Những vấn đề trẻ em là "con một" thường gặp phải
(Dân trí) - Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em là con một thường gặp phải những vấn đề gì?
Trong cuộc sống, chúng ta hay bắt gặp những nhận định tiêu cực về con một, chẳng hạn như con một dễ có xu hướng ích kỷ, đề cao nhu cầu bản thân, quen được cha mẹ nuông chiều, luôn muốn mình là ưu tiên hàng đầu, là trung tâm của mọi sự chú ý... Con một cũng thường bị cho là kém giao tiếp hơn, kém hòa đồng, gặp khó khăn trong việc kết bạn.
Dù vậy, đây chỉ là những nhận định chủ quan và phiến diện, còn theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em là con một thường gặp phải những vấn đề gì?
Con một thường khao khát có mối quan hệ gắn kết
Trong quá trình tư vấn tâm lý cho những khách hàng là con một, chuyên gia tâm lý người Mỹ Rebecca Greene nhận thấy rằng, con một thường cảm thấy cô đơn, bởi không có những mối quan hệ anh chị em ruột thịt trong gia đình.
"Trưởng thành trong những gia đình có ít thành viên khiến con một có ít lựa chọn để chia sẻ những vui buồn. Những dịp lễ, Tết dài ngày càng khiến con một cảm thấy cuộc sống của mình khác biệt, bởi không khí trong gia đình thường rất khác so với những gì được khắc họa trong phim ảnh hay trên truyền hình về những gia đình đông đúc sum vầy", chuyên gia Greene cho hay.
Ở tuổi trưởng thành, con một có xu hướng tìm kiếm những mối quan hệ bạn bè thân thiết, khiến họ cảm thấy gắn bó như thể anh chị em ruột.
Theo chuyên gia Greene, đối với những gia đình có con một, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ kết bạn, chào đón bạn của trẻ đến chơi vào những dịp lễ, Tết hay dịp kỷ niệm đặc biệt của trẻ. Điều này sẽ giúp gia tăng niềm vui, giảm bớt cảm giác cô đơn của trẻ.
Con một thường cảm thấy áp lực trước tuổi già của cha mẹ
Chuyên gia tâm lý Rebecca Greene cho biết những khách hàng là con một khi tìm đến cô để được tư vấn tâm lý, họ thường cảm thấy áp lực, căng thẳng vì cha mẹ già bắt đầu suy giảm sức khỏe. Sự việc sẽ càng khó khăn hơn, nếu con một đang sống xa cha mẹ.
Theo chuyên gia Greene, ở thời điểm phù hợp, cha mẹ nên cùng con và bạn đời của con thống nhất trước về kế hoạch cuộc sống của đôi bên, khi cha mẹ đã lớn tuổi và sức khỏe giảm sút.
Kế hoạch này cần được thống nhất từ khi cha mẹ còn khỏe mạnh, minh mẫn để đôi bên vẫn ở trạng thái lý tưởng và cùng vạch ra một kế hoạch chung. Điều này sẽ giúp đôi bên cùng có sự chuẩn bị về tâm lý, nguồn lực và những kỳ vọng từ hai phía cũng trở nên thống nhất, rõ ràng, cụ thể.
Con một thường tự đặt áp lực phải hoàn hảo
Con một thường nhận được sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ của cha mẹ, vì vậy, mối quan hệ giữa cha mẹ và con một có thể gắn kết hơn. Dù vậy, con một cũng dễ có cảm nhận rằng từng động thái của mình đều bị cha mẹ theo sát.
Chuyên gia tâm lý người Mỹ Altheresa Clark cho biết những đứa trẻ con một có thể cảm thấy áp lực vì cha mẹ dồn tất cả mọi kỳ vọng vào mình. Con một thường tự thúc ép, tự tạo áp lực cho bản thân để đạt được những thành tích ấn tượng, khiến cha mẹ hài lòng. Lâu dài, điều này dễ khiến con một bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo.
Việc không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo có thể khiến trẻ em là con một thường dễ lo lắng, dễ thất vọng khi không đạt được mục tiêu "hoàn hảo" của mình.
Con một có thể rất độc lập
Trẻ em là con một thường có tính độc lập rất cao, đây vừa có thể là điểm mạnh, cũng có thể là điểm yếu của trẻ. Chuyên gia tâm lý người Mỹ Priya Tahim cho biết, điểm mạnh ở con một chính là khả năng tự xoay xở, sự tự tin, tự chủ. Con một thường biết cách tự vui một mình, có tính trách nhiệm cao, khả năng suy nghĩ sáng tạo.
Dù vậy, đôi khi những người xung quanh có thể thấy rằng, những trẻ là con một có cách cư xử hơi "hách dịch", thích chỉ huy, luôn muốn làm mọi việc theo ý mình. Để cải thiện những yếu điểm này, cha mẹ có con một hãy giúp con cải thiện kỹ năng giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm.