Quảng Bình:
Giúp người phụ nữ thoát cảnh bị chồng hành hạ
(Dân trí) - Hội phụ nữ tại Quảng Bình đã tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho 215 phụ nữ liên quan đến hôn nhân, bạo lực gia đình, góp phần đảm bảo công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Nhằm đảm bảo công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động thực tiễn, mang lại hiệu quả cao.
Năm 2023, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 370 cuộc tuyên truyền nhằm củng cố kiến thức về luật pháp, luật bình đẳng giới cho phụ nữ, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ và thực hiện thành công chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ tại Quảng Bình cũng tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương, triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, hội viên phụ nữ. Qua đó, tạo việc làm ổn định, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Lồng ghép hoạt động thông tin, tuyên truyền về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị thông qua các hội nghị, tập huấn…
Chị Hồ T.M. - một phụ nữ người dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã miền núi tại Quảng Bình - là nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình. Chồng chị M. hay uống rượu, không chăm lo gia đình, việc học hành của con cái và thường có hành vi đánh đập, chửi bới vợ con.
Biết hoàn cảnh của chị M., hội phụ nữ địa phương đã phối hợp tuyên truyền, tư vấn pháp luật và có các biện pháp để bảo vệ, ngăn chặn bạo lực gia đình. Vừa mềm dẻo khuyên can, vừa nhắc nhở, cảnh cáo với các hành vi đánh vợ con, chồng chị M. dần từ bỏ rượu bia, tu chí làm ăn, không còn đánh đập vợ con như trước.
Theo báo cáo từ Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, dù công tác đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em được các cấp hội đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, các vụ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, tình dục vẫn hết sức phức tạp.
Để giảm thiểu tình trạng kể trên, Hội LHPN Quảng Bình đã tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng ngừa, tự bảo vệ, trợ giúp để phụ nữ, trẻ em tránh khỏi nguy cơ bị bạo hành và xâm hại tình dục. Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự của phụ nữ và trẻ em theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, cho biết, thời gian qua, hội phụ nữ các cấp tại tỉnh này đã thực hiện 52 cuộc tư vấn hỗ trợ pháp lý cho 215 lượt hội viên, phụ nữ liên quan đến hôn nhân, bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai...
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình tích cực trong việc hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số; tham gia đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm và khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại tỉnh Quảng Bình.
Thực hiện 45 cuộc giám sát việc thực hiện luật phòng, chống bạo lực gia đình; luật bình đẳng giới, an toàn thực phẩm; các chính sách an sinh xã hội cho phụ nữ nghèo, đơn thân, gia đình chính sách... Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình đã và đang triển khai hiệu quả phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Quảng Bình thời đại mới", cụ thể hóa các tiêu chí phụ nữ có tri thức, đạo đức, sức khỏe, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Ban hành kế hoạch, cụ thể hóa nội dung, tiêu chí của phong trào thi đua phù hợp với từng địa bàn; phát huy giá trị văn hóa của địa phương, bản địa và phù hợp với từng đối tượng để phụ nữ phấn đấu rèn luyện.
Từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt được hội phụ nữ tại Quảng Bình hết sức quan tâm.
Có 151/151 cơ sở hội duy trì thường xuyên từ 2 loại hình hoạt động trở lên để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe, xây dựng người phụ nữ thời đại mới, thu hút trên 98% hội viên phụ nữ tham gia. Duy trì, nhân rộng 25 mô hình "Làm theo Bác" tiết kiệm được trên 5 tạ gạo, gần 1,3 tỷ đồng, giúp trên 1.000 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Nhằm thúc đẩy việc hiện hiện bình đẳng giới, các cấp hội phụ nữ tại Quảng Bình thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp.
Đẩy mạnh triển khai các mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Đến nay tại các địa bàn thực hiện dự án đã thành lập 30 tổ truyền thông cộng đồng, 7 địa chỉ tin cậy và 3 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi".
Bên cạnh đó, công tác nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, già làng/trưởng bản, người có uy tín được các cấp hội phụ nữ tại Quảng Bình được chú trọng và bước đầu đã có những kết quả tích cực. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong cộng đồng nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.