Nghe "chiến tích" của tên cướp nhí, người đàn ông có hành động đặc biệt
(Dân trí) - "Một người trưởng thành như tôi chưa bao giờ tưởng tượng cảnh đứa trẻ 15 tuổi lại có kinh nghiệm đi cướp 3 năm. Trước những hoàn cảnh như vậy, tôi càng muốn giúp các em thay đổi số phận", anh Hòa nói.
Năm 2008, anh Trần Duy Hòa (ngụ tại TPHCM) trở thành nhân viên công tác xã hội, chuyên chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nơi công tác đầu tiên của anh tại Mái ấm Tre Xanh, thuộc Hội bảo trợ trẻ em TPHCM.
Đó là một tổ chức chuyên chăm sóc, giúp đỡ những trẻ em nam đường phố sống lang thang. Ngày nhận những cậu trai đen nhẻm, mặt mũi lấm lem ngoài đường phố về mái ấm, anh Hòa cũng như bao nhân viên công tác xã hội khác, tìm cách tiếp cận và lắng nghe câu chuyện của các em.
Đối với những đứa trẻ từ nhỏ đã trải qua nhiều biến cố và quen với nếp sống bụi đời, tiếp chuyện là điều không dễ dàng. Vì thế, việc để các em chịu chia sẻ lại càng khó khăn hơn.
"Dù có "giang hồ" đến đâu, trong tâm hồn các em cũng chỉ là một đứa trẻ, thích chơi, thích ăn uống. Vì thế, chúng tôi thường nhắm vào sở thích ấy để tạo sự tin tưởng ban đầu cho trẻ cởi mở hơn", anh Hòa nói.
Suốt 16 năm làm việc trong ngành công tác xã hội, anh Hòa đã tham gia nhiều dự án của Hội bảo trợ trẻ em TPHCM, tổ chức Planète Enfants & Développement Vietnam (PE&D), cùng các nhân viên công tác xã hội thành lập Trung tâm Nâng cao Năng lực, Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em với chức năng.
Dù hiện tại đã chuyển công tác sang một công ty tư vấn giáo dục, đồng hành với trẻ tự kỷ, anh vẫn thường xuyên tham gia vào các tổ chức hỗ trợ trẻ em đường phố.
Những mảnh đời bất hạnh
Trong số những đứa trẻ anh Hòa gặp ở Mái ấm Tre Xanh, cậu bé 15 tuổi có biệt danh Cổ Khàn là một tên cướp nhí nổi tiếng ở địa phương. Em sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, từ nhỏ đã quen với kiểu sống bụi đời, tụ tập theo các "anh lớn" để trộm, cướp.
Anh Hòa biết được Cổ Khàn thông qua sự giới thiệu của một đứa trẻ vô gia cư khác. Ngày gặp anh Hòa, cậu bé không hé nửa lời với anh. Nhưng sau vài lần tiếp cận, cậu nhóc cũng bắt đầu kể cho anh Hòa nghe những "chiến tích" khi đi cướp của mình.
"Năm 12 tuổi, Cổ Khàn đã đi cướp", anh Hòa nói.
Bằng kinh nghiệm của mình, cậu bé tự hào phân tích rằng phụ nữ dùng điện thoại ngoài đường phố là đối tượng dễ tiếp cận nhất. Chỉ vài phút, em và đồng bọn sẽ quan sát rồi nhanh chóng giật lấy tài sản của các nạn nhân.
Cứ mỗi vụ cướp thành công, cả bọn sẽ mang đi bán kiếm tiền rồi tiêu xài hả hê. Đối với các em, những chuyện đó là "chiến tích" trong giới bụi đời, không cần phải cảm thấy tội lỗi, cũng chẳng biết tương lai sẽ ra sao.
T. (13 tuổi), một cậu nhóc bụi đời cũng có hoàn cảnh tương tự Cổ Khàn. Hồi còn nhỏ, T. phải chứng kiến cảnh bố mẹ ly dị, rồi mỗi người cùng đi thêm bước nữa. Sống trong căn nhà với mẹ kế, T. là người thừa, thường xuyên bị xua đuổi, ghẻ lạnh.
Cậu bé chuyển sang sống với người dì nhưng không bao lâu cũng bị đuổi khỏi nhà vì tội trộm tiền. Hằng đêm, lúc thì T. ở công viên, lúc thì lang thang ở bến xe. Cậu nhanh chóng bị nhóm người xấu dụ dỗ, rồi bắt đầu hành nghề trộm bình ắc quy xe container.
