DNews

Nhiệm vụ "đan lưới an sinh" và lời hứa của Bộ trưởng

Hoa Lê

(Dân trí) - Hạ tuổi hưởng trợ cấp, thêm tầng trợ cấp hưu trí xã hội, giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu..., Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, đã hoàn thành lời hứa trước đó với cử tri

Nhiệm vụ "đan lưới an sinh" và lời hứa của Bộ trưởng

2 năm rốt ráo xây dựng, qua nhiều "vòng sát hạch" theo quy trình, dự Luật BHXH sửa đổi hiện đã hoàn thiện, có đến 15 nội dung mới với mục tiêu tăng độ bao phủ chế độ an sinh cơ bản, thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH. Trước "giờ G" dự luật được đưa ra Quốc hội biểu quyết thông qua, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đánh giá gì về những thay đổi căn cơ được thiết kế?

Lời hứa với hàng triệu cử tri

Kể đến những điểm vượt trội của dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) ấn tượng về 3 điểm mới nổi bật. Thứ nhất, dự thảo luật tăng diện bao phủ thông qua bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ có đăng ký kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian…

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho hay, pháp luật hiện hành không quy định chủ hộ kinh doanh thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Thực tế, cơ quan BHXH đã thu tiền sai với nhóm đối tượng này trong thời gian trước đây. Tới nay, phần đông các chủ hộ kinh doanh đã "đóng bảo hiểm oan" đều muốn đóng tiếp để hưởng lương hưu.

Nhiệm vụ đan lưới an sinh và lời hứa của Bộ trưởng - 1

Chủ hộ kinh doanh mòn mỏi chờ được ghi nhận quá trình đóng BHXH để hưởng lương hưu (Ảnh: NVCC).

Điểm mới tiếp theo phải kể đến trong dự luật được đông đảo người dân đánh giá cao là việc hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, thêm tầng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Việt Nga thường xuyên nhận được kiến nghị hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống dưới 80 tuổi.

Quy định này nhằm tăng diện phủ chế độ an sinh cho người dân, đặc biệt là với người không có lương hưu khi về già.

Bên cạnh đó, dự luật đã thể hiện liên kết tầng trong hệ thống BHXH theo hướng người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ chính phần người lao động đã đóng vào quỹ BHXH.

Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, nhóm đối tượng này được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đóng.

Nhiệm vụ đan lưới an sinh và lời hứa của Bộ trưởng - 2
Hạ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 xuống 75 là để đưa nhóm người cao tuổi không có lương hưu này vào tầng bảo hiểm hưu trí xã hội. Chúng tôi đã hoàn thành lời hứa trước đó!
Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

"Hai chính sách này được người dân đánh giá rất cao, khi áp dụng vào cuộc sống sẽ tạo thành mạng lưới an sinh rất chắc chắn", đại biểu Việt Nga nhấn mạnh.

Cũng trao đổi về việc hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, có một khoản trợ cấp hàng tháng, đối với mỗi người cao tuổi đều vô cùng quan trọng. Điều này giải quyết rất lớn về vấn đề tinh thần của người già, để có thể sống không phải dựa vào ai.

Ngay khi có thông tin sửa đổi nội dung này trong luật, rất nhiều người cao tuổi, đặc biệt người không có lương hưu thể hiện sự quan tâm. Theo bà An, dự luật BHXH sửa đổi lần này được thông qua, sẽ có thêm gần 1 triệu người được hưởng trợ cấp khi về già.

Trước đó, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Trong lúc chưa sửa Luật Người cao tuổi, cơ quan soạn thảo luật đã chủ động báo cáo với Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chuyển nội dung này sang Luật BHXH sửa đổi, để hạ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 xuống 75 tuổi, đưa nhóm đối tượng này vào tầng bảo hiểm hưu trí xã hội. Chúng tôi đã hoàn thành lời hứa trước đó".

