Nhóm lớp mầm non tư thục: Nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ
(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra với trẻ em mầm non khiến nhiều người lo ngại. Sự việc một cháu bé trèo ra ban công ngã xuống đất ở Lào Cai, vụ bé mầm non vướng dây chuyền vào cửa tủ treo đồ ngạt thở ở Hà Nội… đã khiến nhiều người lo ngại về vấn đề an toàn cho lứa tuổi này.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo “Đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non – Thực trạng và giải pháp”. Trên cơ sở tổng hợp các báo cáo và các ý kiến phát biểu thảo luận tại hội thảo này, đầu tháng 6/2016, Bộ GD&ĐT đã thông báo kết quả Hội thảo.
Theo Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), hiện cả nước có trên 4,8 triệu trẻ em được chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở GDMN. Hầu hết các cơ sở GDMN đã chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được đầu tư đồng bộ, phù hợp độ tuổi, thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động tại trường/lớp mầm non. Giáo viên mầm non chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, phát huy tính tích cực của trẻ, không gây áp lực đối với trẻ...
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, một số cơ sở GDMN- đặc biệt là các nhóm/lớp mầm non tư thục, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đảm bảo đúng quy định như phòng học nhỏ, không đảm bảo thông khí, nhà vệ sinh chật chội, thiết kế không phù với trẻ... nên tiềm ẩn nhiều nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ.
Một số địa phương công tác quản lý, cấp phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục còn lỏng lẻo, dẫn đến một số cơ sở chưa đủ các điều kiện thành lập đã nhận trông giữ trẻ nên đã xảy ra một số trường hợp tai nạn đáng tiếc đối với trẻ.
Đội ngũ giáo viên ở một số cơ sở GDMN là giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc không được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng xử lí tình huống nên đã xảy ra sai sót trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ; Ứng xử của một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đối với trẻ còn chưa chuẩn mực, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của trẻ, làm các bậc cha mẹ lo lắng, gây bức xúc trong trong dư luận.
Nguyên nhân của tình trạng này, một phần do chưa sâu sát trong công tác kiểm tra, phát hiện nguy cơ tiềm ẩn để sửa chữa khắc phục. Đội ngũ giáo viên do bị áp lực về thời gian làm việc, sĩ số lớp quá đông, khối lượng công việc phải đảm nhiệm trong ngày nhiều dẫn tới bị stress nghề nghiệp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp…
Công tác quản lý còn nhiều bất cập, cán bộ quản lý còn tạo quá nhiều áp lực cho giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở GDMN tư thục còn mỏng, trong khi các nhóm lớp mầm non tư thục không ngừng tăng nhanh.
Trước những vấn đề trên, Bộ GD&ĐT khuyến nghị một số giải pháp: Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm; Thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở GDMN, xử lý nghiêm các cơ sở gây mất an toàn cho trẻ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ, phòng tránh tai nạn thương tích cho người chăm sóc trẻ, các bậc cha mẹ và cộng đồng…
Mỹ Hà