viện… già đều cho mượn. Và có lúc số tiền mọi người nợ già lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng già không hề tới thu nợ: “Có đến lấy họ cũng không có để trả, nên mình cứ để vậy, tới lúc nào họ có thì họ mang tới nhà mình trả”, già H'Blăm cười nói.

2 anh em sinh
2 anh em sinh đôi Phok và Phek được già H'Blăm cứu thoát khỏi luật tục

Không chỉ giúp người dân làm kinh tế, già H'Blăm còn là một bà đỡ đẻ giỏi có tiếng trong vùng. Chính vì vậy, già đã dám đứng lên chống lại luật tục oan nghiệt đã ngấm sâu vào tiềm thức của người J’rai nơi đây là tục “sinh đôi giết một”. Đã nhiều năm trôi qua nhưng già vẫn còn nhớ như in câu chuyện: “Cách đây hơn chục năm, khi con gà đã lên chuồng thì mình nghe ở làng Klảr có tiếng chiêng buồn nên vội chạy đến. Thì ra H’Luynh vừa sinh ra 2 bé trai. Theo luật tục xưa nay thì song sinh là một sự bất thường, chỉ những người bị ma ám mới sinh đôi nên phải chôn sống một đứa, nếu không thì tai ọa sẽ ập lên đầu làng”.

Khi già làng Klảr đã quyết định, tiếng chiêng khấn Yàng được nổi lên, thì già H'Blăm vừa tới, cả làng liền dạt ra cho già vào. Ngay lập tức, già bế lấy 2 đứa bé và tuyên bố sẽ mang về nhà mình nuôi, không cho ai được giết cả và “nếu có tai họa thì tôi sẽ gánh chịu”. Trước sự kiên quyết của già, những người lớn tuổi trong làng đều lắc đầu nói “không, tục của người J’rai xưa nay là vậy rồi, không thể làm khác được”.

Phải mất một hồi lâu thuyết phục và tuyên truyền, cộng với những lời giải thích của bộ đội biên phòng thì già H'Blăm mới giữ được mạng sống của 2 đứa trẻ tội nghiệp cùng với lời hứa của già: “Nếu tai họa ập xuống, làng Klảr bị dịch bệnh, thì tôi sẽ nộp trâu, bò phạt vạ cho làng”. Trước sự quyết tâm của già H'Blăm, dân làng đã để cho già mang 2 đứa trẻ về nuôi.

Vài tháng qua đi, 2 đứa trẻ vẫn sống mà không ai bị gì, nên cha mẹ 2 đứa trẻ đã mang con mình về nhà nuôi và đặt tên là Phok và Phek. Đến nay, 2 cậu bé này đã là học sinh cấp 2.

Cũng từ đó, hủ tục “sinh đôi giết một” đã bị già làng H'Blăm tiêu diệt, mà bằng chứng rõ ràng nhất là cuộc sống khỏe mạnh của cả dân làng và 2 đứa trẻ.

Trước sự hiểu biết sâu rộng và những việc làm to lớn của mình, đến năm 1998, già H'Blăm được toàn thể dân làng Krông nhất trí bầu lên làm già làng. Cũng từ đó, mọi tiếng nói của già trong làng luôn được người dân đồng tình nghe theo cho đến tận bây giờ. Sự kiện già H'Blăm được lên làm già làng, nó cũng chính là chuyện hiếm có ở các buôn làng Gia Lai, bởi từ trước tới nay chỉ có đàn ông mới được chọn làm già làng, mới có tiếng nói trong làng, mới được bước lên nhà rông. Nhưng từ khi già H'Blăm được chọn làm già làng thì những định kiến trước đây đã chấm dứt, người phụ nữ không chỉ được nói lên ý kiến của mình mà họ còn được bước lên nhà rông - ngôi nhà “quyền lực” nhất ở mỗi buôn làng Tây Nguyên.

Thiên Thư