PhotoStory

Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn

(Dân trí) - Xây bể bơi nhân tạo trên nền ao hồ, dạy bơi và sự giám sát chặt chẽ của toàn xã hội các hoạt động bơi lội của trẻ nhỏ... là những giải pháp góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước trẻ em nông thôn.

Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 1

Vào mỗi chiều hè, các em nhỏ ở thôn Trầm, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) lại đổ về hồ nhân tạo để có thể thỏa sức bơi lội sau chiều hè oi bức. Nước từ hồ bơi nhân tạo được lấy từ sông Hồng, tuy không được trong xanh như bể bơi nhưng hoàn toàn tự nhiên không có hóa chất, chính vì vậy đây là địa điểm đáng tin cậy để phụ huynh khu vực xung quanh đưa con nhỏ tới học bơi và vui đùa giải nhiệt trong thời gian nghỉ hè.

Trong những năm gần đây, trên khắp mọi miền cả nước, những vụ đuối nước thương tâm đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhỏ, tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi và đối tượng chủ yếu là ở các em học sinh. Nguy cơ đuối nước luôn rình rập trẻ em ở khắp mọi nơi, nhất là về mùa hè, trời nắng nóng, các em được nghỉ học, tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi tự do. Không có điều kiện tới bể bơi, nhiều em đã chọn ao, hồ, sông, suối... làm giải pháp thay thế. 

Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có sáng kiến, mô hình tiêu biểu không chỉ tạo điểm vui chơi, bơi lội cho người dân và trẻ nhỏ mà còn hạn chế tối đa những tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra hàng năm. 

Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 2

Đây là hồ bơi nhân tạo được chính quyền và người dân thôn Trầm tự cải tạo thành chỗ vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho mọi người sau giờ học, giờ làm việc căng thẳng. Đây là một trong những mô hình bể bơi nông thôn tiêu biểu mang lại điểm vui chơi an toàn cho người dân và trẻ em, đặc biệt đã làm giảm tối đa tình trạng đuối nước.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, hệ thống sông, suối, ao, hồ, vũng nước… cũng là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Thực tế cho thấy, việc trang bị cho trẻ em những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, đặc biệt là các em học sinh ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, ngoài việc tăng cường quản lý con em, thì việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cho cuộc sống là điều hết sức cần thiết.

Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 3
Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 4
Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 5

Trẻ em ra tắm, bơi lội ở hồ Trầm luôn có phụ huynh đi kèm để hướng dẫn, dạy bơi hoặc giám sát con em mình an toàn nhất có thể. 

Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em ở nông thôn không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ như: Sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền hội viên, đoàn viên của mình trong giáo dục, nhắc nhở con em về ý thức phòng, chống đuối nước; các cơ quan thông tin đại chúng cần có các biện pháp thông tin, giáo dục về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; nhất là chú trọng đến vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao; đặc biệt, cha mẹ phải là những người đi đầu trong việc giám sát, khuyên răn con cái mình không được tự ý ra sông, suối, ao, hồ, các công trường đang thi công tắm, bơi lội nhất là trong mùa hè để tránh những mất mát đau lòng.

Bên cạnh đó, cha mẹ, nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm nên nhắc nhở, giáo dục học sinh, nên đưa ra các dẫn chứng, kể những câu chuyện về cảnh tượng, những vụ việc về trẻ em chết đuối mà các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin để các em thấy sợ và rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Khi biết con em mình tự ý đi tắm, bơi lội ở sông, suối, ao, hồ... cha mẹ phải đưa ra các hình thức xử lý cứng rắn; đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương cũng nên chủ động nhắc nhở, cảnh báo các em trong dịp sinh hoạt hè để mỗi em luôn ý thức được sự nguy hiểm của việc đi tắm, đi bơi lội ở sông, rạch, ao, hồ...

Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 6
Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 7
Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 8

Nhiều em nhỏ tại thôn Trầm đã biết bơi thành thạo nhưng cũng chỉ được phụ huynh cho phép ra bể bơi nhân tạo của thôn để vui chơi chứ tuyệt đối cấm ra sông hồ.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang cùng một số tỉnh, thành phố phối hợp các tổ chức quốc tế tổ chức dạy "bơi sống còn" cho trẻ em, để sau khóa học trẻ có thể bơi được 25 m và nổi được 90 giây, đồng thời hướng dẫn các kỹ năng, nhận thức nơi nào là môi trường nước không an toàn cho trẻ em.

