1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 75 tuổi bảo vệ người không có lương hưu

Hoa Lê
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Nhất trí với đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75, đại biểu Quốc hội còn muốn thúc lộ trình giảm thêm tuổi này tương ứng với tuổi thọ bình quân của Việt Nam.

Đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp thấp thêm

Về trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định về độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên.

Theo đại biểu, độ tuổi này là cao so với độ tuổi trung bình của dân số nước ta hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, độ tuổi trung bình của dân số nước ta là 73,7 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị tính toán hạ độ tuổi này xuống cho phù hợp với thực trạng độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam hiện nay. Như vậy, chính sách này thực sự là mang lại ý nghĩa trong thực tiễn.

Hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 75 tuổi bảo vệ người không có lương hưu - 1

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Ảnh: Quang Vinh).

Về điều kiện để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu đoàn Bình Thuận cho biết, có những người đã thỏa mãn được 2 điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội như dự thảo nhưng lại có thu nhập rất cao từ các nguồn khác.

Đại biểu dẫn chứng, nguồn hỗ trợ của con hoặc là các nguồn thu nhập hợp pháp khác nhưng vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội.

Mặc dù, người được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có quyền từ chối hưởng nhưng quy định này không thu hẹp được đối tượng thuộc diện hưởng. 

Từ những vấn đề trên, đại biểu kiến nghị chỉnh quy định thiết kế theo hướng là hạ điều kiện về độ tuổi bằng hoặc thấp hơn tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay. Đồng thời, bổ sung thêm điều kiện không có nguồn thu nhập ổn định khác để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Hỗ trợ người không có lương hưu

Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, quy định trong dự thảo luật đang xác định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là người đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác, gồm trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng.

Theo đó, quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo luật có nội dung tương tự chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng quy định tại luật Người cao tuổi năm 2009.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, theo Điều 17 luật Người cao tuổi 2009 trợ cấp xã hội hằng tháng này áp dụng cho người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 luật này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, mức hưởng hiện nay là 360.000 đồng.

Hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 75 tuổi bảo vệ người không có lương hưu - 2

Đại biểu Thạch Phước Bình (Ảnh: Quang Vinh).

Còn lại, người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi trong luật Người cao tuổi năm 2009 phải có điều kiện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

"Có thể thấy quy định trên tại dự thảo luật là bước tiến trong bảo vệ, hỗ trợ cho người cao tuổi không có lương hưu", đại biểu Thạch Phước Bình khẳng định.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cũng cần xét đến mức hưởng có lợi nhất cho chủ thể để đủ điều kiện áp dụng và cân đối chi phí từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay cũng là yếu tố cần xét đến. Theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi.

Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, đánh giá thẩm định giới cần tính đến cả bình quân bình đẳng giới với nam giới, tránh tình trạng chính sách hỗ trợ không bao phủ hết đối tượng do chưa đủ điều kiện hưởng thì đã hết thời hạn hưởng.

Về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Hà Hồng Hạnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị xây dựng cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nhằm đạt được mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 28.

Cụ thể, phấn đấu có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đến năm 2025 và 60% đến năm 2030.

Bên cạnh đó, theo Tổng điều tra dân số, nhóm người cao tuổi ở độ tuổi từ 60 đến 69 tuổi có tốc độ tăng cao nhất. Do đó, theo đại biểu, trong thời gian tới, đây sẽ là nhóm đông nhất có nhu cầu về trợ cấp hưu trí, xã hội.