1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lùi hạn trình điều chỉnh tuổi hưu và giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

(Dân trí) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và Nghị quyết điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động đã được Quốc hội đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tại Tờ trình số 78/TTr-CP của Chính phủ ngày 10/3/2017, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 4.

“Tuy nhiên sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận tại Nghị quyết số 379/2017/UBTVQH14 ngày 4/5/2017: Đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Chưa đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp.

Được biết, dự thảo lần 2 về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Lao động đã được Bộ LĐ-TB&XH lấy kiến rộng rãi dư luận, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ năm 2021, giờ làm thêm, tổ chức của người lao động tại cơ sở, lương tối thiểu...Trong đó, vấn đề điều chỉnh tuổi hưu được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp (Ảnh: Hoàng Mạnh)
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 4869/VPCP-PL giao Bộ LĐ-TB&XH: Nghiên cứu chuẩn bị hồ sơ Đề nghị xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời gian thích hợp.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Chính phủ cũng giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật ưu đãi người có công với cách mạng trình Chính phủ xem xét, thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội.

Hoàn thiện lại theo hướng đổi tên dự án Luật

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Sau khi Chính phủ có tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi một điều của Luật Lao động, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện hơn, đánh giá tác động các đối tượng. Đồng thời đồng ý đổi tên từ Luật sửa đổi một số điều của Luật lao động thành Luật sửa đổi Bộ luật lao động.

Như vậy, với một phạm vi điều chỉnh lớn hơn, quy trình xây dựng dự án luật phải theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, các luật muốn đưa vào chương trình phải có đề nghị, xây dựng nhóm chính sách được chính phủ phê duyệt trước, có đánh giá tác động, dự kiến nguồn lực và các giải pháp thực hiện.

Ông Hà Đình Bốn cho biết, quy trình mới sẽ phải được một số bộ, ngành đồng ý và có ý kiến sau đó tập hợp nhóm chính sách đó trình lên Thủ tướng, Chính phủ. Sau đó nếu được đồng ý mới đăng ký đưa vào chương trình.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ, đề nghị xây dựng dự án bộ luật lao động sửa đổi theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, báo cáo Chính phủ xem xét thông qua để đề xuất Uỷ Ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời gian thích hợp.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Chế độ thai sản đối với người chưa đủ 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội

Theo Báo Giáo dục thời đại, bạn đọc Mai Thuý hỏi: Tôi là nhân viên thư viện trường học. Đầu tháng 4/2017 tôi nghỉ sinh con nhưng chưa đủ 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu tôi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì được hưởng quyền lợi gì?

Trả lời: Theo quy định hiện hành: Người lao động hưởng chế độ thai sản như sau: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội; Còn theo Thông tư số: 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có nêu: Đối với trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, Điều 34, Điều 37 của Luật bảo hiểm xã hội ngay trong tháng đầu thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó. Còn tại Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định: Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây: Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng; Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 của Luật này.

G.D

Tổ chức đối thoại chính sách BHXH, BHYT, BHTN

Ngày 19/5, UBND Quận Hà Đông tổ chức hội nghị đối thoại chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Hội nghị thu hút hơn 500 lãnh đạo, cán bộ đơn vị sử dụng lao động.

Tại đây, các đơn vị sử dụng người lao động được các chuyên gia phân tích các ưu việt, nhân văn của chính sách BHXH, BHYT , BHTN. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nêu rõ trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động trong việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người lao động. Điều này càng có ý nghĩa khi trong thời điểm tới đây, giá viện phí đối với người không có thẻ BHYT sẽ tăng cao. Ngoài ra, đại diện các đơn vị cũng được hiểu thêm về quy định khởi kiện nợ BHXH của tổ chức công đoàn. Hội nghị cũng dành thời gian để trả lời gần 100 thắc mắc của các đơn vị sử dụng lao động liên quan tới các vấn đề như: Thủ tục thu, nộp BHXH, BHYT, các điều kiện chốt sổ, thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BHXH...

P.A