DNews

Người đàn ông gần 30 năm làm việc đặc biệt, miễn phí cho phụ nữ vùng cao

Thanh Tùng

(Dân trí) - Có ca ngôi thai ngược, ông Hà Văn Sằng đỡ đẻ đến rạng sáng mới về nhà. Công việc vất vả nhưng gần 30 năm qua, ông vẫn tình nguyện giúp đỡ các sản phụ vùng cao mà không hề lấy công.

Người đàn ông gần 30 năm làm việc đặc biệt, miễn phí cho phụ nữ vùng cao

Đùm cơm, đi bộ 100km học nghề y tá

Ông Hà Văn Sằng năm nay 58 tuổi, ở bản Tân Hương, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Đây là bản người Thái, nằm lọt thỏm giữa những quả đồi, cách trung tâm xã gần 10km.

Trước kia, vì đường vào bản khó khăn, nơi ông Sằng sinh sống gần như biệt lập với bên ngoài, cuộc sống nghèo đói quanh năm. Học đến lớp 4, ông phải nghỉ học để theo bố mẹ đi làm rẫy. Năm 19 tuổi, ông Sằng lấy người phụ nữ trong bản và sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngô, sắn.

Người đàn ông gần 30 năm làm việc đặc biệt, miễn phí cho phụ nữ vùng cao - 1

Một góc bản Tân Hương, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Những tưởng cả cuộc đời gắn liền với đồng ruộng, nhưng cơ duyên đã đưa ông đến với nghề y. Giữa năm 1987, tại địa phương có chương trình cử người tham gia khóa đào tạo sơ cấp y tá ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), ông Sằng may mắn được bà con trong bản và lãnh đạo địa phương tin tưởng cử đi học.

"Lúc bấy giờ người dân trong bản khó khăn, thiếu thốn, mỗi khi ốm đau, bệnh tật không có bác sĩ thăm khám, chữa trị. Vì vậy, khi được cử đi học tôi đã mạnh dạn tham gia với mong muốn sau này sẽ giúp mọi người vơi bớt phần nào khó khăn", ông Sằng nói.

Ông Sằng kể, 9 tháng tham gia khóa đào tạo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa là khoảng thời gian vô cùng vất vả. Do nhà cách xa địa điểm học 100km, không có phương tiện đi lại, đường xá khó khăn nên ông phải đi bộ. Mỗi chuyến đi, ông không quên cõng theo gạo, cơm nắm ăn dọc đường.

Người đàn ông gần 30 năm làm việc đặc biệt, miễn phí cho phụ nữ vùng cao - 2

Một số đoạn đường vào bản Tân Hương hiểm trở, khó khăn (Ảnh: Thanh Tùng).

Đầu năm 1988, ông Sằng kết thúc khóa đào tạo, làm cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe, tư vấn, khám bệnh cho người dân ở bản Tân Hương. Nói về chức danh "cô đỡ thôn bản" hiện tại, ông Sằng cho biết công việc này xuất phát từ cơ duyên và tình hình thực tế ở địa phương.

Theo ông Sằng, từ xa xưa, người dân địa phương đã có thói quen sinh con tại nhà. Mặt khác, do bản ở xa trung tâm xã, đường đi lại hiểm trở, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên không thể đến trạm y tế hay bệnh viện được.

Người đàn ông gần 30 năm làm việc đặc biệt, miễn phí cho phụ nữ vùng cao - 3

Ông Hà Văn Sằng (Ảnh: Thanh Tùng).

Năm 1995, trong bản có một sản phụ chuyển dạ sinh con vào ban đêm, giữa tình thế cấp bách, gia đình đến nhờ ông Sằng đỡ đẻ. Nhận lời đề nghị, ông không khỏi hồi hộp và lo lắng. Khi đến nhà, thấy sản phụ đã gần sinh cháu bé, ông Sằng làm các biện pháp tâm lý rồi dặn gia đình chuẩn bị nước ấm để trực tiếp đỡ đẻ.

"Lúc bấy giờ dụng cụ y tế sơ sài, sau khi bé chào đời, tôi phải dùng thanh nứa để cắt dây rốn, dùng dây gai thắt rốn cho cháu. Khi ca đỡ đẻ thành công, mẹ tròn con vuông tôi cũng thở phào nhẹ nhõm", ông Sằng nhớ lại.

Từng xin nghỉ việc sau ca đỡ đẻ cho vợ

Kể từ khi ca đỡ đẻ đầu tiên thành công, "khách hàng" của ông Sằng cũng tăng dần mỗi năm. Ông Sằng cho biết, mỗi ca đỡ đẻ mất khoảng 30 phút. Tuy nhiên, một số lần ngôi thai ngược, thai nhi bị nhau quấn cổ phải kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ mới xong.

