Những điểm mới về tiền lương của lao động trong doanh nghiệp nhà nước
(Dân trí) - Nhiều vấn đề về cách tính tiền lương mới, chế độ lao động cho người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước đã được lãnh đạo ngành lao động TPHCM giải đáp.
Chiều 13/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND thành phố.
Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Sở tổ chức hội nghị này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gặp gỡ, trực tiếp trao đổi các vấn đề còn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuộc ngành LĐ-TB&XH. Cán bộ Sở và các ban ngành liên quan sẽ giải đáp cụ thể những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội Sở LĐ-TB&XH TPHCM, giới thiệu những điểm mới của Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP (quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP (quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).
Ông Nguyễn Bảo Cường nhấn mạnh những điểm mới quan trọng về mức lương, cách xây dựng thang bảng lương, hệ số tăng thêm tiền lương, xếp hạng công ty… Những nội dung này ảnh hưởng lớn đến chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước.
Tại hội nghị, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cùng các ban ngành liên quan đã giải đáp 24 câu hỏi của các doanh nghiệp xoay quanh các nội dung về lao động, tiền lương.
Hầu hết các câu hỏi đều xoay quanh việc áp dụng quy định mới trong Nghị định số 21/2024/NĐ-CP vào thực tiễn tính lương cho người lao động tại doanh nghiệp nhà nước như thế nào.
Nhiều vấn đề khác về lao động, tiền lương cũng được giải đáp như: Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty tham gia vào Hội đồng lương có phù hợp không; trả trợ cấp thôi việc cho người lao động là công chức có thời gian làm việc tại nhiều đơn vị khác nhau; trường hợp quỹ tiền lương giảm thì xây dựng lại thang bảng lương như thế nào; khi người lao động không còn giữ chức vụ lãnh đạo thì điều chỉnh lương thấp hơn 85% lương quản lý được không…
Kết luận hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đề nghị các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phối hợp với Sở trong việc tham mưu UBND thành phố đối với nội dung kiểm tra, giám sát về định mức lao động, kế hoạch lao động, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện, xếp hạng của doanh nghiệp đảm bảo đúng thời gian quy định.
Về các kiến nghị vượt thẩm quyền, Sở sẽ ghi nhận và báo cáo lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Trung ương để kịp thời có hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước kịp thời và hiệu quả.