Lưới an sinh đa tầng và hướng sửa luật căn cơ

Một điểm mới nổi bật khác thay đổi căn cơ quy định hiện hành là về vấn đề rút BHXH một lần. Phân tích về 2 phương án thiết kế được cơ quan soạn thảo luật đưa ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận xét "lý tưởng nhất là quy định không cho rút BHXH một lần, trừ những trường hợp thực sự đặc biệt".

Nhiệm vụ đan lưới an sinh và lời hứa của Bộ trưởng - 3

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga dành nhiều quan tâm với dự luật BHXH sửa đổi (Ảnh: QH).

"Song, phương án lý tưởng đó chúng ta khó có thể thực hiện ở thời điểm hiện tại, khi lưới BHXH còn mỏng và người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

Quy định chặt, đột ngột sẽ tạo cú sốc chính sách, người lao động từ chỗ đang được rút BHXH khá thỏa mái sang không được rút. Điều này có thể khiến nhiều người quay lưng, từ chối tham gia BHXH", bà Nga chỉ rõ.

Trong quá trình trao đổi trực tiếp với người lao động, nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho biết, việc lựa chọn phương án nào cũng phải cân nhắc thật kỹ lưỡng để có được quy định tốt nhất nhằm bảo đảm mục tiêu, quyền lợi lâu dài cho người lao động và tăng mạng lưới an sinh.  

Nhiệm vụ đan lưới an sinh và lời hứa của Bộ trưởng - 4
Nhiệm vụ đan lưới an sinh và lời hứa của Bộ trưởng - 5
Nhiệm vụ đan lưới an sinh và lời hứa của Bộ trưởng - 6

Về đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu, PGS.TS. Bùi Thị An nhận định, vấn đề này được người lao động đặc biệt ủng hộ, trông đợi. Thực tế, nhiều trường hợp người lao động tham gia BHXH muộn nên điều kiện đóng tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu quá sức với họ.

Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, hướng điều chỉnh luật lần này làm cho hệ thống BHXH linh hoạt hơn, thích nghi trong bối cảnh mới của thị trường lao động.

Đề xuất giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm được đưa ra xuất phát từ việc nhiều người lao động có ý kiến thời gian chờ lâu nên không sẵn sàng tham gia ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, dự luật quy định nếu người lao động ở trong hệ thống, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ nhận được trợ cấp.

"Đưa tầng hưu trí xã hội gắn vào hệ thống BHXH để hình thành lưới an sinh đa tầng là điểm ưu việt của luật mới. Trong hệ thống hưu trí đa tầng, thì tầng thấp nhất là hưu trí xã hội", bà Hương nêu.

"Không ngại ngần bấm nút thông qua luật"

Đại biểu Việt Nga khái quát, đến thời điểm này, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến kỹ, thảo luận, tranh luận sôi nổi về nhiều nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo luật. Song song với tiến trình đó, ban soạn thảo đã tiếp thu kỹ lưỡng những đóng góp đa chiều của đại biểu.

"Không có chính sách nào "mười phân vẹn mười", đặc biệt là một chính sách lớn như BHXH. Ở đây, nhà làm luật cần phải cân nhắc giữa lợi ích cũng như hạn chế của từng nội dung để làm sao xây dựng chính sách có lợi hơn cả, giảm thiểu tối đa những hạn chế, tác động không mong muốn", đại biểu Việt Nga lập luận.

Nhiệm vụ đan lưới an sinh và lời hứa của Bộ trưởng - 7

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật BHXH sửa đổi (Ảnh: Minh Châu).

Còn đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) bày tỏ, những nội dung lớn đã được thảo luận nhiều lần, được tiếp thu, chỉnh lý để cùng đi đến điểm chung là hoàn thiện pháp luật về BHXH, bảo đảm an sinh xã hội hài hòa quyền và lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và nhà nước. Được như vậy, các đại biểu như bà cũng "không ngại ngần gì mà không bấm nút thông qua".

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bảo đảm từng bước thể chế hóa quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 28-NQ/TW các giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát 5 chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15; bổ sung, hoàn thiện các vấn đề chưa phù hợp của Luật BHXH năm 2014 và để tiệm cận dần với thông lệ, quy định của quốc tế.