Nữ bảo vệ lương 6 triệu, tiến sĩ thu nhập gấp 7 cùng phải nhịn... sinh con
(Dân trí) - Thu nhập thấp, tiền kiếm chỉ đủ nuôi thân, Yến nghe nhiều người nói "nghèo cũng ráng đẻ đứa con" nhưng cũng có người cản "dẹp đi bà ơi".
Làm chỉ đủ nuôi thân có nên ráng?
N.H.Yến, 27 tuổi, quê Tiền Giang, là nhân viên bảo vệ tại một chung cư ở TP Thủ Đức, TPHCM.
Trước đây, Yến học trung cấp điều dưỡng, đã đi làm một thời gian. Nhưng ngoài mức lương điều dưỡng thấp, Yến còn bị ám ảnh tâm lý về môi trường làm việc chen chúc ồn ào, xung quanh toàn người bệnh ở bệnh viện.
Cô bỏ nghề điều dưỡng, đi làm tự do một vài nơi trước khi tạm ổn định với công việc bảo vệ gần 3 năm nay. Bạn trai của Yến thời điểm đó thất nghiệp vì dịch bệnh Covid-19 cũng xin vào làm bảo vệ cùng công ty bạn gái. Hai người kết hôn vào đầu năm 2022.
Yến cho biết, mức lương bảo vệ nơi cô làm chỉ 6,5-7 triệu đồng/tháng cho ca làm việc ngày 12 tiếng. Trừ các khoản chi phí ăn uống, sinh hoạt, cô gái để dành mỗi tháng được 1,5-2 triệu đồng. Khi có việc phát sinh, lôi ra dùng là lại... trắng tay.
Chồng Yến có mức thu nhập tương đương nhưng gần như không có tiền để dành đàn ông hay phụ trội khoản tiêu pha, nhậu nhẹt, lại còn có gánh nặng gia đình ở quê.
"Hiện tại, chúng tôi chưa mất chi phí tiền thuê trọ do công ty bố trí chỗ ở cho nhân viên. Nếu phải thuê phòng trọ, gần như tiền làm ra chỉ đủ nuôi thân, có khi "âm", Yến nói.
Cưới nhau gần 2 năm, Yến nhiều lần tự hỏi với điều kiện của mình liệu có nên sinh con. Nếu sinh con, vợ chồng cô sẽ phải tìm nhà trọ, rồi thêm nhiều khoản chi phí khác.
Nhiều người nói với Yến "nghèo đến mấy cũng ráng đẻ đứa con", "đẻ đi rồi nuôi được tất" nhưng cũng có người hỏi thẳng "rồi lấy gì nuôi con?".
Yến thừa nhận bản thân không giỏi giang, nhanh nhẹn, tính an phận. Làm thêm hay kiếm công việc khác có thu nhập cao hơn là chuyện không dễ dàng. Còn mong chờ vào chồng, Yến lắc đầu.
Cách Yến làm lúc này là kế hoạch, hết sức cẩn thận để không dính bầu vì biết rõ điều kiện của mình chưa thể lo nổi cho một đứa trẻ khi tiền kiếm được chỉ đủ nuôi thân, tương lai không mấy sáng sủa.
Đi cùng đó là nỗi dằn vặt của cô: "Chẳng lẽ vì nghèo mà tôi không nên sinh con, chúng tôi sẽ không thể làm mẹ, làm cha?"
"Trời sinh voi, trời có sinh đủ cỏ?"
Không chỉ những người thu nhập thấp như Yến mà nhiều phụ nữ trẻ thành đạt có mức thu nhập cao, thậm chí 30-40 triệu đồng/tháng hiện cũng e dè về việc sinh con.
Có nhiều lý do "ngăn" việc sinh con với người trẻ hiện đại, đặc biệt là với nữ giới. Với nhiều người, sinh con là việc chưa sẵn sàng, để tập trung phát triển sự nghiệp, quan niệm về cuộc sống, sinh con đẻ cái đã thay đổi... Bên cạnh đó, thực tế, điều mà nhiều người lo sợ việc sinh con la bài toán "không đủ cỏ cho voi".
Câu tục ngữ "trời sinh voi sinh cỏ" nay đã bị phủ nhận quyết liệt bởi thực tế bao nhiêu điều kiện cần thiết, tiêu tốn để lo cho một đứa trẻ. Nào chăm mẹ bầu, khám thai, sinh nở, nào sữa nào bỉm, nào quần áo, đồ dùng, thậm chí cả người giúp việc...
Lớn hơn chút là tiền sách vở, học hành, đưa đón, chi tiêu và ti tỉ khoản khác không thể gọi thành tên khi nuôi dạy con.
"Nghèo có nên sinh con?", câu hỏi của Yến là một thực tế nhiều người đang phải đối mặt. Xét trên bình diện xã hội, không ai có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Mỗi người đều phải cẩn trọng khi hô hào người khác "cứ đẻ đi" hay buông lời răn đe "đừng đẻ".
Trong chương trình ra mắt cuốn sách "Làm cha làm mẹ - nội lực bình an cho con" cách đây không lâu, tác giả Huỳnh Chí Viễn, một chuyên viên tâm lý, cũng nhận được câu hỏi "nghèo có nên sinh con" của một cô gái trẻ.
Cô gái cũng nhắc đến những trường hợp đau lòng khi trẻ sinh ra trong nghèo khó, không có điều kiện học hành, đối mặt với nhiều nguy cơ bị bạo hành, nguy cơ không an toàn, gia đình khủng hoàng, bố mẹ trầm cảm...
Ông Huỳnh Chí Viễn đáp: "Chúng ta không ai có thể trả lời thay cho ai về câu hỏi này".
Chuyên viên tâm lý này nêu quan điểm cá nhân, để đón một đứa trẻ chào đời ít nhất cần có sự chuẩn bị về tài chính để đảm bảo cho con những nhu cầu cần thiết nhất để phát triển.
"Trước đây, khi gặp những đứa trẻ ăn xin, đánh giày, bán vé số, hàng rong tôi rất thương cảm. Sau khi có con, làm bố thì với tôi, đó không chỉ là sự thương cảm mà còn là nỗi dằn vặt tự hỏi những đứa trẻ ấy cũng như con mình, sao chúng không được trao những điều kiện tối thiểu nhất để phát triển?", vị chuyên viên tâm lý trải lòng.
Trong cuốn sách của mình, ông Huỳnh Chí Viễn nhấn mạnh thời điểm thích hợp có con là khi đã sự chuẩn bị tốt về 3 yếu tố gồm tâm lý, sức khỏe và tiền bạc.
Theo số liệu từ Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của TPHCM liên tục giảm. Năm 2000, tổng tỷ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến nay con số này chỉ còn 1,39 con, mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con.
Nếu như năm 2000, tỷ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2022, con số này chỉ còn 1,39.
Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 là 1,6 con/phụ nữ.