Lương tối thiểu bao giờ đáp ứng đủ mức sống tối thiểu?

(Dân trí) - “Đồng lương của người lao động không đủ sống kéo theo nhiều vấn đề bủa vây: Tiền thuê nhà chưa trả hoặc trả một nửa, nợ một nửa. Ngay cả khi bị ốm, họ cũng không dám nghỉ ngơi và chỉ cố gắng chi tiêu ở mức dè xẻn, tối thiểu..."

Đây là ý kiến của chuyên gia lao động việc làm khi đánh giá về tình hình lương tối thiểu áp dụng vào đời sống thực tế của người lao động.

Chiều nay (10/7), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động và đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020.

Đây cũng là cuộc họp nhằm lấy ý kiến cho buổi đàm phán lần 2 về nâng lương tối thiểu vùng 2020 diễn ra vào chiều mai (11/7). 

Phát biểu tại cuộc họp, nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 cần tăng trong khoảng 6,5-8,1% nhằm đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, điều quan trọng trong thương lượng lương tối thiểu vùng là phải căn cứ vào mức sống tối thiểu.

Tuy nhiên hiện vẫn chưa có cơ quan chính thức công bố mức sống tối thiểu.

"Hiện nay cách xác định mức sống tối thiểu chủ yếu dựa vào tính toán của tổ kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Nhưng cách tính này chỉ mang tính chất tương đối và tham khảo. Ngay cả các bên cũng không sử dụng ngay các tính toán của tổ kỹ thuật; quan điểm về tiếp cận số liệu thông tin cũng khác nhau…" - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phiên họp đàm phán lần 1 tháng 6 cho thấy khoảng cách 5 % trong đề xuất tăng lương tối thiểu của các bên.

"Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất ba phương án trong đó mức tăng cao nhất là 8,18% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho giới chủ - chỉ đề xuất mức tăng 3%, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng 5,2%" - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Lương tối thiểu bao giờ đáp ứng đủ mức sống tối thiểu? - 1

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Phân tích kỹ hơn về mức đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng cho hay, mức đề xuất này dựa trên tình hình phát triển kinh tế xã hội. Tới nay, chỉ số GDP tăng khoảng 7%, năng suất lao động cũng tăng xấp xỉ 6%. Đây là 2 chỉ số vĩ mô có ảnh hưởng tích cực tới việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2020.

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu khẩu với tỷ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp ổn định.

Ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, với triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nhờ các hiệp định CPTPP và EVFTA, tăng lương tối thiểu đủ sống là yếu tố tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài. Cho nên, mức đề xuất 3% là chưa phù hợp.

Trước những phân tích đó, Tổng LĐLĐ đã đưa ra 3 Đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Phương án 1 là tăng 8,1% tương ứng từ 180-380 nghìn đồng. Phương án 2 là tăng 7,6% tương ứng từ 160-330 nghìn đồng. Phương án 3 tăng 6,51% tương ứng với 150-300 nghìn đồng.

Bà Văn Thị Thu Hà - đại diện nhóm nghiên cứu “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” cho rằng, hiện nay mức lương của công nhân lao động còn thấp, đặc biệt lương của lao động ngành dệt may.

Trong nghiên cứu của mình, bà Thu Hà cũng chỉ ra rằng: “Đồng lương của người lao động không đủ sống kéo theo nhiều vấn đề bủa vây: tiền thuê nhà chưa trả hoặc trả một nửa, nợ một nửa. Ngay cả khi bị ốm họ cũng không dám nghỉ ngơi, họ cố gắng chi tiêu ở mức dè xẻn, tối thiểu. Họ không có tiền dư để phòng khi gia đình gặp khủng hoảng hoặc trong trường hợp khẩn cấp, không mấy khi đi chơi hoặc chi tiêu cho các hoạt động vui chơi giải trí. Họ thậm chí ít về thăm gia đình hoặc về quê thăm người thân vì các chi phí liên quan đến tàu xe, đi lại…”.

Lương tối thiểu bao giờ đáp ứng đủ mức sống tối thiểu? - 2

Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi – Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động

Lương tối thiểu bao giờ đáp ứng đủ mức sống tối thiểu? - 3

Biểu đồ cho thấy lương tối thiểu thực tế tăng chậm hơn năng suất trong khu vực phi nông nghiệp. Theo đó, màu xanh đậm chỉ năng suất lao động tăng nhanh trong khi mức lương tối thiểu (xanh nhạt) tăng chậm một nửa so với năng suất lao động. Màu xám chỉ mức tăng lương tối thiểu tính theo tỷ giá USD thì gần như là không tăng.

Theo tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi - Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, chuyên gia độc lập về lao động tiền lương - cho rằng, ở các quốc gia phát triển, nhiều quốc gia như Anh, Mỹ đã chuyển mức lương tối thiểu thành lương đủ sống, chỉ riêng Việt Nam giờ vẫn loay hoay với cách tính lương tối thiểu, đủ mức sống tối thiểu.

“Xu hướng là lương tối thiểu phải tăng nhanh hơn cả năng suất lao động của các quốc gia. Trong khi đó tại Việt Nam, nói tăng lương nhưng thực tế không tăng, thậm chí còn giảm. Nếu duy trì mức sống tối thiểu để tồn tại thì lâu dần vô hình chung điều này sẽ nhân rộng đói nghèo và khoảng cách thu nhập giữa các nhóm trong xã hội” - bà Chi nói.  

Tiến sĩ Quỳnh Chi cũng chỉ ra rằng, lương tối thiểu thực tế tăng chậm hơn năng suất trong khu vực phi nông nghiệp, khi mà năng suất lao động tăng cao thì mức lương tối thiểu tính theo trị giá Việt Nam đồng mới tăng được ½ thì khi tính theo trị giá USD, mức tăng lương gần như là ngang bằng, theo nghiên cứu ở giai đoạn từ năm 2000-2015.

Đánh giá về mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP. HCM) cho rằng, theo khảo sát được công bố thì lương tối thiểu đã đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu, nghĩa là việc đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sống tối thiểu chỉ còn một tỉ lệ rất nhỏ.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì đời sống của người lao động rất khó khăn. Người lao động buộc phải làm thêm để đủ trang trải đời sống.

Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đã đặt mục tiêu, đến năm 2020 mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Cho nên, việc tính toán mức sống tối thiểu cần phải thay đổi để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Khuyến nghị về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, TS Nguyễn Quỳnh Chi (Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động) cho rằng, cần phân biệt rõ mức sống tối thiểu để tồn tại và mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống khi các bên thảo luận về tiền lương tối thiểu.

Mức sống tối thiểu để tồn tại về lâu dài sẽ làm nhân rộng đói nghèo, tăng khoảng cách giữa các thu nhập giữa các nhóm xã hội. Công đoàn nên khuyến khích việc thương lượng tập thể dựa trên mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống ở cấp ngành và doanh nghiệp.

Ngọc Hân