DNews

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây

Nguyễn Vy Loan Tô

(Dân trí) - 0h mỗi ngày, khi tiếng nhạc và mớ ánh sáng xanh đỏ rộn lên ở phố Tây Bùi Viện (quận 1, TPHCM), đó cũng là thời điểm những đứa trẻ đường phố bắt đầu công việc phun lửa, mua vui.

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây

LỜI TÒA SOẠN

"Sài Gòn không bao giờ ngủ và đêm Sài Gòn không bao giờ đủ" là câu nói đã thành quen thuộc mà người dân và du khách dùng để tả về TPHCM, thành phố lớn nhất, đầu tàu kinh tế cả nước. Thành phố muôn màu, rực rỡ về đêm, không lúc nào ngớt tiếng người, xe, cả cảnh vui chơi và mưu sinh.

Để phục vụ cuộc sống sau 0h ấy, bao người vẫn tươi cười, đón khách, gom nhặt từng đồng trên hè phố.

Dân trí thực hiện tuyến bài về cuộc sống của những người mưu sinh lúc nửa đêm, để thấy cuộc sống của thành phố không ngủ, nơi cơ hội mở ra với mọi người.

0h, Khang (12 tuổi, quê Tiền Giang) bước ra giữa đường, phồng má ngậm một ngụm dầu lớn rồi châm lửa vào chiếc đũa sắt quấn vải đã chuẩn bị trước. 

Nhóm du khách đứng quanh từ từ lùi ra xa. Vài giây sau, ở khoảng không gian vừa giãn ra đó bùng lên cột lửa thổi ra từ miệng cậu bé, rực sáng đến tận tầng 2 của một vũ trường. Đoạn phố rộ lên tiếng hò reo, trầm trồ như chiêm ngưỡng một buổi biểu diễn xiếc chuyên nghiệp.

Sau 2 phút diễn lửa mua vui, Khang cầm chiếc lon sắt đi vòng khắp con phố. Khách vui vẻ, thương tình sẽ bỏ vào đó những tờ tiền lẻ. Tất nhiên, không hiếm lượt diễn kết thúc với chiếc lon rỗng không. "Đây là công việc mưu sinh và phải chấp nhận điều ấy", Khang cười vô tư.

Cứ thế, mỗi ngày, từ 0h, khi tiếng nhạc và mớ ánh sáng xanh đỏ rộn lên ở phố Tây Bùi Viện (quận 1, TPHCM), đó cũng là thời điểm những đứa trẻ như Khang bắt đầu hành trình mưu sinh.

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 1

Phố Tây Bùi Viện là khu vực tập trung đông đúc khách du lịch vui chơi vào thời điểm khuya (Ảnh: Hải Long).

Ngậm xăng, phun lửa sau 0 giờ

Thổi lửa, hay biểu diễn phun lửa là một bộ môn nghệ thuật bắt nguồn từ nghề sản xuất rượu ở Ba Tư cổ đại. Ngày nay, nghề diễn này thịnh hành, trở thành nghề mưu sinh trên đường ở các thành phố lớn.

Tại TPHCM, ít năm trở lại đây, hình ảnh những đứa trẻ ngậm xăng, múa lửa đã trở nên quen thuộc với khách du lịch. Những đứa trẻ sau khi biểu diễn sẽ trực tiếp xin tiền hoặc bán một vài món hàng để mưu sinh. Ngoài ra, nhằm tạo sự hấp dẫn cho trò diễn, bọn trẻ còn làm thêm đôi ba màn ảo thuật như nuốt rắn, nhai dao lam, bóng đèn…

Vừa cúi gập người cảm ơn, Khang vừa lấy tay quẹt vết dầu còn dính trên miệng. Thấy nhóm khách ngạc nhiên nhìn chiếc cằm lấm lem của mình, cậu bé mỉm cười cho biết là đôi lần bất cẩn bị phỏng khi phun lửa nhưng không thoa thuốc.  

"Con mới thổi lửa được vài ngày thôi. Mấy tháng trước con đi bán vé số, kẹo ngậm nhưng ít người mua. Thấy các bạn thổi lửa có tiền hơn, con xin theo học vài buổi là làm được", Khang nói.

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 2

Nhiều đứa trẻ ra Bùi Viện để mưu sinh, kiếm tiền nhờ nghề phun lửa, mua vui (Ảnh: Hải Long).

Tương tự, hai tháng trước, sau khi xem xong vài clip trên mạng xã hội, Tài (16 tuổi, ngụ tại quận 2, TPHCM) cũng tập tành học thổi lửa. Qua những lần thất bại, cậu bé đã thành thục chiêu thức giúp bản thân không bị phỏng. Mỗi đêm, Tài cùng Khang hành nghề mưu sinh và cùng trở về sau mỗi đêm diễn.

Sau nửa đêm, khi khách du lịch đổ tới đông kín phố Bùi Viện đông đúc là lúc thích hợp cho những đứa trẻ đường phố bắt đầu một ngày mưu sinh, kiếm tiền. Mỗi đêm như thế, một đứa trẻ sẽ có thể thổi lửa 10-15 lượt, kiếm 200.000-400.000 đồng.

Nhưng thị trường nào cũng có cạnh tranh, những đứa trẻ đường phố thường xuyên đối mặt tình trạng cự cãi, tranh giành địa bàn nên phải lập nhóm, nương tựa vào nhau.

"So với công việc cũ (bán vé số, nhặt ve chai), bây giờ tụi con kiếm được nhiều tiền hơn, thỉnh thoảng gặp khách sộp cho hẳn 100.000 đồng nên vất vả tí cũng được", Khang kể.