Theo các huấn luyện viên dạy bơi, chỉ cần học từ 10-14 buổi, các em có thể thuần thục bài bơi đơn giản, sau đó có thể học tiếp các bài học nâng cao. Để trẻ em có thể học và biết bơi nhanh nhất, trong môn thể thao bơi lội, phổ biến nhất hiện có 4 kiểu bơi: bơi ếch; bơi sải; bơi ngửa và bơi bướm. Theo đó, bơi ếch là kiểu bơi nhìn giống như con ếch, khi bơi thì tay và chân của người bơi quạt và đẩy nước giống như chân và tay con ếch đang bơi. Trong bơi ếch thì lực đạp nước của chân lớn hơn lực đạp nước của tay và tốc độ bơi sẽ do kỹ thuật đạp chân quyết định. Muốn bơi ếch tốt, bạn cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân. Bơi ếch là kiểu bơi cơ bản nhất nhưng tốc độ bơi chậm. Thứ hai là bơi sải hay còn gọi là bơi trườn sấp. Đây là kiểu bơi đòi hỏi có sự phối hợp nhịp nhàng của chân, tay và thở nhiều nhất. Trong bơi sải, những động tác hai chân đập, hai tay quạt nước và luôn vươn người lướt nhanh tới nước được thực hiện liên tục.

Quan trọng nhất trong bơi sải là bạn phải giữ cho thân người luôn nổi ngang với mặt nước, khi bơi mặt phải thẳng với đáy và mắt vuông góc với đáy bể. Thứ ba là bơi bướm. Đây là kiểu bơi úp sấp ngực, động tác của đôi tay tương tự và đối xứng nhau, kết hợp với việc đạp chân bướm. Trong môn thể thao bơi lội, bơi bướm là kiểu bơi có sự kết hợp nhuần nhuyễn của bơi ếch và bơi sải. Bơi bướm là kiểu bơi khó, đòi hỏi người bơi phải có kỹ thuật và thể lực tốt. Xét về kỹ thuật, cách bơi ếch là cách bơi đơn giản nhất vì các động tác kỹ thuật tay trong bơi ếch và kỹ thuật chân trong bơi ếch chủ yếu là các động tác đơn. Khi phối hợp tay - chân với kỹ thuật thở trong bơi ếch cách phối hợp cũng là cách phối hợp một nhịp đơn giản. Chính vì thế, nó phù hợp cho các trẻ em nhỏ lần đầu học bơi sẽ dễ nắm bắt và học theo.

Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 9
Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 10
Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 11

Bể bơi nhân tạo thôn Trầm có điểm sâu nhất là 2 m dành cho người lớn, còn trẻ nhỏ chỉ được vui chơi, bơi lội ở ven bể. 100% trẻ chưa biết bơi hoặc dưới 6 tuổi khi xuống bể tắm của thôn phải sử dụng áo, phao bơi đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước.

Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 12

Trẻ em bơi lội, vui đùa nhưng đã nằm trong những vòng tròn an toàn được chính quyền địa phương và gia đình giám sát.

Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 13
Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 14
Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 15
Mô hình tiêu biểu và giải pháp chống đuối nước cho trẻ em khu vực nông thôn - 16

Các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở nhà trường, các hộ gia đình, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ quan tâm, giám sát con em mình, giáo dục trẻ về những nguy cơ thường gặp ở lứa tuổi của trẻ như: Đuối nước, ngã, bỏng, ngộ độc, chấn thương do vật sắc nhọn, điện giật, động vật cắn. Tổ chức các lớp phổ cập bơi an toàn cho trẻ em; thực hiện các hướng dẫn về kỹ năng bơi an toàn và hướng dẫn kỹ năng cứu đuối cho trẻ em. Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa chữa, cắm biển báo tại những điểm thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em; làm rào chắn tại ao hồ, lấp hố nước, đậy nắp giếng…, tuyên truyền cho trẻ em sử dụng áo phao, phao bơi khi tắm biển, ao hồ, sông, suối, khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước.

25/7 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống đuối nước.

Trong thập kỉ vừa qua, đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Đuối nước là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Hơn 90% các tai nạn đuối nước xảy ra tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. 

Việt Nam là nước có tỷ lệ đuối nước rất cao trong khu vực và trên thế giới. Mỗi năm, có hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam tử vong do đuối nước. 50% trường hợp tử vong do đuối nước đều đến từ sự bất cần, trẻ em vui chơi tại môi trường không an toàn và cha mẹ thiếu sự giám sát, bảo vệ.

Mỗi gia đình tại Việt Nam đều có thể góp phần thiết thực để phòng, chống đuối nước bằng cách giám sát trẻ an toàn, dạy trẻ biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tạo môi trường an toàn cho trẻ em tránh xa nguồn nước.

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống và mọi người đều có vai trò trách nhiệm trong việc phòng, chống đuối nước.