Nhiều vụ bạo hành trẻ em vì... giáo viên thiếu kiến thức
(Dân trí) - Nguyên nhân của nhiều vụ việc bạo hành, ngược đãi trẻ xảy ra tại các nhóm trẻ tư thục thời gian qua một phần do giáo viên tại đây thiếu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
Ngày 22/11, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM công bố quyết định của UBND thành phố cho phép Hội phối hợp với Tổ chức PE&D triển khai dự án hỗ trợ chăm sóc vì sự phát triển toàn diện cho trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng trên giai đoạn 2023-2026.
Theo bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, đối tượng chính của dự án hướng tới là trẻ em dưới 6 tuổi và người chăm sóc trẻ (giáo viên tại các nhóm trẻ và phụ huynh, người nuôi dưỡng trẻ).
TPHCM với đặc thù có đông lao động nhập cư, việc hình thành các nhóm trẻ, lớp mầm non tư thục đã phần nào giúp kéo giảm áp lực cho lĩnh vực giáo dục mầm non của thành phố. Các nhóm trẻ tư thục cũng giúp cho người dân, nhất là những người dân lao động nghèo, có nơi gửi con để đi làm, kiếm sống…
"Tuy vậy, trên thực tế, đội ngũ giáo viên, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở thường không đồng nhất, nhiều nơi vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về mặt chuyên môn và kỹ năng trong chăm sóc trẻ. Đã có nhiều vụ việc vi phạm quyền trẻ em xảy ra ngay tại các nhóm trẻ, lớp mầm non trong thời gian qua, nguyên nhân chính cũng xuất phát từ những yếu tố này", bà Ngọc Mai chia sẻ.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, nói rõ hơn nguyên nhân của nhiều vụ việc bạo hành, ngược đãi trẻ xảy ra tại các nhóm trẻ tư thục thời gian qua một phần vì giáo viên tại đây thiếu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
"Ngoài những người được đào tạo bài bản thì vẫn có những người nuôi dạy trẻ theo kinh nghiệm, không am hiểu các kỹ năng chăm sóc trẻ trong giai đoạn đầu đời", ông Nghinh nói.
Để góp phần hạn chế tình trạng trên, trong giai đoạn 2021-2023, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã triển khai Dự án để nâng cao năng lực chăm sóc trẻ cho 89 giáo viên tại 64 nhóm trẻ trên địa bàn thành phố Thủ Đức và quận Tân Phú.
Sau quá trình đào tạo, những người tham gia tiếp tục sinh hoạt nghiệp vụ cùng nhau trong 3 câu lạc bộ, thường xuyên trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc, tâm lý, dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời.
Nhận thấy hiệu quả thiết thực của dự án trong giai đoạn 2021-2023, UBND thành phố đã chấp thuận cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em tiếp tục thực hiện Dự án giai đoạn 2023-2026.
Trong giai đoạn 2, Dự án tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động nâng cao năng lực với mục tiêu đào tạo 12 giảng viên nguồn, tập huấn cho 160 giáo viên và 600 phụ huynh. Tuy nhiên, phạm vi thực hiện trong giai đoạn 2 sẽ được mở rộng ra các địa bàn có nhiều người nhập cư, công nhân lao động nghèo.
Ngoài ra, giai đoạn 2 còn mở rộng thêm nội dung truyền thông với mục tiêu tổ chức 8 cuộc truyền thông và 4 cuộc thảo luận về thực trạng bạo lực, xâm hại, bóc lột sức lao động và các nguy cơ liên quan đến bắt cóc, buôn bán trẻ em trong tình hình hiện nay.