Gia Lai:
Nữ già làng đặc biệt "có một không hai" của bản làng Krông
(Dân trí) - Già Ksor H’Lâm (làng Krông, Chư Prông, Gia Lai) đã dành trọn đời mình cho kháng chiến. Hòa bình, với vai trò là nữ già làng, bà phối hợp với chính quyền giúp bà con xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế.
Nữ già làng “nói đi đôi với làm”
Già Lâm (Ksor H’Lâm) là một trong những nữ già làng hiếm hoi trên vùng Tây Nguyên. Bởi nhẽ, chức già làng thường là do những người đàn ông lớn tuổi, được dân làng tin tưởng bầu lên, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của bà con…
Tuy nhiên, với những đóng góp to lớn giúp cho làng Krông nói riêng và xã biên giới Ia Mơ khởi sắc, bà đã được dân làng bầu giữ vai trò trưởng làng trong hàng chục năm qua.
Ở tuổi 71 nhưng sức bà H’Lâm luôn mãi xanh. Hàng ngày, già vẫn cùng bộ đội biên phòng đi cả chục cây số đường rừng để tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền, tuyên truyền người dân không được vượt biên.
Mỗi lần đi tuyên truyền, già Lâm luôn giải thích cặn kẽ cho dân làng “sáng cái dạ”, không nghe lời kẻ xấu mà vượt biên trái phép hay buôn bán các chất trái phép qua biên giới.
Già Ksor H’Lâm nhớ lại, năm 1962, lúc đó già Lâm đang ở tuổi 16, vì lòng căm thù giặc thiếu nữ Lâm năm ấy đã nộp đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Cô gái trẻ được giao nhiệm vụ làm giao liên, gùi công văn, rồi về làm hậu cần, đi vận tải, cáng thương binh, chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí thuốc men, dẫn đường cho các chiến sĩ.
Cô gái trẻ với dáng người mảnh khảnh nhưng đã vượt qua “mưa bom, bão đạn” của giặc Mỹ để vận chuyển hàng ngàn thư mật mà không mảy may khiến bọn giặc nghi ngờ, liên tục lập chiến công xuất sắc. Năm 1967, già Lâm được gửi ra miền Bắc học văn hóa, chính trị, quân sự rồi về quê đánh giặc...
Sau 25 năm trong quân đội, già Lâm trở về quê nhà thì nghe tin hai người em ruột của mình là Ksor Nhơn và Ksor Dchếch đi thanh niên xung phong và đã hy sinh. Già Lâm lúc ấy mới 30 tuổi, đã quyết định không lập gia đình, dồn hết sức trẻ của mình để giúp buôn làng Krông phát triển trên đống đổ nát của chiến tranh để lại.
“Do giặc Mỹ liên tục dội bom vào làng Krông nên lúc đó làng tan hoang, vắng vẻ lắm. Cuộc sống bà con đồng bào hết sức khó khăn, chỉ dựa vào hái lượm để kiếm ăn. Cũng vì trình độ dân trí thấp nên vẫn còn nhiều hủ tục làm nhiều người chết oan… vì dân làng hồi đó chỉ tin sự phù hộ của Yàng, bệnh tật chữa bằng cách cúng ma”, già Lâm tâm sự.
Năm 1998, lúc đó làng Krông chưa có già làng, bà con dân bản đã họp lại tìm ra người có uy tín để dẫn dắt cả làng thoát nghèo. Và già Lâm được tin tưởng giao trọng trách. Dân làng đều bảo nhau: “Cái Lâm nó biết chữ, biết làm giàu cho nó làm già làng thì nó mới giúp dân mình khỏi cái đói được. Ưng cái bụng Yàng thì Yàng mới cho mùa màng bội thu được…”. Đây cũng là một khá điều đặc biệt, rất lạ và hiếm, vì theo tập tục thì già làng thường là đàn ông. Và kể từ đó Tây Nguyên có nữ già làng, một nữ già làng giúp dân thoát nghèo đói và hủ tục lạc hậu
“Trái lệ Yàng”, cứu sống 2 cháu bé
Với cương vị mới là nữ già làng Tây Nguyên, già Lâm đã bắt tay áp dụng những kiến thức mình đã học vào thực tiễn, tìm tòi hỏi học hỏi những mô hình mới để đưa về áp dụng khai hoang khu vực biên giới.
