Người phụ nữ đơn thân làm kinh tế giỏi, nuôi 2 con vào đại học

Thanh Tùng

(Dân trí) - Chồng mất, chị Lan mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Sau 3 năm, chị Lan đưa cả gia đình thoát nghèo, nuôi 2 con vào đại học.

Trưa một ngày trung tuần tháng 10, chị Cầm Thị Lan, 44 tuổi cần mẫn làm cỏ trên đồi keo phía sau nhà ở thôn Giang, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hơn 4ha cây keo đang là sinh kế giúp cả gia đình chị vươn lên thoát nghèo trong những năm qua.

Chị Lan cho biết, gia đình chị trước kia thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Giữa lúc khó khăn nhất thì những biến cố gia đình cứ liên tiếp xảy ra. Năm 2017, chồng chị Lan bị tai nạn rồi qua đời. Kể từ ngày chồng mất, chị Lan trở thành trụ cột gia đình, là chỗ dựa duy nhất cho hai con đang độ tuổi ăn học.   

Người phụ nữ đơn thân làm kinh tế giỏi, nuôi 2 con vào đại học - 1

Nhờ vốn vay của ngân hàng chính sách và sự giúp đỡ của các ngành chức năng, chị Lan vươn lên làm kinh tế giỏi ở xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Nhờ sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Chinh, cùng các chính sách hỗ trợ phụ nữ là chủ hộ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, chị Lan được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để làm kinh tế.

Năm 2021, chị mạnh dạn vay vốn 70 triệu đồng, mua 4ha đất đồi để trồng keo, nuôi bò sinh sản.

"Trước đây, phụ nữ địa phương chủ yếu ở nhà làm ruộng, nội trợ và chăm sóc con. Sau khi được tham gia vào các chương trình liên kết của Hội liên hiệp phụ nữ, chúng tôi được hướng dẫn và hỗ trợ nhiều kinh nghiệm, cách làm kinh tế hay", chị Lan cho hay.

Người phụ nữ đơn thân làm kinh tế giỏi, nuôi 2 con vào đại học - 2

"Trước đây phụ nữ ở địa phương chủ yếu làm ruộng và chăm con", chị Lan nói.

Theo chị Lan, nhờ mô hình trồng keo, nuôi bò, lợn sinh sản, mỗi năm chị thu về lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Gần 3 năm qua, cuộc sống của gia đình cũng dần ổn định. Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Lan còn chăm sóc và nuôi dạy 2 con vào đại học.

Chị Lan chia sẻ, thời gian tới, chị dự định sẽ nhân rộng đàn bò sinh sản và nuôi thêm gà để tăng nguồn thu nhập, vươn lên làm giàu.

Bà Cầm Thị Thảo, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Xuân Chinh, cho biết, hiện toàn xã có 610 hội viên. Trong đó, có 48 phụ nữ thuộc diện nghèo, cận nghèo làm chủ hộ.

Người phụ nữ đơn thân làm kinh tế giỏi, nuôi 2 con vào đại học - 3

Ngoài trồng keo, chị Lan còn phát triển nuôi lợn sinh sản, mang lại thu nhập ổn định (Ảnh: Thanh Tùng).

"Thời gian qua, địa phương tích cực triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến bình đẳng giới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng phụ nữ hộ nghèo, cận nghèo, yếu thế, trẻ em gái vươn lên phát triển kinh tế ổn định cuộc sống", bà Thảo cho hay.

Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Xuân Chinh cho biết thêm, ngoài việc tích cực tuyên truyền vận động chị, em phụ nữ tham gia vào chương trình, địa phương cũng thường xuyên tổ chức tư vấn, hướng dẫn phụ nữ làm kinh tế.

Đặc biệt, Hội liên hiệp phụ nữ xã còn thực hiện đóng quỹ thường xuyên. Theo đó, mỗi hội viên tham gia sẽ đóng 100.000 đồng/năm. Số tiền quỹ sẽ được sử dụng cho hội viên vay không lãi suất để làm vốn phát triển kinh tế.

Người phụ nữ đơn thân làm kinh tế giỏi, nuôi 2 con vào đại học - 4

Hiện chị Lan đang tập trung chăm sóc hơn 4ha keo, đây là sinh kế giúp chị ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo (Ảnh: Thanh Tùng).

"Do đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây phụ nữ ở địa phương gần như không có tiếng nói trong việc làm kinh tế. Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ, nhiều phụ nữ ở địa phương đã làm kinh tế giỏi, có trường hợp vươn lên làm giàu.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực triển khai lồng ghép các chương trình mới, hiệu quả hơn nữa để hội viên có điều kiện thuận lợi khi tham gia", bà Thảo cho biết thêm.