1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Luật sư khuyết tật đòi được tiền tỉ cho công nhân tại toà

Sinh ra trong tật nguyền, anh Lê Tấn Tý (39 tuổi, Đồng Nai) vượt lên nhiều rào cản, mặc cảm để xây dựng được chỗ đứng trong xã hội trên chính đôi chân tật nguyền của mình. Đáng quý hơn, trước hàng trăm phiên tòa, anh đã đấu tranh với hội đồng xét xử, với các luật sư đồng nghiệp, giới chủ… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng trăm công nhân nghèo khó bị sa thải, bị đánh đập, bị tước đi những đồng lương chân chính…

Sinh ra trong tật nguyền, anh Lê Tấn Tý (39 tuổi, Đồng Nai) vượt lên nhiều rào cản, mặc cảm để xây dựng được chỗ đứng trong xã hội trên chính đôi chân tật nguyền của mình. Đáng quý hơn, trước hàng trăm phiên tòa, anh đã đấu tranh với hội đồng xét xử, với các luật sư đồng nghiệp, giới chủ… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng trăm công nhân nghèo khó bị sa thải, bị đánh đập, bị tước đi những đồng lương chân chính…

Đặc biệt, khi mới ra trường nhiều nơi từ chối nhưng LĐLĐ tỉnh đã đồng ý nhận anh Tý vào làm. Tới nay, anh và các đồng nghiệp tại Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã đòi bồi thường thành công hàng tỉ đồng từ giới chủ cho người lao động.

Quyết “chiến” với những người quản lý đánh đập công nhân nữ

Hiện nay, luật sư Lê Tấn Tý đang là cán bộ xung kích nhất trong các vụ tranh chấp lao động do Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tư vấn và đứng ra bảo vệ công nhân lao động trước phiên tòa. Toàn bộ các vụ án này đều được các luật sư bảo vệ tình nguyện không đòi hỏi, đúng với tinh thần của trung tâm do tổ chức Công đoàn Đồng Nai lập ra.

Xòe tờ giấy A4 gấp tư lấy từ trong cặp, anh Tý cẩn thận gạch bỏ một vụ tranh chấp lao động mà anh vừa bảo vệ thành công ngày 19.9, giúp hai cựu bảo vệ Ngân hàng TNHH Indovina Đồng Nai nhận được 300 triệu đồng. Đây chỉ là một trong số hàng chục vụ anh Tý đang theo đuổi được ghi trong tờ A4 của mình.


Luật sư Lê Tấn Tý (người ngồi, đeo kính) trở thành điểm tựa để bảo vệ quyền lợi cho nhiều công nhân tại Đồng Nai.

Luật sư Lê Tấn Tý (người ngồi, đeo kính) trở thành điểm tựa để bảo vệ quyền lợi cho nhiều công nhân tại Đồng Nai.

Luật sư Lê Tấn Tý chia sẻ: “NLĐ với trình độ còn giới hạn, sự am hiểu về pháp luật lao động còn thấp nên thường bị giới chủ ăn hiếp. Trong khi đó, người sử dụng lao động có cả một bộ máy tham mưu giúp việc. Từ đó, khi xảy ra tranh chấp lao động thì NLĐ không đủ sức để “đấu” với chủ. Cho nên, cán bộ trung tâm nói chung, bản thân tôi nói riêng đều làm việc hết mình vì cái tâm hướng đến NLĐ, đặc biệt là công nhân nghèo”.

Một trong những vụ án phức tạp được luật sư nhận hỗ trợ và đeo đuổi nhiều năm cuối cùng cũng thắng kiện là vụ việc đã được báo Lao Động phản ánh trong bài viết “Báo động tình trạng đánh đập, ngược đãi công nhân”. Đó là trường hợp của bà L.T.B.Sáu (SN 1967) từng làm CN tại một Cty gỗ ở (TP. Biên Hòa, Đồng Nai).

Cuối năm 2011, bà Sáu đến Cty làm việc thì bị người quản lý là con trai của ông chủ Cty này, sinh năm 1984 dùng ghế gỗ đánh khiến bà Sáu phải vào BV Đa khoa Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng gãy nát đầu dưới 2 xương cẳng tay trái, tổn thương thần kinh. Kết quả giám định pháp y, bà Sáu bị tỉ lệ thương tật toàn bộ là 37%, mất khả năng lao động, mất 40 triệu đồng chi phí chữa bệnh mà gia đình bà vay mượn bạn bè, người thân, bà Sáu đã phải ở nhà cùng chồng và con trai đều là CN trong phòng chưa tới 10m2.

Ngày bà Sáu tới Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn để kêu cứu thì chính phóng viên cũng có mặt chứng kiến, bà Sáu khi đó tay đang còn bó bột. Ai nấy ở trung tâm cũng không kìm được nước mắt và bức xúc. Luật sư Lê Tấn Tý nhớ lại: “Khi đó tôi vô cùng bức xúc và hứa với bản thân sẽ đi đến cùng sự việc để đòi lại sự công bằng cho bà Sáu”.

Sau đó, anh Tý lập tức thảo đơn từ giúp bà Sáu, kêu cứu tới các cơ quan chức năng, buộc cơ quan công an vào cuộc điều tra, đồng thời bắt tạm giam đối tượng về tội cố ý gây thương tích. Anh Tý cũng tình nguyện tham gia bảo vệ quyền lợi cho bà Sáu tại tòa; kết quả đối tượng bị xử phạt 3 năm tù giam và buộc phải bồi thường cho bà Sáu 70 triệu đồng. “Tại phiên tòa đó, dù thắng nhưng tôi đã khóc. Tôi khóc vì vui khi đòi lại được sự công bằng cho NLĐ khó khăn” - anh Tý chia sẻ tâm tư của mình.

