TPHCM:
Mục tiêu năm 2021, tỷ lệ bao phủ bảo hiềm y tế khoảng 92%
(Dân trí) - BHXH TPHCM phấn đấu đến cuối năm 2021 có hơn 2,6 triệu người tham gia BHXH và hơn 8,3 triệu người tham gia BHYT để nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT lên 92%.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, trong năm 2021, Bảo hiểm xã hội thành phố quyết liệt thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của BHXH Việt Nam, UBND TP để thực hiện có hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT bao gồm: tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH, BHYT.
Trong đó, thành phố phấn đấu cuối năm 2021, số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 2,6 triệu người (tăng 10% so với năm 2020); BHXH tự nguyện 75.000 người, (tăng 15,38% so với năm 2020); BHYT là hơn 8,3 triệu người, (tăng 8,48% so với năm 2020). Tương đương với tỷ lệ lao động tham gia BHXH là 55,62%, tỷ lệ lao động tham gia BHTN là 53,61%, tỷ lệ dân số tham gia BHYT từ 91,5% đến 92%.
Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 77.209 tỷ đồng, tăng 11,57% so với năm 2020 và tỷ lệ nợ giảm dưới 1,4% so với số phải thu. Kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo cân đối được dự toán của Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021.
Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP ban hành quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn TPHCM năm 2021.
Tập trung khai thác phát triển các nhóm đối tượng tiềm năng; khai thác đối tượng thông qua dữ liệu liệu ngành thuế, dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu giáo viên mầm non để tham gia BHXH, BHYT đầy đủ theo quy định. Phối hợp với ngành bưu điện tổ chức hội nghị tuyên truyền và phát triển đối tượng tham gia.
Đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động nộp BHXH, BHYT hàng tháng bằng các hình thức đốc thu, gửi thư, mail nhắc nợ; mời các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên đến cơ quan BHXH làm việc cam kết đóng theo quy định; Chuyển danh sách các đơn vị nợ sang Sở Công thương để phối hợp hỗ trợ tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; Chuyển danh sách các đơn vị từ 2 tháng trở lên sang Ban quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp để phối hợp đôn đốc nhắc nợ; Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Hàng quý thực hiện chuyển danh sách các đơn vị nợ gửi Liên đoàn lao động và báo cáo UBND cùng cấp để có chỉ đạo kịp thời. Đối với số tiền nợ từ ngân sách nhà nước, chỉ đạo BHXH quận huyện làm việc với Phòng Tài chính và cơ quan quản lý đối tượng để thống nhất số liệu và chuyển tiền kịp thời vào quỹ BHXH, BHYT.