Khi đã "lành nghề", T. tiếp tục được đàn anh rủ đi trộm xe máy, giật điện thoại,… Chỉ sau 3 năm, T. đã thành thạo mọi thao tác phá ổ khóa, trộm tài sản trong chưa đầy 1 phút. Thời gian ấy, cách sống của T. chính là "gặp ai cũng cướp". Cậu luôn thủ sẵn dao trong người và sẵn sàng chống trả nếu nạn nhân phản kháng.
"Nhìn cậu nhóc 13 tuổi kể với tôi những hành vi vi phạm pháp luật bằng vẻ tự hào, tôi cảm thấy rùng mình, sợ hãi. Đêm đến, tôi trằn trọc nghĩ cách làm sao để giúp được các em thay đổi số phận", anh Hòa bộc bạch.
Hành động nhỏ thay đổi số phận một người
Đối với anh, bọn trẻ đáng thương hơn đáng trách. Không chỉ riêng Cổ Khàn và T., anh Hòa từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn. Các em có điểm chung là không có gia đình trọn vẹn, bị bỏ rơi, không ai dạy dỗ, chăm sóc. Có em còn bị lừa đi làm thuê tại những ổ mại dâm, bị chăn dắt, đánh đập.
"Tổ chức không bắt ép tôi phải làm điều ấy, nhưng khi chứng kiến hoàn cảnh của các em, tôi luôn khao khát muốn đưa tay ra để giúp đỡ", anh Hòa cho hay những đứa trẻ đường phố thường cảm thấy mặc cảm bởi sự kỳ thị của xã hội, nên việc lắng nghe, chia sẻ đã là sự giúp đỡ lớn lao đối với các em.
Mỗi khi có thời gian, anh Hòa lại lân la tiếp xúc trực tiếp với trẻ em đường phố. Các em thường mưu sinh bằng nghề thổi lửa, đánh giày, bán vé số, ăn xin, nhặt ve chai… và quanh quẩn ở bãi rác, lề đường, công viên, gầm cầu.
Anh thường tiếp cận bằng cách trò chuyện, mua hàng, tặng thức ăn, tổ chức chơi thể thao hoặc dùng ảnh của đứa trẻ có "số má" ở khu vực để tạo sự tin tưởng. Sau khi các em mở lòng, chia sẻ khó khăn và mong muốn được giúp đỡ, anh Hòa sẽ phân tích, định hướng cho các em về một tương lai tốt hơn.
"Chẳng hạn như một số em thường ngủ ở bãi rác sẽ mong muốn có chỗ ở tốt hơn, khi ấy tôi sẽ kết nối cho các em đến các mái ấm, nhà tình thương. Em nào muốn học nghề, có công việc thu nhập ổn định, tôi sẽ giới thiệu cho các em đi học miễn phí rồi đi xin việc làm. Một số trẻ cần được chữa bệnh thì tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho các em được thăm khám, điều trị", anh Hòa chia sẻ.
Ngoài ra, anh còn tuyên truyền cho trẻ cách phòng tránh tệ nạn bóc lột tình dục, sức lao động, buôn bán trẻ em… qua lời nói, video hoặc tài liệu. Nhiều em được giới thiệu về anh Hòa, cũng chủ động tìm đến anh để xin được giúp đỡ.
Trong số những đứa trẻ được anh Hòa giúp, có nhiều em vì quen nếp sống tự do, nên đã bỏ trốn khỏi tổ chức bảo trợ. Anh trải lòng rằng, đó là những trường hợp khiến anh nuối tiếc nhất.
"Điều khiến tôi trăn trở là ý thức của mọi người trong cách giúp đỡ các em. Người lớn thường cho tiền khi thấy trẻ đường phố. Điều đó là tốt nhưng chưa đủ, chúng ta phải lan tỏa được việc trao cho các em "cần câu" thay vì chỉ trao "con cá". Mỗi người trong xã hội cần chung tay giúp đỡ thì số lượng trẻ lang thang mới giảm dần, có cuộc sống tốt hơn", anh Hòa tâm đắc.
Điều khiến anh hạnh phúc nhất chính là không ít trẻ lang thang hiện tại đã có cuộc sống tốt hơn rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của những nhân viên công tác xã hội như anh Hòa.
"Có em giờ đã thành chủ nhà hàng, đi làm ở nước ngoài, có gia đình và cuộc sống ổn định. Các em cũng thường xuyên quay về hỏi thăm tôi, chung tay giúp đỡ trẻ đường phố đáng thương như bản thân ngày xưa. Tôi chưa bao giờ hối hận khi theo đuổi công việc này, bởi chỉ cần một hành động nhỏ cũng có thể thay đổi số phận của một đứa trẻ", anh Hòa tự hào, nói.
Ảnh: Nguyễn Vy, NVCC