(Dân trí) - Những tháng cuối năm 2022, nhiều ngành sản xuất thiếu đơn hàng, làm ăn chật vật nhưng ngành lao động - xã hội, doanh nghiệp và các đoàn thể đã chung tay chăm lo để công nhân có cái Tết ấm lòng.
Tình hình xoay chuyển bất ngờ
Mới đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ tại các tỉnh phía Nam (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai) phải làm mọi cách, kể cả chi tiền môi giới để tìm kiếm lao động, tuyển dụng công nhân nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kịp thực hiện hợp đồng cho đối tác.
Nhưng chỉ nửa năm sau, đơn hàng giảm dần. Đến quý IV năm 2022, nhiều doanh nghiệp đứt hẳn đơn hàng, phải tạm dừng sản xuất, cho công nhân thôi việc, giảm giờ làm, không tăng ca, tạm hoãn hợp đồng lao động, nợ lương, cắt thưởng Tết…
Tại một tọa đàm lao động, đại diện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (doanh nghiệp đông công nhân nhất TPHCM) cho biết, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 giảm nên công ty buộc lòng quyết định cho công nhân nghỉ việc luân phiên vào ngày cuối tuần.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Hiệp hội Dệt may Việt Nam) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều bất ngờ trước chuyển biến đột ngột của thị trường. Đầu năm, đơn hàng đang tới tấp về thì chỉ vài tháng sau, đơn hàng hết, hàng tồn kho rất nhiều mà không có nơi mua, nhà máy chỉ có thể sản xuất cầm chừng.
Theo bà Tuyết Mai, các doanh nghiệp đều cố gắng hết sức để giữ công nhân vì tuyển người rất khó. Nhưng tình thế quá khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong năm 2022 có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, phải cắt giảm việc làm. 60% doanh nghiệp này ở các tỉnh miền Nam, tập trung ở các ngành nghề như dệt may; da giày; chế biến gỗ; cơ khí công nghiệp phụ trợ...
Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp là trên 637.000 người (khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp). Trong đó, số bị mất việc là gần 54.000 người, số phải giảm giờ làm trên 359.000 người, số phải tạm ngừng việc có trả lương là gần 23.000 người, số tạm hoãn hợp đồng lao động là trên 35.000 người…
Thưởng Tết vẫn tăng cao
Ngày 12/1, nghe chuông điện thoại báo có tin nhắn, anh Nguyễn Văn Hải (công nhân công ty TNHH PouYuen Việt Nam) mở máy ra xem, thấy tài khoản ngân hàng của mình vừa được chuyển tiền thưởng Tết mới tin đây là sự thật.
Trước đó, khi nghe tin công ty cho nhiều đồng nghiệp giảm giờ làm vì tình hình đơn hàng khó khăn, anh Hải lo Tết này sẽ không còn được thưởng như mọi năm. Nhưng sau đó, công ty công bố thưởng Tết với mức từ 1 đến 2,2 tháng lương, anh Hải cảm thấy rất bất ngờ, kinh ngạc rồi chuyển sang vui mừng vì Tết này vẫn ấm cúng, có bánh tét cho con và quà Tết biếu cha mẹ.
Không chỉ riêng tại công ty TNHH PouYuen Việt Nam mà hầu hết các doanh nghiệp đều có mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão tốt hơn năm 2022. Theo tổng hợp báo cáo từ 63 tỉnh thành trên cả nước, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân là 6,86 triệu đồng/người, tăng 11% so với năm 2022. Tại các tỉnh phía Nam, nơi có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng vào cuối năm nhưng mức thưởng Tết Nguyên đán vẫn tăng.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, tiền thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão bình quân trên địa bàn TPHCM là 12,88 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần (8,88 triệu đồng/người).
Tại Bình Dương, trong 1.125 doanh nghiệp báo cáo về tình hình thưởng Tết thì chỉ có 7 doanh nghiệp không có thưởng. Mức thưởng Tết bình quân trên địa bàn tỉnh là 6,13 triệu đồng/người, thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người.
Theo báo cáo năm 2022 của Bộ LĐ-TB&XH, trước những khó khăn phải cắt giảm việc làm, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động, cố gắng hạn chế thấp nhất việc sa thải lao động. Đồng thời, các cơ quan lao động địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tìm việc làm mới cho người lao động nên giữ vững được thu nhập cho họ, đảm bảo cho công nhân có cái Tết ấm no.
Không để công nhân nào không có Tết
Tuy các doanh nghiệp và cơ quan lao động địa phương đã rất nỗ lực nhưng thực tế vẫn còn một số ít doanh nghiệp quá khó khăn, chậm trả lương, không có thưởng Tết, hoặc có thưởng nhưng rất ít.
Từ đó dẫn đến những vụ ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động xảy ra trên địa bàn như vụ công nhân công ty TNHH Toyo Precision (quận 7, TPHCM) ngừng việc để phản đối mức thưởng tết 100.000 đồng, công nhân công ty TNHH Đầu tư May Kim Long (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) ngừng việc để phản đối việc chậm trả lương…
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động TPHCM, đối với những trường hợp công nhân gặp khó khăn như trên, các cơ quan quản lý lao động, công đoàn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ với tinh thần không để công nhân nào không có Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, TPHCM chi 140 tỷ đồng hỗ trợ công nhân gặp khó khăn với 10 chương trình khác nhau.
Cụ thể, TP thực hiện hàng loạt chương trình mang Tết đến cho người lao động như tặng tiền và quà cho công nhân gặp cảnh khó khăn; hỗ trợ đưa công nhân các tỉnh về quê ăn Tết bằng máy bay, tàu hỏa, xe khách; thăm hỏi và tặng quà cho công nhân ở lại thành phố dịp Tết… Các chủ nhà trọ, doanh nghiệp cũng được vận động tặng quà Tết, tổ chức tất niên cho công nhân.
Gia đình anh Hoài Chinh là 1 trong hơn 100 gia đình công nhân tham gia "Chuyến tàu mùa xuân" vào ngày 16/1 do Công đoàn TPHCM tổ chức. Vợ anh Chinh quê ở Nghệ An, đã 3 năm rồi chưa được về nhà ăn Tết.
Anh Chinh cho biết, năm nay làm ăn khó khăn nhưng thấy vợ nhớ quê quá nên hứa sang năm sẽ tích lũy cho vợ về quê đón Tết sum vầy cùng gia đình bên ngoại. Không ngờ gia đình anh may mắn được Liên đoàn Lao động hỗ trợ vé tàu đưa cả nhà về Nghệ An ăn Tết năm nay nên anh rất vui mừng.
Không chỉ tại TPHCM, những hoạt động hỗ trợ công nhân dịp Tết được thực cơ quan quản lý lao động, công đoàn thực hiện trên khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam có nhiều công nhân đang gặp khó khăn.
Tại Đồng Nai, tỉnh đã tặng 60.000 phần quà với tổng số tiền 30 tỷ đồng để chăm lo cho lao động khó khăn trong dịp Tết. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ bằng tiền cho khoảng 50.000 lao động bị mất việc hoặc bị hoãn hợp đồng trên 30 ngày với mức 1,5 triệu đồng/người, tổng kinh phí dự kiến khoảng 75 tỷ đồng.
Bình Dương hỗ trợ 46.500 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng từ ngân sách tỉnh (tương ứng 46,5 tỷ đồng) cho lao động gặp khó khăn, không về quê ăn Tết. Công đoàn các cấp tại Bình Dương tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho công nhân với tổng kinh phí dự kiến hơn 350 tỷ đồng.
Tùng Nguyên