Lương tối thiểu: Chuyên gia “mật bí” yếu tố quyết định trong đàm phán
(Dân trí) - Giữa tháng 6, tại cuộc họp về lương tối thiểu 2020, sự khác biệt giữa cách đánh giá mức sống tối thiểu đã khiến các đề xuất tăng lương cách nhau tới 5 %. Vậy, mức sống tối thiểu được cơ cấu bởi các yếu tố gì? Vì sao các bên lại có nhìn nhận khác biệt như vậy?
Từng tham gia vào nhiều cuộc đàm phán tăng lương tối thiểu vùng, bà Tống Thị Minh - nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, đã có những chia sẻ liên quan tới mức sống tối thiểu.
Với kinh nghiệm chuyên môn, bà Tống Thị Minh cho rằng, hội đồng tiền lương của nhiều quốc gia đều gặp phải vấn đề chung khi bàn về tăng lương tối thiểu, đó là sự khác biệt trong nhìn nhận quyền lợi và sự thống kê dữ liệu khác nhau.
Đây là vấn đề thực tế và mục tiêu của đàm phán luôn là việc “kéo sát” đề xuất của các bên, từ đó tìm ra tiếng nói chung.
Cụ thể, đại diện người sử dụng lao động quan tâm nhiều nhất vào đời sống người lao động. Trong khi đó, đại diện người sử dụng lao động quan tâm chủ yếu tới yếu tố chi phí.
Sự khác biệt thể hiện rõ nhất trong việc đánh giá cơ cấu các yếu tố của mức sống tối thiểu: Nhu cầu lương thực và phi lương thực, mô hình chi tiêu của người lao động.
“Do đó trong cơ cấu Hội đồng tiền lương quốc gia luôn có 3 bên tham gia, gồm: Đại diện người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước. Ngay cả bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng có đại diện của 3 tổ chức trên” - bà Tống Thị Minh nói.
Phiên đàm phán lương tối thiểu 2020: Đề xuất của các bên cách nhau 5 %
Hôm 14/6, tại Hà Nội, Phiên đàm phán lần đầu về lương tối thiểu vùng 2020 đã dừng tạm dừng.
Theo đó, Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng cao nhất là 8 % so với mức của năm 2018, tương ứng với mức tiền tăng từ 180.000 - 380.000 đồng tuỳ theo từng vùng lương.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đề xuất tăng dưới 3%.
Ngoài ra, phiên đàm phán cũng tiếp nhận ý kiến của bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia với đề xuất tăng trung bình 5,2 %.
Phiên đàm phán tiếp theo về lương tối thiểu sẽ được diễn ra trong tháng 7/2019.
Phân tích về mô hình chỉ tiêu, vị chuyên gia tiền lương cho biết thêm: “Do địa hình của Việt Nam trải dài, mô hình nhu cầu chi tiêu khác nhau. Người lao động ở miền Bắc có nhu cầu mặc nhiều, nhu cầu chăn bông, áo ấm nhiều, nhu cầu chi tiêu vào nhà ở nhiều hơn. Người lao động ở miền Nam chi phí lương thực nhiều hơn, chi phí vào quần áo ít hơn do không có mùa đông…Do đó, Việt Nam phải có 4 vùng lương tối thiểu”.
Bên cạnh việc tham khảo quan điểm đánh giá các bên cũng như thực tế mô hình chi tiêu của người lao động, Hội đồng tiền lương Quốc gia còn dựa trên số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê và Viện dinh dưỡng được cập nhật và điều chỉnh nhu cầu sống tối thiểu trong 5 năm về cả lượng và chất calo.
“Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Hội đồng tiền lương đã bổ sung thêm nhu cầu thuê nhà của người lao động là 500.000 đồng/tháng vào nhóm nhu cầu phi lương thực” - bà Tống Thị Minh cho biết.
Đánh giá về lộ trình tăng lương tối thiểu, vị chuyên gia tiền lương cho biết thêm: “Tới năm 2020, Nghị quyết 27/NQ-T.Ư đã quy định rõ lương tối thiểu đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ trên cơ sở khả năng chi phí của doanh nghiệp. Khi đó, chúng ta chỉ còn điều chỉnh lương tối thiểu theo cơ cấu và giá cả thị trường”.
Hoàng Mạnh