Đòi tiền tỉ về tay công nhân…

Vụ án đầu tiên, tổ chức Công đoàn Đồng Nai thay mặt công nhân, đứng ra khởi kiện giới chủ mà luật sư Tý nhận là vụ án từng làm chấn động cả nước. Luật sư Tý kể, sự kiện LĐLĐ TX.Long Khánh lần đầu tiên trong cả nước đại diện cho tập thể người lao động đứng ra khởi kiện Cty H (100% vốn đầu tư nước ngoài) vì không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho NLĐ vào năm 2008 đã gây sự chú ý của dư luận lúc bấy giờ.

Lúc ấy, anh được cấp trên giao nhiệm vụ thu thập chứng cứ, xây dựng phương án khởi kiện Cty và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong suốt quá trình tòa thụ lý, giải quyết vụ kiện. Trước phiên tòa, anh không khỏi lo lắng, nhưng anh đã nén xuống và thể hiện những chứng cứ xác đáng nhất thuyết phục hội đồng xét xử, phản biện lại giới chủ. Kết quả, NLĐ đã thắng kiện, TAND tỉnh Đồng Nai đã buộc Cty H phải đóng 1,4 tỉ đồng về khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho NLĐ.

“Sau vụ án đó, nhiều cán bộ công đoàn các tỉnh thành đến làm việc tại tỉnh Đồng Nai đều bất ngờ khi giới thiệu luật sư bảo vệ công nhân đòi 1,4 tỉ đồng là tôi - một người trẻ tuổi, bất ngờ hơn khi tôi bị tật nguyền” - luật sư Tý cười nói.

Luật sư Tý có một tuổi thơ gian khó hơn những đứa trẻ khác. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó tại huyện Định Quán (Đồng Nai). Bản thân anh khi lên 6 tuổi thì bị bệnh sốt bại liệt khiến đôi chân bị teo lại, mọi cách chạy chữa đều vô phương. Chân bị teo, anh Tý đi lại một cách khó khăn cùng đôi nạng gỗ. Để đi học, anh phải thức dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ ra đường chính đợi xin đi “ké” xe cạo mủ caosu tới trường. “Khổ nhất vào mùa mưa gió, đường sá trơn trượt, nếu mình đi không cẩn thận thì té như chơi. Cũng nhờ đi lại nhiều nên đôi chân của mình ngày càng cứng hơn và dần tự đi, không phải dùng đến nạng gỗ nữa”, anh Tý chia sẻ.

Năm 18 tuổi, Tý nhìn vào đôi chân và lo cho tương lai của mình. “Tôi đã lựa chọn ngành luật bởi tôi nghĩ trong cuộc sống, pháp luật rất quan trọng, làm gì cũng “dính” đến luật và nghề đó tôi cũng ít phải dùng sức đôi chân nhiều”, luật sư Tý tâm sự. Năm đó, anh Tý thi đậu khoa Luật của Trường ĐH Tổng hợp TPHCM. Khi tốt nghiệp, anh về Đồng Nai tìm việc nhưng anh đi đến đâu anh cũng chỉ nhận cái lắc đầu, thậm chí có nơi vừa nhìn thấy anh thì bảo vệ đã đuổi đi mà không nhìn hồ sơ. Xin việc ở TP. Biên Hòa không được, anh chạy về quê Định Quán nhưng cũng vô vọng.

Bị từ chối quá nhiều nhưng không tuyệt vọng, anh nghĩ ra “chiêu” mới. Gặp bảo vệ nào anh cũng nói là vào gặp lãnh đạo có chút chuyện, rồi xộc thẳng vào gặp lãnh đạo để trình bày. May mắn cho anh, trong các sở ngành, lãnh đạo LĐLĐ khi đó đã đồng ý nhận anh với mức lương lúc đó là 180.000 đồng/tháng. Công việc hằng ngày là vào sổ công văn đến, công văn đi, nhận đơn của công nhân… Mức lương quá thấp nên anh viết tin, bài cộng tác cho các tờ báo để có thêm thu nhập, nhưng cũng chỉ trang trải cuộc sống bản thân. Anh Tý tiếp tục phấn đấu và năm 2003, anh thi đậu lớp đào tạo luật sư.

Bây giờ, tại Đồng Nai, luật sư Tý đang là điểm tựa của công nhân và là nỗi e sợ của nhiều giới chủ khi giáp mặt tại tòa. Với kinh nghiệm nhiều năm làm án lao động, cùng với nhiều “chiến công” là hàng tỉ đồng đòi về cho công nhân, mỗi khi phóng viên cùng dự tòa xử các án lao động mà bị đơn là giới chủ, luật sư Tý luôn xuất hiện rất hiên ngang và thường luôn chiếm thế thượng phong trước mỗi phiên tòa lao động.

“Nhiều luật sư được giới chủ mời về từ TPHCM, Hà Nội cũng đuối lý trước luật sư Tý; còn tại tòa TP. Biên Hòa, tòa tỉnh Đồng Nai, luật sư Tý luôn nhận được một cái nhìn tôn trọng từ các thẩm phán” - một đồng nghiệp luật sư nhận xét như vậy về luật sư Tý.

Theo Báo Lao động