MC Đức Bảo nói "không sinh con là lương thiện", mẹ nghèo nhói đau
(Dân trí) - Câu nói "nếu đứa con sinh ra là để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn thì không sinh con cũng là một loại lương thiện" gắn với hình ảnh MC Đức Bảo trên mạng làm chị Nhàn đau nhói.
Thấy tội lỗi khi nghe mỉa "nghèo mà sinh con"
Chị Trần Nhàn, 35 tuổi, làm bảo vệ tại một công ty ở Tân Phú, TPHCM cho biết, hai ngày qua chị bị cuốn vào cuộc tranh cãi "nghèo có nên sinh con" trên một diễn đàn, xuất phát từ phát ngôn liên quan đến người nổi tiếng - MC Đức Bảo.
Thực tế, phát ngôn: "Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng là một loại lương thiện" được nam MC giải thích là do ê kip quản lý của mình chia sẻ gây hiểu nhầm.
Người mẹ hai con kể, chị làm bảo vệ, lương tháng 8 triệu đồng. Chồng chị làm việc tại một xưởng gia dụng với mức lương tương đương. Hai vợ chồng chị ở trọ, cuộc sống đơn giản và tằn tiện. Về kinh tế, chị tự nhận gia đình thuộc diện... nhà nghèo ở thành phố.
Cách đây hai năm, khi quyết định sinh con thứ 2, chị đã nghe không ít lời mỉa mai... "nghèo mà bày đặt đẻ nhiều", "nuôi một con cho tốt đi". Những nhận định đó khiến cặp bố mẹ nghèo tủi thân, dẫu rằng bao năm nuôi con đến nay anh chị chưa hề xin xỏ, vay mượn tiền bạc hay gây phiền hà đến ai.
Nuôi hai con với vợ chồng chị rõ ràng không dễ dàng gì nhưng cả hai vẫn làm việc, kiếm tiền bằng sức của mình, nuôi con bằng chính bàn tay lao động của mình. Gia đình có những niềm vui, hạnh phúc nhất định khi có hai con nhỏ.
"Bố mẹ không khá giả, con có những thiệt thòi nhất định nhưng tôi không nghĩ đó lại là lý do để chỉ trích việc người khác sinh con. Nhiều người không khổ vì nghèo mà có thể bị dằn vặt bởi những lời kết án như vậy", nữ bảo vệ trải lòng.
Chị Lê Ngọc Trâm, ở Tân Bình, TPHCM bày tỏ, chị rất khó chịu với những ý kiến "nghèo thì đừng sinh con" của không ít người hiện nay.
Không phủ nhận thực tế, để nuôi dạy một đứa trẻ cần nhiều yếu tố, ngoài tiền bạc thì cần cả sức khỏe, thời gian, tâm lý, kỹ năng... Nhưng theo chị Trâm, không một ai có thể khẳng định thay cho người khác cần chuẩn bị thế nào, bao nhiêu là đủ.
Nhiều hoàn cảnh, mọi người nhìn vào thấy khổ nhưng chắc gì người trong cuộc đã nghĩ vậy. Ngược lại, chị cũng gặp không ít những đứa trẻ bất hạnh, dù sinh ra trong những gia đình có giàu có.
Theo chị Lê Ngọc Trâm, câu nói gắn với hình ảnh của MC Đức Bảo "sinh con để kế thừa sự vất vả nghèo khó của bạn thì không nên sinh con" xét về trách nhiệm của bố mẹ trong việc nuôi dạy, có phần hợp lý.
Tuy nhiên, ở đây, không khó để thấy tâm thế phát ngôn đầy tính trịch thượng, bề trên, giọng điệu nghiêng về chỉ trích và cả lên án phụ huynh nghèo. Đồng thời, ở đó họ cho mình quyền sinh quyền sát đối với vấn đề sinh đẻ của người khác. Theo chị Trâm đó là cách nhìn phiến diện và méo mó và có phần tàn nhẫn.
Người mẹ cho hay, bản thân chị cũng cân nhắc kỹ trước khi quyết định sinh một đứa con, chuẩn bị nhiều yếu tố về tài chính, sức khỏe, năng lực trước khi sinh con. Nhưng điều đó không có nghĩa là chị được quyền phê phán việc người khác sinh con trong điều kiện, hoàn cảnh của họ.
Trẻ con kế thừa gì từ bố mẹ?
Chị Lê Ngọc Trâm cho rằng, câu hỏi "nghèo có nên sinh con" chỉ nên dừng ở việc mỗi người tự vấn với mình, tự trả lời với chính mình chứ không phải dùng để tấn công, kết án người khác.
Theo người mẹ này, ngoài tài sản, vật chất, có rất nhiều thứ quan trọng bố mẹ có thể để lại cho con như tình yêu thương, ý chí, nghị lực, tự trọng, cách nhìn cuộc sống một cách nhân văn, nhân ái, biết mình biết ta, biết tôn trọng sự khác biệt... Trong đó, nhiều thứ có tiền cũng chưa chắc đã có được.
Chuyên gia giáo dục trẻ Catherine Yến Phạm chia sẻ, giàu nghèo không liên quan đến việc bạn nên sinh con hay không mà dạy con thế nào mới quan trọng.
Nếu nói "kế thừa" thì con cái chính là người kế thừa gene của bạn, là tiếp nối của bạn, kế thừa tư duy của bạn, tính cách của bạn, kế thừa tính cách và tư tưởng của bạn, lòng tốt, sự quyết tâm hoặc sự thảo mai của bạn. Con trẻ sẽ kế thừa thái độ sống của bạn, cũng sẽ kế thừa cách mà bạn áp lực, áp đặt lên con từ những mong cầu của mình, kế thừa truyền thống, môi trường gia đình.
Theo bà Catherine Yến Phạm, cái mỗi người cần quan tâm thực chất không phải là lúc bạn sinh con bạn giàu hay nghèo. Một số yếu tố cần quan tâm hơn như bạn có cho con một tuổi thơ "có bạn" hay không, bởi không tổn thương nào lớn bằng tổn thương không có cha mẹ bên cạnh.
Rồi kể cả bạn không có kiến thức nuôi dạy con cũng không sao, cần hơn là bạn có đủ can đảm để dám chấp nhận mình có vấn đề, có thiếu sót, để quyết tâm thay đổi, học hỏi cùng con trưởng thành hay không?
Bạn nghèo không phải vấn đề nhưng bạn mãi nghèo thì lại là vấn đề. Bạn có quyết tâm kiếm tiền để khi con lên 6,7 tuổi và những năm sau đó, con có thể cần nhiều tiền hơn để học tập.
Thêm nữa, đừng ra rả bố mẹ phải nai lưng kiếm tiền nuôi con, để con học trường xịn mà cần suy nghĩ, kiếm tiền chính là để con và mình cùng trưởng thành. Kiếm tiền chân chính và hết lòng là cách vô cùng hiệu quả để trưởng thành.
Bà Yến Phạm đưa ra góc nhìn, không nên nghĩ có con chỉ để thỏa mãn việc "có" với thiên hạ, thỏa mãn khát vọng của gene là truyền lại nòi giống hoặc để làm hài lòng phụ huynh... Có con là để lại bản sao hoàn thiện của chính mình, bởi chính trách nhiệm của mình.