DNews

Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Dọc những con đường khu "thủ phủ" nhà trọ tại TPHCM treo dày biển cho thuê phòng nhưng tình trạng trống chỗ, trả nhà phổ biến, kéo dài. Không ít hàng quán nơi đây cũng rơi vào cảnh cửa đóng then cài.

Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo

Dấu hiệu khó từ "thủ phủ" nhà trọ

Giữa trưa ngày cuối tuần, chị Diễm (45 tuổi, ngụ tại đường Bờ Tuyến, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM) ngồi trước cửa phòng trọ, lật cuốn sổ ghi nợ dày cộm, ngán ngẩm dò từng dòng.

Chị Diễm nói nửa đùa, nửa thật rằng hơn 10 năm mở phòng trọ cho thuê, một trong những thứ chị "lãi" nhiều nhất chính là 6 cuốn sổ ghi nợ.

"Họ thiếu tiền suốt, tôi phải sắm cho mỗi người 1 cuốn sổ nợ mới đủ ghi", nữ chủ trọ kể.

Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 1
Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 2

Ngoài cho thuê phòng trọ, chị Diễm còn mở thêm dịch vụ giặt ủi, bán nước giải khát. Nhiều khách ở trọ có hoàn cảnh khó khăn, xin khất tiền, chị Diễm "lần nào cũng gật". Nhưng lâu dần, số nợ lên đến vài triệu đồng, không ít người chọn cách... mất hút, bà chủ nợ lại cười méo xệch.

Chị Diễm có 16 phòng cho thuê, nằm trong "thủ phủ" nhà trọ của công nhân quanh khu công nghiệp Tân Tạo. Khu trọ đã trống 3 phòng nhiều tháng qua, mãi không có người thuê.

"Trước đây, các khu trọ luôn kín người ở. Người lao động thường ở ít nhất vài năm mới dọn đi nơi khác. Tình hình đã thay đổi, 1 năm gần đây nhiều công nhân đột ngột trả phòng không rõ lí do, một số người chỉ mới ở vài tháng lại báo về quê", chị Diễm nói.

Chỉ một thanh niên lái xe máy đi từ trong khu trọ ra ngoài, chị Diễm cho hay đó là người mới đến thuê phòng. Bà chủ ỉu giọng kể, chưa kịp vui mừng vì có thêm khách thì một phòng trọ khác, người thuê lại báo đóng nốt tiền trọ tháng đó rồi trả phòng, về quê sống.

Chị Diễm cho biết, khắp các con đường thuộc "thủ phủ" nhà trọ trong khu vực này, như đường số 5, Bờ Tuyến, Trần Thạnh Mại, đường số 5… cứ 3 nhà thì có 2 nơi treo biển tìm khách. Trong đó, một số nhà trọ còn trống phòng từ giữa năm 2022 đến nay vẫn chưa được lấp đầy.

Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 3
Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 4

So với nhiều khu vực khác, chi phí thuê trọ tại quận Bình Tân này thường thấp hơn, trung bình từ khoảng 900.000 đến 1,5 triệu đồng/phòng/tháng, chưa kể tiền điện, nước sinh hoạt. Vậy mà tới nay chủ vẫn phải "đỏ mắt" kiếm người thuê.

"Thời gian gần đây, mọi thứ đều đắt đỏ, chi phí bảo trì phòng trọ cũng tăng cao. Thế nhưng tôi vẫn giữ giá thuê nhiều năm rồi, thậm chí còn giảm 100.000 đồng tiền phòng cho những ai gửi xe máy ở bãi chung của khu trọ. Tôi còn cho khất tiền giặt ủi, mua nước giải khát. Đến mức như vậy rồi mà vẫn khó gom khách, đành chịu vậy", bà chủ trọ thở dài.

Đối diện dãy trọ, nhiều hàng quán đã cửa đóng then cài. Một số nơi dù mới khai trương chưa được bao lâu, chủ cũng đành trả mặt bằng vì không có khách.

Chủ trọ khó, công nhân còn cực hơn

Cách đó không xa, chị Nguyễn Minh Diệu (47 tuổi), chủ nhà trọ, cũng ngong ngóng muốn gỡ tấm biển rao "cho thuê phòng" nhưng nhiều tháng qua vẫn không gom đủ khách.

"Tôi vừa gỡ xuống, lại có người ra xin trả phòng. Khu trọ chỉ còn trống 1 phòng nhưng tôi tìm đủ cách vẫn không lấp đầy được. Để thu hút người thuê, tôi không yêu cầu khách đặt cọc mà chỉ cần đóng 50.000 đồng phí giữ phòng. Nhiều người vì thế bỏ ngang luôn, cứ ghi phiếu đăng ký rồi lại phải xé bỏ, nản ghê", chị Diệu than.

Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 5
Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 6

Nữ chủ trọ chia sẻ người quen của chị hiện là chủ của dãy trọ 40 phòng, vẫn đang đau đầu khi 10 phòng trọ cả năm không ai thuê.