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 3
Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 4

Những đứa trẻ lớn lên từ đường phố

Vừa lọt lòng, Khang đã mất mẹ. Bà ra đi sau cuộc vượt cạn cửa tử. Lên 4 tuổi, cha cậu quyết định sang Campuchia làm ăn rồi đi luôn từ đó, không trở về. 

Học hết lớp 3, Khang xin bà Nội đi bán vé số ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Vài tháng sau, không đủ chi phí sinh hoạt, cậu bé lại bắt xe đò lên TPHCM kiếm việc. 

"Khoảng thời gian mới lên thành phố, con xin vào phụ các quán nhậu để kiếm tiền. Đến tối thì ngủ ở tiệm game hoặc công viên nếu không có tiền", Khang chia sẻ.

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 5

Khách du lịch không khỏi thích thú trước những màn biểu diễn phun lửa của những đứa trẻ (Ảnh: Hải Long).

May mắn, sau khi học được nghề thổi lửa, Khang và Tài đã đồng hành cùng nhau. 20h, hai đứa trẻ sẽ mang đồ nghề ra đường Vĩnh Khánh (quận 4, TPHCM) thổi lửa, sau đó tiếp tục di chuyển về phố tây Bùi Viện, làm đến 2h sáng. 

"Khách vãn hết thì tụi con sẽ đạp xe về quận 2 để ngủ hoặc ra quán game", Tài nói.

Cậu bé cũng mất bố năm 4 tuổi. Vài năm sau, Tài theo mẹ vào TPHCM bán nước cam. Ban đêm, cậu một mình đi khắp các con phố trung tâm thành phố để mưu sinh.

"Mỗi ngày như thế con kiếm được vài trăm ngàn. Có tiền, ngoài chơi game, chủ yếu là con bỏ thẻ tiết kiệm cho mẹ", Tài cười, khoe về số tiền 300.000 đồng vừa gửi ngày hôm qua.

Tương tự, gia đình của My (10 tuổi) có 6 anh chị em thì cả 6 đều bám trụ những con phố nhộn nhịp của Sài Gòn đêm không ngủ để kiếm tiền. Buổi tối sau khi nhận hoa và kẹo cao su từ mẹ, My sẽ cùng anh trai ra Bùi Viện buôn bán đến tận khi đường vắng khách.

Ước mơ nhỏ của trẻ đường phố

Sống lay lắt trên đường phố, mưu sinh vào những khung giờ khuya, tụi trẻ thổi lửa gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc ngủ lề đường khiến Khang liên tục bị trấn lột sạch tiền kiếm được. Việc lập nhóm sẽ đỡ hơn những chuyện như thế.

"Nhóm này không được vào làm ở địa bàn của nhóm khác. Không muốn bị chửi bới, đuổi đánh, chúng con sẽ đi cạnh nhau. Ngoài ra, rút kinh nghiệm để không bị vét sạch túi, con cũng sẽ chủ động làm bạn với những đứa trẻ cùng hoàn cảnh như mình", Khang nói.

Đôi khi trong một đêm, nếu trong nhóm có đứa không kiếm ra tiền, tụi trẻ con vẫn chia hộp cơm chung. Niềm vui nhất với chúng là tất cả bạn bè đều là quen biết trên đường phố nhưng luôn sẵn sàng giúp nhau. 

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 6

Cơ quan chức năng quận 1, TPHCM đã nhiều lần nhắc nhở, giải thích cho trẻ về tính nguy hiểm của hành vi thổi lửa (Ảnh: Hải Long).

0h15, một vị khách sẵn sàng bỏ vào chiếc lon sắt của Khang tờ 100.000 đồng khiến cậu bé mừng quýnh. Từ ngày lên TPHCM, Khang chưa có cơ hội gọi về cho gia đình nên mỗi ngày cậu bé luôn cố gom góp tiền với hy vọng sớm mua được một chiếc điện thoại di động.

"Con cũng nhớ ba lắm chứ! Phải chi có ba ở đây, được ở chung thì con đã không phải làm cái nghề cực thế này rồi", cậu bé cười trừ khi được hỏi về gia đình, về quê nhà.

"Con cũng muốn đi học lại", Khang nói thêm.

Cậu bé không hiểu rõ lý do mong muốn được đi học, chỉ tự phỏng đoán: "Chắc đi học rồi con sẽ tìm được công việc khác đỡ cực hơn". Giọng cậu nhỏ thỏ thẻ, gần như lọt thỏm giữa tiếng nhạc sàn của một Bùi Viện không bao giờ ngủ.

Theo lãnh đạo phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM), cơ quan chức năng đã ghi nhận không ít trường hợp trẻ làm nghề thổi lửa trong khu vực phố tây Bùi Viện.

Gần đây, phường đã mời một nhóm trẻ hành nghề thổi lửa về trụ sở làm việc. Cơ quan chức năng xác nhận, những trẻ em mưu sinh trên phố có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có em chỉ sống cùng bố hoặc mẹ hay sống cùng ông bà, cũng có em bị bỏ rơi.

"Các em không sinh sống trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão. Chúng tôi đã hỗ trợ đưa các em đến trung tâm bảo trợ, nhưng sau đó người nhà đến bảo lãnh các em về, rồi tiếp tục cho các em đi thổi lửa. Không lâu sau, chúng tôi lại phát hiện và mọi thứ diễn ra như một vòng lặp đi lặp lại", vị lãnh đạo cho hay.

Được biết, cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, giải thích cho trẻ về tính nguy hiểm của hoạt động ngậm dầu thổi lửa. Địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, vận động du khách không cho tiền, không khuyến khích các em tiếp tục làm công việc nguy hiểm này.