Hàng ngàn cuộc gọi cầu cứu của phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình

Hoài Nam

(Dân trí) - Hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào cũng như chưa bao giờ chia sẻ câu chuyện của mình với ai...

Thông tin được đề cập tại lễ ra mắt Trung tâm dịch vụ một cửa (hay còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương) tại TPHCM và Đà Nẵng diễn ra ngày 21/6. 

Hàng ngàn cuộc gọi cầu cứu của phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình - 1

Lễ khai trương Ngôi nhà Ánh Dương tại TPHCM, nơi hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.

Trung tâm do Chính phủ Nhật Bản tài trợ phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) trong khuôn khổ dự án "Giảm thiểu tác động của Covid-19 lên nhóm dân cư dễ bị tổn thương - Đảm bảo tiến trình quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" . 

Trước đó, vào tháng 4/2020, Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UNFPA cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thành lập tại Quảng Ninh. Và đầu năm nay, Bộ LĐ-TB&XH ra mắt Ngôi nhà Ánh Dương thứ hai tại Thanh Hóa, với sự hỗ trợ của UNFPA cùng sự hợp tác của Chính phủ Nhật Bản. 

Thời gian qua, ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh và Thanh Hóa đã hỗ trợ hơn 450 người bị bạo lực. Các đường dây nóng miễn phí hoạt động 24/7 đã tiếp nhận hơn 1.000 cuộc gọi trợ giúp mỗi tháng. Cả hai trung tâm đều đang hoạt động vượt quá công suất thiết kế ban đầu, điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết mở rộng mô hình này tại các địa phương.

Tuy nhiên, đây có thể vẫn là con số quá nhỏ so với thực tế nạn  nhân bị bạo lực cần trợ giúp. 

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, bạo lực trên cơ sở giới là biểu hiện sự bất bình đẳng giới vốn đã ăn sâu, bám rễ trong xã hội Việt Nam. Bà nhắc lại nghiên cứu quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ từ 15-64 tuổi tại Việt Nam thì có gần 2 người từng chịu ít nhất một hình thức của bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế trong đời.

Vấn đề này còn ẩn giấu rất nhiều trong xã hội Việt Nam, khi hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ các dịch vụ công, một nửa trong số đó chưa bao giờ chia sẻ câu chuyện của mình với bất cứ ai. Bạo lực trên cơ sở giới gây thiệt hại cho Việt Nam ước tính khoảng 1,81% GDP vào năm 2018. 

Đặc biệt, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã tồn tại từ trước nhưng càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh Covid-19 trước những quy định về việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và các biện pháp kiểm soát dịch, cùng với áp lực về kinh tế, xã hội và những căng thẳng trong gia đình.

Hàng ngàn cuộc gọi cầu cứu của phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình - 2

Ngôi nhà Ánh Dương tại TPHCM.

Điều này làm gia tăng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Thời gian qua, ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh và Thanh Hóa đều đang phải hoạt động vượt quá công suất thiết kế ban đầu.

Đây là mô hình đảm bảo phù hợp với thực hành và tiêu chuẩn quốc tế cung cấp các dịch vụ toàn diện cho nạn nhân bị bạo lực tại một địa điểm, bao gồm chăm sóc sức khỏe, tư vấn, dịch vụ phúc lợi xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ của lực lượng công an, dịch vụ pháp lý và tư pháp, dịch vụ chuyển tuyến. 

Ý tưởng là cung cấp các dịch vụ thiết yếu đó cho những người bị bạo lực ở một địa điểm, người bị bạo lực không phải đi xung quanh và tìm kiếm các dịch vụ, khác với một cơ sở tạm lánh.