"Tình hình này sẽ rất căng, mệt mỏi với người thuê đất để kinh doanh phòng trọ. Khó khăn là cảnh chung, với cả người lao động và giới chủ trọ. Chi phí sống đắt đỏ mà đồng lương công nhân mãi không tăng, nhiều người không trụ nổi, phải chọn về quê sống", chị Diệu cho biết.

Chị Nguyễn Thị Cúc (41 tuổi, quê An Giang) xác nhận tình hình khó khăn chung với người lao động nghèo, nhiều người giờ tiền ăn còn phải chắt chiu, "bóp miệng". 

Trước đây, vợ chồng chị Cúc cùng là công nhân tại Công ty Pouyuen. Tuy nhiên, lương cả hai cộng lại quá eo hẹp, chồng chị - anh Võ Chí Thân (40 tuổi) - đã nghỉ việc, làm tài xế. Đến năm 2023, công ty đột ngột thiếu đơn hàng, chị Cúc không may nằm trong danh sách giảm biên chế. Vậy là cả hai cùng rời nhà máy.

Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 7
Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 8

"Hơn 10 năm lên TPHCM làm công nhân đến giờ tôi không tích cóp được đồng nào. Tiền làm ra chỉ đủ nuôi 2 con, phụ giúp một chút cho ba mẹ ở quê. Lúc mẹ đổ bệnh, tôi áp lực lắm vì tiền lương không đủ lo cho mẹ, phải vay mượn khắp nơi. Khi mẹ qua đời, số tiền nhỏ tiết kiệm qua hàng chục năm cũng không còn, tôi lại phải lo trả nợ. Công nhân như chúng tôi mà không may bệnh tật, ốm đau là xuống đáy luôn",  chị Cúc thở dài.

Thất nghiệp ở độ tuổi 40, khó xin việc mới, khó chịu được áp lực nơi công xưởng, cũng không vốn liếng trong tay, chị Cúc chỉ biết xoay sang thuê mặt bằng với giá 2 triệu đồng/tháng ở khu trọ, bán tạp hóa để gồng gánh qua ngày.

"Đến đâu hay đến đó. Giờ về quê, chúng tôi cũng không biết làm gì, lại xấu hổ với hàng xóm vì mang danh "lên thành phố làm ăn" mà lại về tay trắng. Tôi buôn bán ở đây, thấy rõ nhiều công nhân còn khó khăn hơn nên thường chấp nhận cho họ nợ tiền mua hàng, đến kỳ lương rồi trả. Ở khu trọ công nhân này, "lá rách đùm lá tả tơi thôi", chị Cúc chua chát.

Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 9
Ngao ngán vì sổ nợ dày cộm, chủ trọ TPHCM cố giữ chân công nhân nghèo - 10

Nữ chủ trọ Nguyễn Thị Kim Hồng nhận xét, 2024 tiếp tục là một năm khó khăn với cả chủ trọ và công nhân lao động tại khu vực này. Thực tế, thời gian qua, nhiều phòng trọ tại quận Bình Tân liên tục trống phòng dù chủ trọ không tăng giá và còn tìm mọi cách thu hút người thuê.

"Tôi giật mình vì không nghĩ chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, vì không khí quá im lìm. Tôi thấy mình may mắn khi vẫn còn giữ được công nhân trọ lại, nhưng cũng lo nhiều. Hi vọng năm tới, tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn", chị Hồng tâm tư.

Theo TS Nguyễn Thị Hoài Hương, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu lao động di cư trong nước đến TPHCM, đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 1.200 người lao động di cư đến thành phố.

Kết quả phân tích số liệu cho thấy bức tranh lao động di cư tại TPHCM có nhiều điểm tích cực như: Tỷ lệ người di cư có trình độ học vấn cao hơn, giảm dần lao động ở các ngành thâm dụng lao động, nhiều người nhận định có cuộc sống khá hơn, thu nhập bình quân có xu hướng tăng, tỷ lệ tiền gửi về quê cũng gia tăng…

Số lượng lao động di cư đến TPHCM có giảm nhưng tỷ lệ lao động di cư có trình độ cao tăng lên. Điều đó cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, họ đóng góp cho nền kinh tế TPHCM nhiều hơn.

Ông Nguyễn Như Khánh, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, có một phân tích, theo lý thuyết phát triển các đô thị lớn, thu hút lao động chất lượng cao mới là xu hướng để phát triển thành phố bền vững. Với lao động phổ thông, khi thành phố phát triển đến mức độ nào đó thì thu nhập của họ không đáp ứng được, họ sẽ tự di chuyển, rời đi vùng trung tâm.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), cho rằng: "Trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gia tăng từ các địa phương lân cận và các thành phố lớn, TPHCM cần có chiến lược dài hạn để thu hút và giữ chân lao động di cư".

Theo ông, điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di cư tham gia vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, cũng như đảm bảo cho họ một cuộc sống ổn định và an toàn tại thành phố.

Việc đầu tư vào công nghệ và nâng cao kỹ năng cho lao động di cư cũng sẽ giúp TPHCM xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức và tăng trưởng bền vững.