DNews

Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Gắn bó với công tác xóa đói, giảm nghèo của người dân, nữ cán bộ trẻ Lăng Thị Thơ trăn trở làm thế nào để tiêu thụ được nông sản của bà con. Từ đó, Thơ lên kế hoạch khởi nghiệp với heo dẻo mắc mật.

Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp

Làm nghề tay trái kiếm tiền triệu mỗi ngày

Tan giờ làm hành chính với vị trí cán bộ công chức văn hóa - xã hội, Lăng Thị Thơ (thôn Bản Lếch, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) lại bắt tay với công việc mới: sản xuất, kinh doanh.  

Sinh ra và lớn lên tại vùng miền núi còn khó khăn, gắn bó với công tác xóa đói giả nghèo, Thơ luôn trăn trở về làm thế nào để kinh tế địa phương phát triển. 

Với mong muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng, riêng có của tỉnh Lạng Sơn, cô gái Tày Lăng Thị Thơ đã nghiên cứu thị trường cũng như những loại gia vị sẵn có của tỉnh để tạo ra sản phẩm mới mang tên heo dẻo mắc mật.  

Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp - 1
Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp - 2

Theo Thơ, Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Bắc, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo. Mắc mật là cây gia vị đặc trưng của tỉnh, tạo nên thương hiệu nổi tiếng với các món ăn như heo quay mắc mật, vịt quay mác mật, tuy nhiên giá trị kinh tế của cây mắc mật chưa cao…. 

Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, Thơ đã nghiên cứu và chế biến món heo dẻo mắc mật bằng sự kết hợp giữa thịt heo tươi và mắc mật với mục tiêu thúc đẩy chăn nuôi heo tự nhiên, bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế của cây mắc mật. 

"Mình thấy, quả và lá mắc mật thêm vào quá trình chế biến giúp các món ăn thêm bùi, béo, mùi thơm đặc trưng, hấp dẫn nên quyết định lựa chọn kết hợp giữa lá, quả mắc mật với thịt lợn để tạo ra sản phẩm heo dẻo mắc mật", Thơ chia sẻ. 

Theo cô gái, sản phẩm thịt sấy khá phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng nên cô và chồng đã "vắt óc suy nghĩ" để chế biến ra dưới dạng dẻo, còn giữ được độ mềm của thịt. 

Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp - 3

Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, Thơ đã nghiên cứu và chế biến món heo dẻo mắc mật bằng sự kết hợp giữa thịt heo tươi và mắc mật (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Quá trình chế biến sản phẩm heo dẻo mác mật được Thơ bắt đầu từ tháng 3/2023.  

"Ban đầu tôi tẩm ướp thịt với rất nhiều loại gia vị như: Gừng, mắc mật, hành, tỏi, tiêu, ớt, mắc khén, hạt dổi… khi trộn nhiều loại gia vị với nhau thì thành phẩm tạo ra có hương vị rất đậm đà nhưng không tạo được đặc trưng riêng. Chính vì vậy, tôi đã nghiên cứu và loại bỏ dần từng loại gia vị, gia giảm thêm hạt nêm, đường, muối…", cô gái trẻ cho hay. 

Sau hàng chục lần thử nghiệm, đến tháng 7/2023 mới cho ra công thức chuẩn để chế biến sản phẩm phù hợp. Thơ cũng mạnh dạn gửi sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia (Cầu Giấy, Hà Nội) để xác định các chỉ tiêu chất lượng. Kết quả sản phẩm heo dẻo mắc mật đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp - 4
Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp - 5

Tại vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn, cuộc thi cấp quốc gia Dự án Khởi nghiệp Xanh năm 2023, dự án heo dẻo mắc mật của Thư được ban giám khảo đánh giá cao bởi tính thực tiễn và khả năng phát triển mô hình.  

Dự án đạt giải khuyến khích và 3 giải phụ gồm: Giải chụp hình sản phẩm chuyên nghiệp, giải tư vấn về sở hữu trí tuệ, phiếu mua sắm vật tư nông nghiệp. 

"Mình rất vui khi vừa khởi nghiệp đã nhận được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong tỉnh và cấp quốc gia. Đây cũng là động lực để mình vững tin hơn vào khởi nghiệp và mong muốn mở rộng sản xuất, giúp quảng bá, tiêu thụ những nông sản quê hương, tạo công ăn việc làm cho bà con", Lăng Thị Thơ chia sẻ.  

Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp - 6

Dự án của Thơ đạt nhiều giải thưởng tại Vòng chung kết cuộc thi dự án Khởi nghiệp xanh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hạnh phúc vì được đi học, khởi nghiệp  

Sinh ra trong gia đình có hai chị em (một gái, một trai) dù bố mẹ không có tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng Thơ cũng từng bị áp lực bởi tư tưởng của một số người. 

"Cách đây hơn 10 năm khi mình đi học đại học, một số ý kiến dèm pha. Người ta cho rằng phụ nữ nên an phận ở nhà lấy chồng, sinh con, học hành làm gì cho tốn kém. Họ cũng không tin phụ nữ có thể khởi nghiệp tốt. Nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của gia đình, mình đang chứng minh năng lực của bản thân. Giờ đây, người dân cũng thay đổi cách nhìn về phụ nữ đi học và khởi nghiệp nhiều rồi", Thơ cho hay. 

Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp - 7

Cô gái người Tày Lăng Thị Thơ mong muốn mở rộng sản xuất, giúp quảng bá, tiêu thụ những nông sản quê hương, tạo công ăn việc làm cho bà con (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thơ chia sẻ may mắn khi được bố mẹ ủng hộ và tạo điều kiện cho đi học. Sau khi tốt nghiệp ngành công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên vào năm 2015, Thơ đi làm công ty được hơn một năm.

Mỗi ngày, cô gái trẻ luôn nỗ lực để mình trở nên tốt hơn. Đến đầu năm 2017, Thơ được nhận công tác tại một UBND xã biên giới của tỉnh Lạng Sơn. 

Nữ cán bộ người Tày hạnh phúc khi được bình đẳng đi học, khởi nghiệp - 8

Bài thơ về heo dẻo mắc mật do Lăng Thị Thơ sáng tác (Ảnh: NVCC).

"Vừa làm việc trong UBND vừa khởi nghiệp cũng vất vả lắm nhưng mình hạnh phúc vì điều này.

Mình cũng mong những cô gái dân tộc sống ở vùng khó khăn như mình sẽ mạnh mẽ chứng minh năng lực của bản thân bởi việc đi học, đi làm, khởi nghiệp, kinh doanh... không quan trọng bạn là nam hay nữ", cô gái Tày Lăng Thị Thơ nói. 

Bà Nông Thị Sanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bắc Hùng - đánh giá cao tinh thần dám nghĩ dám làm của Lăng Thị Thơ.

Bà Sanh đánh giá sản phẩm của Thơ mang đến một nét mới lạ nhưng vẫn đặc trưng đặc trưng ẩm thực của tỉnh Lạng Sơn.

Theo bà Sanh, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách hỗ trợ Thơ trong việc vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm hơn.

Sản phẩm khởi nghiệp của cô gái Tày vượt qua định kiến giới (Video Clip: Khoa Lương).