Người đàn ông gần 30 năm làm việc đặc biệt, miễn phí cho phụ nữ vùng cao - 4

Gần 30 năm qua, ông Sằng vẫn miệt mài, nhiệt huyết giúp đỡ người dân địa phương (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đó là những ca đẻ phức tạp, dễ xảy ra sự cố nên tôi phải cẩn trọng. Có hôm đỡ đẻ đến rạng sáng mới trở về nhà", ông Sằng nói.

Không chỉ xuyên đêm phục vụ người dân, có hôm ông Sằng còn vào tận nương rẫy để đỡ đẻ. Thậm chí, có lần ông còn phải tiếp xúc với sản phụ mắc bệnh xã hội, nguy cơ lây nhiễm cao.

Mặc dù đã nhiều năm hành nghề, nhưng ông Sằng vẫn giữ thói quen ghi lại danh sách những lần đỡ đẻ vào sổ theo dõi. Gần 30 năm qua, ông đã đỡ đẻ cho gần 100 sản phụ tại bản Tân Hương và các bản lân cận.

Điều đặc biệt, mặc dù giúp đỡ nhiều sản phụ "vượt cạn" thành công, nhưng ông không bao giờ lấy tiền công. "Khi họ khó khăn, hoạn nạn thì mình phải nhiệt tình giúp đỡ. Tôi làm vì cái tâm và thương bà con dân bản còn khó khăn. Khi nhìn các cháu khôn lớn, trưởng thành là tôi mãn nguyện rồi", ông Sằng nói.

Ông Sằng tâm sự, gần 30 năm làm nghề, ông không thể nào quên được kỷ niệm buồn trong lần đỡ đẻ cho vợ.

Người đàn ông gần 30 năm làm việc đặc biệt, miễn phí cho phụ nữ vùng cao - 5

Ông Sằng buồn rầu khi nhắc lại lần đỡ đẻ cho vợ (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đó là năm 1996, vợ tôi chuyển dạ sinh con trai thứ 5. Khi đang làm cỏ trong rẫy, vợ tôi nói đau bụng rồi cả hai đi về nhà. Đi được một đoạn thì vợ tôi sinh con giữa đường. Do không có đầy đủ thiết bị và dụng cụ sát trùng, khoảng 1 tháng sau con tôi qua đời do nhiễm trùng rốn. Sau lần đó tôi đã xin nghỉ việc, nhưng được mọi người động viên nên tôi quay lại tiếp tục công việc y tế thôn bản", ông Sằng tâm sự.

Hiện tại, ngoài những lúc đi nương làm rẫy, ông còn đến từng nhà dân để tư vấn sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, vận động sản phụ tham khảo thêm kiến thức sinh sản, khi cần thiết cần phải đến bệnh viện để thăm khám, điều trị.

"Bây giờ đường xá thuận tiện hơn trước nên tôi thường khuyên bảo các sản phụ cần thăm khám kỹ lưỡng, khi thai nhi có vấn đề cần phải đến bệnh viện để sinh, tránh trường hợp xảy ra. Đối với những hoàn cảnh khó khăn, ngôi thai thuận, nếu có nhu cầu tôi vẫn sẵn lòng giúp đỡ", ông Sằng nói.    

Theo ông Sằng, với công việc hiện tại, ông đang hưởng mức trợ cấp gần 1 triệu đồng/tháng. Mặc dù mức thu nhập tương đối thấp, nhưng với đam mê, ông vẫn luôn nhiệt huyết với nghề để góp sức mình giúp cuộc sống người dân địa phương đổi thay.

Ông Hà Văn Oái, Trưởng Trạm Y tế xã Tam Chung, cho biết hiện nay toàn xã có 7 "cô đỡ thôn bản".

"Mô hình cô đỡ thôn bản như cánh tay nối dài, hỗ trợ cho đơn vị rất nhiều trong việc tư vấn, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, đơn vị và địa phương cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao kiến thức chuyên môn đối với các cán bộ y tế cắm bản", ông Oái thông tin.

Nói về cán bộ Hà Văn Sằng, ông Lương Văn Phèn, Trưởng bản Tân Hương, xã Tam Chung cho biết ông Sằng là người có nhiều kinh nghiệm đỡ đẻ, nhiệt tình và tận tụy về công việc.

"Cả bản có 48 hộ với 216 nhân khẩu. Trước đây, khi chưa có cán bộ y tế cắm bản, mỗi lần có người sinh con, chúng tôi phải nhờ thanh niên khiêng từ bản ra trung tâm xã đi đẻ. Từ khi có ông Sằng, người dân chúng tôi cảm thấy yên tâm và đỡ vất vả hơn nhiều", ông Phèn nói.