Trong công tác phát triển kinh tế địa phương, già Lâm đã cùng với đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơ đưa cả đàn bò nhà mình qua các làng Krông, làng Klă, làng Hnáp… để cho bà con mượn con giống, tạo nguồn vốn ban đầu. Khi nào bò đẻ thì bà con được giữ lại con bê, sau đó già Lâm lại cho người khác mượn bò giống.
Ngoài ra già Lâm còn hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước thay vì lúa rẫy như thời xưa, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp mì để hỗ trợ thêm sinh hoạt hằng ngày.
Trong công các dân vận, già Lâm luôn đi đầu trong tuyên truyền chị em đồng bào thiểu số về chính sách kế hoạch hóa gia đình. Với vai trò là nữ già làng, già Lâm luôn phối hợp với bà con nhân dân cùng tham gia vào công tác bảo đảm an ninh biên giới. Tuyên truyền cho bà con không được nghe lời kẻ xấu kích động, xúi giục vượt biên trái phép, không phá rừng làm nương rẫy, kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương khi phát hiện người lạ mặt ra vào làng.
Do sống gần bà con đồng bào nên già Lâm luôn là “địa chỉ vàng” để mỗi khi có chuyện thì những người dân các làng Khôi, làng Hnáp, làng Klă, làng Ring... đều nhờ bà can thiệp giải quyết.
Với vai trò là già làng trong thời đại mới, già Lâm luôn tuyên truyền cho bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện tiết kiệm trong các dịp ma chay, cưới hỏi nhưng vẫn gìn giữ và phát huy những lễ hội tập quán của buôn làng.
Già Lâm còn có 2 người con nuôi sinh đôi là Rơ Châm Phót và Rơ Châm Phét (nay đã lên 15 tuổi) gắn với một câu chuyện đặc biệt. Trước đây theo hủ tục, trong làng nhà ai sinh đôi thì phải bóp chết một đứa nếu không hai đứa sẽ cùng chết. Khi nghe tin vợ chồng anh Siu Tróc và vợ Rơ Châm Thon sinh đôi, già H’Lâm đã vội vàng chạy đến ôm 2 cháu bé còn đỏ hỏn vào trong làng và la lớn: “Không ai được giết các cháu. Sinh được con ra mạnh mẽ là cái phúc mà Yàng đã ban cho gia đình rồi. Hồi xưa, vì nghèo đói không có gạo, không có muối nên con chết đói. Giờ dân có cái ăn rồi phải để 2 cháu sống, sau còn còn góp sức giúp bảo vệ làng”.
Tuy nhiên, dân làng luật tục còn nặng nên không ai dám nghe theo vì sợ Yàng. Sau nhiều ngàygià Lâm vận động từng người trong dân làng và nhận 2 cháu làm con nuôi, hứa sẽ chịu trách nhiệm, lúc đó dân mới tin tưởng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Chủ tịch xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai) cho biết: “Nữ già làng Ksor Lâm tuy là phụ nữ nhưng luôn là đi đầu trong công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước tới tay người dân. Ngoài ra, già luôn liên kết chặt chẽ với đội địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơ để giúp dân thoát nghèo bền vững. Nhiệt tình tham gia vào công tác bảo đảm an ninh-trật tự trên địa bàn và tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc cùng với lực lượng biên phòng…”.
“Già H’Lâm nói dân tin, làm dân hiểu. Những việc dân đồng bào chưa biết làm thì già trực tiếp xuống ruộng dạy cho dân trồng lúa, dẫn nước về để làm 2 vụ. Đối với những người lầm đường lạc lội vượt biên được già vận động trở về quê hương, tu chí làm ăn cùng với gia đình”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Phạm Hoàng