1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người có hành vi bạo lực gia đình "né" công an: Cách nào chế tài, áp giải?

Thế Kha

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu người gây bạo lực gia đình không chịu tới làm việc thì công an xã có trách nhiệm đưa người đó đến trụ sở, nhưng không biết là đưa đến bằng cách nào, có áp giải không?

Thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 26/10, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về biện pháp yêu cầu người bị bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã, quy định tại điều 24.

Theo dự thảo, khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết hoặc xử lý vụ việc.

Nếu người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì công an xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu đến trụ sở và thời gian yêu cầu là không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu - tức là giữ lại trụ sở trong thời hạn tối đa là 6 giờ cho mỗi lần. So với luật hiện hành thì đây là biện pháp mới được bổ sung.

Người có hành vi bạo lực gia đình né công an: Cách nào chế tài, áp giải? - 1

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

"Với nội dung này tôi rất băn khoăn, việc cơ quan công an yêu cầu người bị bạo lực gia đình đến trụ sở cơ quan công an trong thời hạn là 6 giờ cho mỗi lần cũng không giới hạn số lần là biện pháp có tính chất tương tự biện pháp tạm giữ hành chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thậm chí còn vượt trên cả biện pháp tạm giữ hành chính"- ông Cường phân tích.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, đối với biện pháp tạm giữ hành chính thì Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định rất chặt chẽ quy định về điều kiện tạm giữ, như: Cần ngăn chặn, đình chỉ hành vi gây rối, gây thương tích; thời hạn tạm giữ thì quy định là không quá 12 giờ và cần thiết gia hạn cũng không quá 24 giờ. Khi tạm giữ phải có thông báo cho gia đình, cơ quan, tổ chức; người bị tạm giữ có các chế độ về ăn, ở,...

Chỉ có người có thẩm quyền như trưởng công an cấp xã, chủ tịch UBND xã mới được ra quyết định và phải ra quyết định bằng văn bản, người không chấp hành thì bị áp giải.

Còn đối với dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) thì quy định rất đơn giản, giữ lại trụ sở công an không quá 6 giờ mỗi lần và cũng không giới hạn số lần, không có quyết định và cũng không quy định về thẩm quyền. Người gây bạo lực không đến thì cơ quan công an có trách nhiệm đưa người đó đến trụ sở nhưng không biết là cơ quan công an đưa đến bằng cách nào, có phải là áp giải hay không? Đối với người chưa thành niên gây bạo lực gia đình thì giải quyết như thế nào cũng không rõ?...

"Những vấn đề nêu trên chúng ta phải quy định rất thận trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta đang đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tránh việc sơ hở, lạm dụng trong các quy định của pháp luật"- ông Cường thẳng thắn.

Đề nghị bổ sung 5 nhóm hành vi bạo lực gia đình

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, dự thảo nêu 15 nhóm hành vi bạo lực gia đình nhưng khi tham chiếu với Bộ luật Hình sự và Nghị định số 144/2021 của Chính phủ thì ông thấy còn thiếu 5 nhóm hành vi.

Người có hành vi bạo lực gia đình né công an: Cách nào chế tài, áp giải? - 2

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Ảnh: Phạm Thắng).

Một là, hành vi xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của thành viên gia đình như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình lập hội, hội họp hợp pháp; ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; cản trở việc khiếu nại, tố cáo, thực hiện quyền tự do ngôn luận báo chí tiếp cận thông tin…

Hai là, hành vi xâm phạm quyền sở hữu của các thành viên gia đình như chiếm giữ trái phép, sử dụng trái phép, cố ý làm hư hỏng tài sản.

Ba là, hành vi bạo lực về tâm lý, kinh tế như cô lập, xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý, kích động tình dục, lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình; ép buộc thành viên gia đình làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động; ép buộc thành viên gia đình đi xin ăn hoặc lang thang kiếm sống.

Bốn là, hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Năm là, hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình.

"Để không sót, lọt hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự thảo luật những hành vi nêu trên"- đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà yêu cầu.

"Tiếp thu một cách đầy đủ nhất ý kiến của các đại biểu"

Thay mặt Chính phủ giải trình với đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng nhóm vấn đề liên quan đến trách nhiệm của công an xã nhận được sự quan tâm khá lớn của đại biểu.

Theo Bộ trưởng, hiện nay lực lượng công an xã đa số là công an chính quy. "Khi làm việc với Bộ Công an thì chức năng về phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ là 2 vấn đề lớn của ngành công an đang triển khai. Biện pháp được đưa ra chính là hình thức về phòng ngừa xã hội và nó cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp bạo lực gia đình do công an xử lý, cụ thể ở đây người bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, với mục đích là làm rõ thông tin các vụ việc, chưa phải xử lý hành chính hay xử lý hình sự. Chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn ý kiến này"- ông Hùng hứa.

Người có hành vi bạo lực gia đình né công an: Cách nào chế tài, áp giải? - 3

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Quốc Chính).

Về nhóm vấn đề liên quan đến biện pháp hỗ trợ xử lý bạo lực gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết có 3 biện pháp mới, gồm: yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực và thực hiện phục vụ công việc cộng đồng.

"Các đại biểu cho rằng việc này phải nên cân nhắc, cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiên cứu vấn đề này. Nhưng phải nhìn thấy ở góc độ, chúng ta sẽ lựa chọn các biện pháp giữa góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư hay thực hiện việc nhiệm vụ phục vụ cộng đồng. Vừa có ý nghĩa giáo dục tự nguyện, đồng thời thể hiện mục tiêu giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình nhận thức được hành vi sai trái của mình để khắc phục và hoàn thiện" - Bộ trưởng Hùng nói.

Ông khẳng định, dù đã cố gắng nghiên cứu và có tham vấn kinh nghiệm, tổ chức rất nhiều hội thảo, nghiên cứu các mô hình thực tiễn ở địa phương, gặp gỡ, lấy ý kiến nhiều, đặc biệt là tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách nhưng "năng lực cũng có hạn, khó đáp ứng được hết". Ngay sau phiên họp này, cơ quan soạn thảo sẽ "ngồi lại ngay để làm", với tinh thần tiếp thu một cách đầy đủ nhất ý kiến của các đại biểu.