Nhiều phụ nữ bị chồng bạo lực tự tử, được cứu nhưng thương tổn đến hết đời
(Dân trí) - Tại Việt Nam, có tới 62% phụ nữ phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và trong 12 tháng qua, 31,6% phụ nữ phải đối mặt với tình trạng này.
Đó là một trong những nội dung được nêu lên tại chương trình "Bữa sáng Ruy băng trắng 2022 - Đảm bảo Tôn trọng và An toàn trong hỗ trợ phụ nữ, trẻ em di cư mất an toàn và mua bán trở về" do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, phối hợp với Cục phòng chống ma túy và tội phạm, bộ Tư lệnh, Bộ đội Biên phòng và Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức với sự hỗ trợ từ Chính phủ Úc diễn ra sáng 30/11.
Chương trình có sự góp mặt của hơn 80 đại biểu là nam giới đến từ các bộ, ban ngành, các tổ chức cung cấp dịch vụ đã cùng thảo luận, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tôn trọng và an toàn trong suốt quá trình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em di cư và bị mua bán trở về.
Với thông điệp "Tôn trọng và An toàn", sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng năm nay kêu gọi tất cả nam lãnh đạo trở thành những người tiên phong tạo nên sự thay đổi, thúc đẩy mẫu hình nam giới tích cực chung tay phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Sự vào cuộc của nam giới sẽ góp phần thay thế những chuẩn mực xưa cũ; tạo nên các quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, và cùng nhau tạo những cơ hội phát triển bình đẳng cho cả nam giới, phụ nữ và các nhóm đa dạng giới khác.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết, bạo lực gia đình, xâm hại hay thường được gọi là bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào mà là vấn đề của mọi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
"Theo điều tra quốc gia tình hình bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019, tại Việt Nam, có tới 62% phụ nữ phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền", bà Linh chia sẻ.
Trong thực tế 15 năm hoạt động của Ngôi nhà Bình Yên, cơ quan này đã tham vấn cho 26.005 lượt người là nạn nhân, 19.869 người, 16.420 ca, sàng lọc vào Ngôi Nhà Bình Yên 1.604 trường hợp, trong đó có 1.173 nạn nhân bạo lực gia đình và xâm hại tình dục đến từ 56/63 tỉnh thành.
"Theo thống kê, 71% người tạm trú đều bị ít nhất 3 hình thức bạo lực trở lên. Rất nhiều nạn nhân nữ gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng, một số đã tự tử vài lần nhưng cứu được, nhiều nạn nhân bị thương tổn di chứng đến hết đời như bị cụt tay, chân, tổn thương đầu, cột sống.
Bạo lực xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ 0 (khi mẹ đang mang thai) đến 70 tuổi, ở các trình độ học vấn khác nhau, nhiều trường hợp bị bạo lực cả cuộc đời từ khi lấy chồng", Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển thông tin.
Theo bà Linh, với vai trò là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam tổ chức mô hình Bữa sáng Ruy băng trắng mong muốn thúc đẩy sự đoàn kết, chung tay hành động vì quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái.
Đồng thời, Ngôi nhà Bình Yên sẽ cùng các đối tác kiến tạo và hướng tới một cộng đồng nói không với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tại sự kiện, bà Vũ Phương Ly - chuyên gia chương trình của UN Women nhấn mạnh, đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng cho người bị bạo lực và mua bán trở về cần sự tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt vai trò của các nhà tạm lánh, cần có sự tham gia tích cực của nam giới.
Chiến dịch Ruy băng trắng là một phong trào nhằm gắn kết nam giới đứng lên chống lại bạo lực gia đình. Chiến dịch cũng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái và khuyến khích nam giới cam kết không gây bạo lực, không im lặng đối với vấn nạn này.
Cho đến nay, phong trào Ruy băng trắng trở thành một diễn đàn thường niên với sự tham gia của hơn 60 quốc gia trên thế giới.